(Tổ Quốc) - Ai có con nhỏ mới hiểu tâm trạng của những ông bố bà mẹ trong hoàn cảnh hiện tại. "Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước", biết chọn bên nào cho vẹn cả đôi đường.
Một trong những đề tài được bàn luận rôm rả nhất trong các hội nhóm dành cho phụ huynh sau dịp nghỉ Tết chính là: Bao giờ thì con đi học? Trẻ lớn học online dù bất tiện thật đấy nhưng còn... đỡ, vì lớn nên chúng còn tự biết lo cho mình. Còn trẻ mầm non, trẻ tiểu học thì "ối giời ơi", ai có con nhỏ qua đợt nghỉ dịch mới "thấm thía" nỗi khổ.
Bằng chứng là từ trong năm cho đến tận sau nghỉ Tết, mấy tháng trời đi đâu cũng thấy bố mẹ ca thán: Công việc đảo lộn; con quá hiếu động, bày ra nhà đến mức dọn không kịp; Không thể chơi với con suốt ngày, thành ra đứa nào cũng bám dính điện thoại...
Nhà nào cũng giống nhau nên các bậc phụ huynh tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc: Vừa mong con nhanh đến trường để thoát kiếp "bảo mẫu 24h", vừa lo lắng liệu trong tình hình hiện tại, con đến trường thì có an toàn hay không?
Nói đâu xa, ngay trong phạm vi gia đình cũng nảy sinh "mâu thuẫn" kiểu 9 người 10 ý. Trước thông tin Hà Nội dự kiến cho trẻ mầm non đi học từ 1/3, một phụ huynh hài hước chia sẻ tình cảnh xáo xào của gia đình mình: "Nhà trường gửi chiếc khảo sát có 1 câu hỏi thui mà gia đình xào xáo, gia môn không hạnh phúc ngay được. Thiệt tình, không có gì là hạnh phúc bền lâu, hạnh phúc mãi mãi".
Trước câu hỏi: Phụ huynh vui lòng cho biết ý kiến về việc cho học sinh quay lại học trực tiếp tại trường từ 1/3/2022, phụ huynh này chọn phương án ĐỒNG Ý, tuy nhiên ở phần sau không quên... trình bày thêm hoàn cảnh: "Ba cháu đồng ý nhưng mẹ cháu không đồng ý tí nào cả" khiến dân tình có một phen cười đau ruột.
Quả thật, ai có con nhỏ mới hiểu tâm trạng của những ông bố bà mẹ trong hoàn cảnh hiện tại. "Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước", biết chọn bên nào cho vẹn cả đôi đường. Cho con ở nhà mãi thì không ổn bởi không phải ai cũng có ông bà chăm cháu hay có điều kiện thuê người giúp việc; đi học lại cũng rối như tơ vò vì lo lắng trăm bề...
Trẻ đi học lại: Vừa "mừng rớt nước mắt", vừa "đau tim" vì lo lắng
Khi trường học lấy ý kiến việc cho con đi học lại, gia đình chị Trang (Hà Nội) nhanh chóng đi đến quyết định đồng ý dù bé vẫn chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19. Giải thích về quyết định này, chị Trang cho biết, gia đình chị có ông bà ngoại chăm bé nhưng sau thời gian dài dừng đến trường, con chỉ quanh quẩn trong nhà xem tivi, ipad, thỉnh thoảng được xuống sân trượt patin.
"Bé Bond nhà mình cũng rất háo hức đến trường vì thực sự con đã xa bạn bè quá lâu rồi. Vợ chồng mình cũng cùng chung ý kiến vì cho dù con có ở nhà thì vẫn tiếp xúc với người lớn đi làm hằng ngày bên ngoài về nhà. Thêm vào đó, theo tìm hiểu của mình thì trẻ con nếu mắc Covid cũng không quá nghiêm trọng. Nếu trường và phụ huynh kết hợp tốt trong việc bảo vệ và dạy các con cách chống dịch, mình cho rằng mọi việc sẽ được kiểm soát", chị Trang chia sẻ.
Với chị, kiến thức hay thành tích học với con chỉ là một phần, chị quan tâm đến những hệ quả tâm lý, sức khỏe mà con phải đối mặt khi ở nhà quá lâu.
Đồng quan điểm với chị Trang, chị Hương chia sẻ, bản thân chị ủng hộ trường mầm non mở cửa dù con chị mới được 25 tháng, chưa từng được đến lớp: "Nếu trường cứ mãi không mở, các cô ở nhà toàn mở tự phát lớp nhóm trông thì không biết bao giờ con mình mới được giáo dục tử tế luôn".
Về mối lo lây nhiễm Covid-19 khi đi học, chị Hương cho biết tất nhiên là gia đình có lo... Tuy nhiên chị nhận thấy trong thời gian không đến trường, các con vẫn thường được gia đình cho đi chơi, mua sắm. Vì vậy, ở nhà chưa chắc đã an toàn hơn đi học. Chưa kể, bố mẹ vẫn đi làm và hoàn toàn có thể mang bệnh về nhà:
"Hơn nữa, để có thể mở cửa, các trường phải đáp ứng hàng loạt điều kiện và tiêu chí phòng dịch, chứ không phải thích là mở. Nhà trường thực hiện 5K kết hợp cùng gia đình, nhà nào có hiện tượng ba mẹ đi làm tiếp xúc F0 thì nên tự ý thức ở nhà cùng con luôn".
Trong rất nhiều phụ huynh Hà Nội mong con sớm trở lại trường thì cũng rất nhiều gia đình chưa đồng ý để con đi học trực tiếp vào lúc này. "Thú thực gia đình tôi chỉ có 1 bé. Vì là con một nên nếu mà có chuyện gì thì lo lắm. Việc học là cả đời, chậm 1 năm hay 2 năm không thành vấn đề. Tôi nghĩ nên chờ thêm thời gian nữa rồi học cũng không sao"- một phụ huynh nêu ý kiến.
Chị Nhung, mẹ hai bé Gia Vũ và Phúc Khang (Ngoại Giao Đoàn - Bắc Từ Liêm) cũng cho rằng, nếu trẻ đã được tiêm vắc xin thì sẽ yên tâm hơn vì đi học khả năng lây nhiễm khá cao: "Bé lớn 9 tuổi thì mình cho đi học vì con chỉ học nửa buổi và bạn ý đã có ý thức phòng dịch tốt, còn bé nhỏ tạm thời mình cho ở nhà để theo dõi thêm tình hình ở trường xem sao và cũng sắp xếp lại việc đưa đón".
Chị Hà - mẹ của bé Nam Khánh cũng có lựa chọn tương tự. Theo chị, các bé đều có mong muốn đi học, tuy nhiên các bé chưa tiêm vắc xin và một phần nữa là các bạn lớp nhỏ thì không quan trọng lắm về kiến thức nên gia đình chị vẫn chưa vội quyết định.
"Biết rằng con ở nhà sẽ hạn chế các hoạt động giao tiếp hơn, tuy nhiên theo mình sức khỏe con là quan trọng nhất. Khi nào con được tiêm vắc xin mình mới tính chuyện cho con trở lại trường học", chị Hà chia sẻ.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều phụ huynh phân vân chưa biết quyết định ra sao: "Học online từ năm ngoái, mà chính xác là xem clip các cô gửi. Còn 2 tháng nữa là hết năm học. Không biết có nên cố cho con đi học tại trường hay không? Năm sau vào lớp 1 rồi".
Thường trực Thành ủy Hà Nội thống nhất và giao các đơn vị liên quan chuẩn bị phương án cho trẻ mầm non đi học từ ngày 1/3. Thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nêu tại hội nghị giao ban trực tuyến của thành phố về phòng, chống Covid-19, chiều 17/2.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa thông tin, việc cho trẻ mầm non đi học trực tiếp sẽ được thực hiện "trên tinh thần tự nguyện, thống nhất với phụ huynh".
Hiểu Đan