(Tổ Quốc) - Bạn có nghĩ trong xã hội hiện nay ngày nay, đôi khi sự hiện diện của người cha trong gia đình lại trở nên không mấy quan trọng?
Thực tế là đã có rất nhiều học giả và nhà văn đặt nặng tình cha con cũng phải thừa nhận quan điểm này. Nữ diễn viên nổi tiếng Jennifer Aniston cũng đã từng lên tiếng và đưa ra quan điểm: "Phụ nữ ngày nay không còn phụ thuộc và quá cần có một người đàn ông bên cạnh chỉ vì cô ấy muốn có con."
Quan điểm của Jennifer đã thu hút và được khá nhiều người ủng hộ, nhất là ở thời đại mà có hàng triệu phụ nữ có con mà không cần tới hôn nhân, điều này dường như càng khiến cho vai trò và tầm quan trọng của người cha trong gia đình bị giảm sút. Thực tế này khiến cho việc làm thế nào để những người đàn ông có thể trở thành một ông bố, một người chồng đúng nghĩa trong gia đình còn khó hơn cả chật vật kiếm tiền ngoài xã hội. Nhất là khi ngày một có nhiều trường hợp các ông bố suy đồi về đạo đức gây tổn hại cho những đứa trẻ. Cũng giống như lời bác sĩ tâm thần Kyle Pruett nói: "Bố chẳng thể nào là mẹ" nên có lẽ những người cha khó mà có được vị trí quan trọng đối với con cái bằng mẹ chúng.
Bên cạnh đó, Pruett cũng đưa ra quan điểm cho rằng các ông bố thường có cách dạy dỗ con cái khá khác với mẹ, tất nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Nhưng cho dù các cặp bố mẹ khác nhau có quan điểm trái ngược như thế nào trong quá trình nuôi dạy con cái, thì có một sự thật không thể phủ nhận đó là người bố luôn có những ảnh hưởng to lớn đến suy nghĩ và hành động của con trẻ.
Nhà tâm lý học Ross Parke đã thực hiện hàng chục nghiên cứu về cách làm cha của các ông bố. 390 gia đình đã được yêu cầu mô tả cách các bà mẹ và ông bố chơi với con cái của họ. Trong khi những người mẹ tỏ ra điềm đạm và ít sôi nổi khi chơi cùng con, thì các ông bố lại hành động ngược lại. Sáng thứ bảy hàng tuần, họ dành thời gian chơi bóng đá cùng con, họ cũng dành nhiều thời gian chơi cùng con các trò chơi có tính vận động mạnh và dạy con cách xử lý cơ thể và cảm xúc trong mọi trường hợp.
Nhà tâm lý học John Snarey đã đưa ra nhận định trong cuốn sách của mình, theo đó ông nói: "Những đứa trẻ được bố dạy dỗ theo cách thô ráp sẽ nhanh chóng biết rằng các hành vi như cắn, đá và các hình thức bạo lực thể xác khác là không thể chấp nhận được". Không chỉ có vậy, trong quá trình nuôi dạy con cái, người cha cũng có xu hướng sẵn sàng để con đối mặt với các thử thách và nguy cơ để sớm trở nên độc lập, trong khi người mẹ lại có xu hướng bao bọc và bảo vệ con khỏi những nguy hiểm rình rập.
Những người cha hay có xu hướng để con cái đối mặt và vượt qua thử thách, từ đó chúng sẽ trở nên dũng cảm và cứng rắn hơn.
Tuy nhiên, người cha cũng lại là người đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ con cái khỏi những mối đe dọa từ môi trường xung quanh. Họ có thể biết được con mình chơi ở đâu, với bạn nào và liệu những người bạn đó có ảnh hưởng xấu đến con họ hay không. Tất nhiên những người mẹ cũng có thể làm điều này, nhưng với bố, ở một khía cạnh nào đó lại có thể kiểm soát việc mọi thứ tốt hơn.
Mặc dù các bà mẹ thường hay đưa ra các hình phạt với con cái nhiều hơn các bố, nhưng cách những ông bố trừng phạt con mình lại rất khác so với các mẹ. Trong khảo sát nghiên cứu về giới tính và làm cha mẹ, Palkovitz đã quan sát thấy người cha có xu hướng cứng rắn hơn với con cái. Họ thường cương quyết và nghiêm nghị trong các nguyên tắc và hình phạt để con hiểu nếu chúng có những hành vi không đúng đắn, chúng sẽ bị một người luôn có thẩm quyền là bố trừng phạt. Còn mẹ lại thường nhẹ nhàng và tình cảm giải thích cho con cái về những hành vi sai trái, đồng thời đặt nhiều cảm xúc của mình vào hơn khi phạt con.
Những đóng góp mà người cha tạo ra cho cuộc sống của con cái có thể được khắc họa trên 3 yếu tố: khả năng phạm tội, mang thai và trầm cảm. Ở đây, để minh họa mối liên hệ giữa tình cha con và một đứa trẻ được lớn lên có tốt hay không, hãy so sánh các chàng trai và cô gái vị thành niên thuộc 4 nhóm: những người sống trong gia đình còn nguyên vẹn, những thanh niên có mối quan hệ rất gắn kết với cha, những thanh niên có độ gắn kết trung bình với cha, và cuối cùng là những thanh niên ít gần gũi với cha, hoặc sống trong gia đình chỉ có mẹ.
Chất lượng mối quan hệ được đo lường dựa trên 3 yếu tố: sự đánh giá của trẻ về sự ấm áp của cha mình, kỹ năng giao tiếp và tổng thể chất lượng mối quan hệ. Sau khi tiến hành khảo sát, một kết quả khá bất ngờ đã được tiết độ. Theo đó, các cậu bé có sự gắn kết cao và trung bình với cha cho thấy ít khả năng bị vướng vào các hành vi phạm pháp. Không chỉ có vậy, những em gái ở độ tuổi thiếu niên thường thân thiết với cha mình cũng sẽ ít có nguy cơ mang thai ngoài ý muốn hơn là các em gái chỉ sống với mẹ hoặc ít gần gũi với cha. Bên cạnh đó, nguy cơ trẻ bị trầm cảm và lo âu cũng sẽ giảm xuống đáng kể nếu trẻ có mối quan hệ gần gũi với bố, so với khi chỉ sống cùng mẹ hoặc ít tiếp xúc, thân thiết với bố.
Những nghiên cứu này, trên thực tế cũng là lời chê trách gián tiếp dành cho những ông bố thiếu trách nhiệm và quan tâm tới con cái. Trong khi mà những người vợ của họ đang phải gồng mình đóng cả 2 vai trong cuộc sống của con, thì những ông bố này quả thực là tấm gương xấu cho xã hội. Hơn thế, những kết quả ở trên cũng đồng thời là lời nhắc nhở các ông bố hãy thật cố gắng để có thể làm một người bố tốt và có trách nhiệm với con mình.
Vài nét về tác giả:
Chị Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Theo Linh Phan, làm cha mẹ tốt nhất đối với con và đối với chính mình là khi tin vào bản năng của mình.
Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.
Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.
Các mẹ có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.
Linh Phan