Người đàn ông cố thủ trong ô tô 5 tỷ đòi được lập biên bản, CSGT thẳng thừng: 'Cứ về phường đi'

(Tổ Quốc) - ôm cọc tiền cố thủ bên trong chiếc Mercedes.

Sự việc người đàn ông tự xưng là chủ ô tô hiệu Mercedes không ra khỏi chiếc xe chiều ngày 23/7 trên xa lộ Hà Nội, quận 2, TP HCM vẫn thu hút nhiều bình luận trên diễn đàn mạng. Đoạn clip mới đây ghi lại đầy đủ quá trình tranh cãi của anh này với lực lượng chức năng tiếp tục gây tò mò.

Trong clip, người đàn ông xuống xe, đồng ý cho lực lượng chức năng cẩu xe về trụ sở. Người này nhiều lần yêu cầu CSGT lập biên bản ghi nhận hiện trường. 

"Anh phải lập biên bản chứ! Tài sản của tôi, tôi đưa cho anh này, anh giữ thì anh phải lập biên bản cho tôi. Làm gì có chuyện vớ vẩn như thế! Có học không? Biên bản bàn giao là phải viết chứ!", người đàn ông tự xưng là chủ xe gay gắt với đồng chí CSGT ra quyết định niêm phong chiếc xe.

Cuối clip, anh ta cũng lôi điện thoại ra quay quá trình CSGT đưa chiếc xe về đồn. 

Người đàn ông cố thủ trong xe Mercedes đòi CSGT lập biên bản trước khi đưa xe về trụ sở

Dân mạng để lại nhiều tranh cãi khác nhau về tình tiết mới này. 

"Đồng ý là cẩu xe đi nhưng ít nhất phải có thứ gì đó đảm bảo cho anh ta là tài sản trong xe được giữ nguyên chứ nhỉ? Giả sử tiền trong xe bị mất thì ai là người chịu trách nhiệm ở đây?", thành viên Tất Đạt bình luận.

"Ở mặt nào đó, tôi thấy anh chủ xe cũng thiện chí: 'Cứ theo luật, sai ở đâu chịu ở đấy' và muốn bảo quản tài sản trong xe cũng là tâm lý bình thường. Chỉ có điều anh ta ngồi trong ô tô như vậy và nói cẩu cả người cả xe đi thì không ai làm nổi. Nguyên tắc an toàn mà!", tài khoản Nguyễn Bình viết.

Theo tư vấn của luật sự Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP HCM) trên Zing.vn, trong trường hợp người vi phạm không đồng ý cho cẩu vì trong xe có tiền mặt hoặc tài sản lớn thì trước khi cẩu xe, lực lượng chức năng phải niêm phong, lập biên bản ghi nhận hiện trạng. Quá trình cẩu phải đảm bảo an toàn.

Cũng theo luật sự Kiều Hưng, nếu có mất mát, hư hỏng trong quá trình cẩu xe thì người có thẩm quyết ra quyết định tạm giữa phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Quy trình tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông được quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Zing.vn dẫn lời trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Tham mưu Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM), cho biết sau khi yêu cầu người đàn ông ra khỏi xe để giữ an toàn cho anh ta, công an đã tiến hành niêm phòng toàn bộ ô tô để bảo đảm toàn vẹn tài sản bên trong. 

Trung tá Bình bổ sung rằng CSGT chỉ có trách nhiệm tạm giữ phương tiện, ngoài ra không tạm giữ bất cứ tài sản cá nhân nào khác của chủ xe. Và khi niêm phong ô tô, nếu chủ phương tiện không mang tài sản cá nhân bên trong đi thì mọi thứ vẫn ở yên trong xe.

Theo thông tin mới nhất, người đàn ông nói trên không phải là chủ ô tô mà chỉ là nhân viên của công ty đứng tên sở hữu chiếc xe. Công ty này đặt trụ sở ở xa lộ Hà Nội, phường Phước Long A (quận 9, TP.HCM).

Duy Nam

Tin mới