(Tổ Quốc) - Sau khi ngâm rượu 1 tháng, người đàn ông đã mở bình rượu ra kiểm tra, không ngờ con rắn đã lao lên cắn, khiến anh ta chết tức tưởi.
Bắt rắn về ngâm rượu, người đàn ông chết tức tưởi
Vào năm 2016, 1 người đàn ông tới từ Ấn Độ tên là Alta Barshakan đã bắt được 1 con rắn hổ mang ở ngoài đồng. Cũng giống như ở Trung Quốc, người Ấn Độ cũng có phong tục ngâm rượu rắn để uống với mục đích chữa bệnh. Chính vì thế, Alta đã đem con rắn dài khoảng 60 cm về và cho vào 1 thủy tinh rồi đổ đầy rượu trắng vào.
Ba mươi ngày sau, Alta đã mở bình rượu để kiểm tra. Thế nhưng, có 1 điều mà người đàn ông này không bao giờ ngờ tới. Con rắn nằm im ở đáy bình rượu bỗng nhiên "sống lại" và cắn vào tay anh ta.
Do ở bệnh viện địa phương không có sẵn thuốc trị loại rắn độc này nên Alta Bashakan đã tử vong sau đó 4 tiếng đồng hồ.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu rắn đem ngâm rượu nhưng không chết và quay lại cắn tử vong con người. Tại Trung Quốc, 1 người phụ nữ tới từ Hắc Long Giang nghe nói rượu rắn có thể chữa được bệnh viêm khớp nên đã mua 1 con rắn độc về rồi ngâm trong rượu mạnh trong hơn 3 tháng.
Khi thấy bình rượu bị cạn đi, người phụ nữ đã định đổ thêm rượu vào, nhưng không hiểu sao lại thấy tò mò nên đã lấy 1 đôi đũa chọc vào bụng nó. Không ngờ, con rắn vẫn còn sống, lao lên cắn vào tay phải của bà. May mắn được cấp cứu kịp thời nên người phụ nữ vẫn giữ được mạng sống.
Tại thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến cũng có 1 trường hợp 1 người đàn ông bị rắn trong bình rượu cắn. Vậy tại sao rắn có thể sống trong môi trường cồn mà không có thức ăn hay nước uống như vậy?
Theo ý kiến của các chuyên gia, nói chung, rắn sẽ chết khi bị cho vào ngâm rượu. Nhưng vì là động vật bò sát, cơ thể của chúng sẽ có khả năng rơi vào trạng thái "ngủ đông" khi gặp phải tình trạng khắc nghiệt như thiếu oxy, thiếu nước, thiếu thức ăn hay nhiệt độ quá thấp. Trong lúc này, sự trao đổi chất của rắn sẽ giảm xuống, chúng có thể sống sót trong 1 thời gian dài mà không ăn hay uống.
Khi bình ngâm rượu không đóng chặt, không khí vẫn lọt vào, con rắn không chết và sẽ "tỉnh lại". Lúc này, nó sẽ đặc biệt nguy hiểm. Vì trong điều kiện bình thường, rắn độc chỉ tiết nọc trong quá trình săn mồi và trao đổi chất. Nhưng trong quá trình ngủ đông, chúng không hề ăn hay uống nên quá trình trao đổi chất bị chậm lại. Do đó, khi tỉnh lại, 1 lượng lớn nọc độc sẽ tích tụ trong cơ thể chúng và khi cắn người, toàn bộ số nọc sẽ được bơm ra và việc cứu chữa sẽ trở nên khó khăn hơn bình thường.
Có nên dùng rượu rắn để chữa bệnh hay không?
Mặc dù nhiều quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ... có phong tục uống rượu rắn, nhất là rắn độc để chữa bệnh, nhưng việc làm này cũng tiềm ẩn 1 số rủi ro.
Không kể đến khả năng bị rắn cắn sau khi ngâm rượu như những ví dụ ở trên, thì việc bạn dùng 1 số loại rắn độc hoang dã cũng là đi ngược lại với việc bảo vệ sinh thái, bảo vệ môi trường, thậm chí bị quy vào tội danh vi phạm pháp luật và có thể phải ngồi tù.
Ví dụ ở Trung Quốc, có nhiều loài rắn hoang dã được bảo vệ để duy trì sự cân bằng sinh thái. Những người có hành vi buôn bán hoặc sử dụng các loại rắn này tất nhiên sẽ phải trả giá cho hành vi của mình.
Thứ hai, cứ cho là bạn dùng loại rắn độc tự nuôi chứ không phải rắn hoang dã, thì trong lúc cho chúng vào bình ngâm rượu, cũng vẫn tồn tại khả năng bị cắn và có thể dẫn đến tử vong trong khi chưa trị được bất kỳ căn bệnh này.
Cuối cùng, khi ngâm rắn độc thì nọc độc của chúng sẽ theo răng nanh và đi vào bình rượu. Mặc dù chất cồn có thể làm giảm tác động của nọc độc, nhưng quá trình diễn ra rất chậm. Nếu rượu ngâm không đủ lâu, nó vẫn có thể gây ngộ độc cho người uống, rất nguy hiểm.
Hãy chăm sóc sức khỏe 1 cách cẩn trọng và sáng suốt để hạn chế rủi ro. (Ảnh minh họa)
Tại Trung Quốc, có 1 phụ nữ sống ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô đã mua 4 con rắn độc và 1 số vị thuốc Bắc rồi cho vào bình ngâm trong khoảng 1, 2 năm rồi uống, cảm thấy bệnh viêm khớp của bà cũng thuyên giảm phần nào.
Trong tâm trạng phấn khởi, người phụ nữ tiếp tục mua thêm 4 con rắn nữa rồi lại ngâm như lần trước, nhưng mới được 4 tháng đã đem ra uống.
Sau khi dùng rượu rắn được nửa năm, người phụ nữ đột nhiên thấy tay trái yếu hơn, và thậm chí không lau được nhà, phải đến bệnh viện điều trị. Nửa năm sau, các triệu chứng tương tự xuất hiện. Các bác sĩ đã nghiên cứu bệnh sử của người phụ nữ và đưa ra phán đoán rằng vấn đề có thể chính là do số rượu rắn mà bà đã uống.
Theo các chuyên gia, khi mới ngâm chưa được nửa năm, nọc độc của rắn chưa được xử lý hết và chất độc vẫn còn tồn tại. Sau khi được dung nạp vào cơ thể bà, nó đã gây tổn hại đến các dây thần kinh quay ở tay trái và tay phải.
Ngoài ra, rắn có thể mang theo nhiều loại mềm bệnh và gây tác động xấu tới sức khỏe con người. Chính vì thế, ngày nay, với sự phát triển của y học, chúng ta có thể áp dụng những cách điều trị mới và hiệu quả thay vì sử dụng những cách chữa bệnh truyền miệng, không được kiểm chứng và có thể gây ra những hậu quả khó lường.
Theo INF News
Thanh Hương