(Tổ Quốc) - Do sở hữu cái cổ dài quá cỡ, mẹ thiên nhiên nghĩ bọn hươu này là cột thu lôi nên cứ nhè đầu chúng mà.. thả sét.
Vào những ngày cuối cùng của tháng Hai năm nay, sấm sét từ một trận bão ở Northern Cape đã gây ra cái chết cho 2 chú hươu cao cổ đáng thương. Sự cố siêu kỳ lạ đã khiến các nhà khoa học phải nghiên cứu và đưa ra một kết quả bất ngờ - hươu cao cổ có nguy cơ bị sét đánh hơn bất kì con vật nào khác trong tự nhiên!
Theo IFL Science, khoa học và bảo tồn học vốn luôn có những quan điểm trái ngược nhau - trong khi các nhà khoa học cho rằng chiều cao của hươu cao cổ vốn chẳng liên quan gì tới vận mệnh may rủi của chúng, thì các nhà bảo tồn lại có quan điểm ngược lại.
Cô Ciska Scheijen, một nhà nghiên cứu tại khu bảo tồn hươu cao cổ cho rằng cái chết của 2 con hươu cao cổ đã khiến các nhà khoa học phải chịu thua "tâm phục khẩu phục". Rất nhiều nhà bảo tồn cho rằng chiều cao đáng ngưỡng mộ của hươu cao cổ cũng chính là điểm yếu chí mạng thu hút sấm chớp trong cơn bão. Nhưng cho tới hiện tại, có vẻ như chiều cao của hươu cao cổ không phải là yếu tố duy nhất - những chiếc sừng giống như núm trên đầu hươu có thể hoạt động tương tự cột thu lôi.
Theo ghi chép về tai nạn, cơn giông kia vốn rất ngắn nhưng lại có lượng mưa lớn và sấm chớp nhiều.
Ciska Scheijen trả lời báo NewScientist: “Tôi hơi ngạc nhiên vì cả ngày trời khá yên tĩnh và đột nhiên có một cơn bão lớn thế này. Trước cơn bão, tôi thấy một đàn 8 con hươu đang đi dạo với nhau, nhưng bão xong thì chỉ còn 6 con. Tôi đã đi tìm và phát hiện 2 con bị sét đánh chết".
Tai nạn này hoàn toàn khớp với một nghiên cứu năm 2014 trước đó - theo đó, các nhà nghiên cứu cho rằng hươu càng cao thì càng có khả năng bị sét đánh chết.
Các báo cáo của cô Scheijen, mặc dù chưa được công bố, đã chỉ ra rằng khoảng cách loài vật này di chuyển trong mưa càng ngày càng ngắn đi. Như vậy, hành vi của chúng đã tiến hóa để tránh những dạng tai nạn - nhưng những báo cáo sẽ cần nghiên cứu thêm để thêm phần chắc chắn hơn.
Nguồn: AllThatInteresting
Đức 2 Xích