(Tổ Quốc) - Bị cha mẹ kiểm soát quá mức sẽ khiến trẻ mất đi khả năng tự lập. Lâu dần trẻ gặp khó khăn trong việc duy trì và tạo dựng các mối quan hệ.
Một nghiên cứu kéo dài 19 năm được công bố trên tạp chí Child Development đã chi ra: Việc nuôi dạy quá độc đoán của cha mẹ sẽ gây những tác động tiêu cực đến tâm lý con trong suốt quãng đời sau này. Nghiên cứu được thực hiện bởi chuyên gia tâm lý Emily Loeb tại Đại học Virginia, Mỹ, dựa trên 184 trẻ em trong độ tuổi 13. Những đứa trẻ này được theo dõi đến năm 32 tuổi.
Thông qua cuộc khảo sát, Emily Loeb nhận thấy: Những đứa trẻ bị cha mẹ kiểm soát thường ít có các mối quan hệ lãng mạn, thành tích học tập và mối quan hệ bạn bè kém. Các tác động tiêu cực kéo dài, ảnh hưởng đến các mối quan hệ, trình độ học vấn của trẻ trong suốt 30 năm đầu đời.
1. Những đứa trẻ bị kiểm soát gắt gao sẽ khó khăn hơn trong các mối quan hệ
Cuộc nghiên cứu bắt đầu vào năm 1998. Những đứa trẻ 13 tuổi được đưa vào phòng cùng với những người bạn thân nhất. Trong đó, một đứa trẻ sẽ nhờ bạn bè tư vấn cho vấn đề mà mình đang mắc phải. Các nhà nghiên cứu sau đó quan sát phản ứng của những đứa trẻ trong quá trình tham gia thảo luận.
"Những đứa trẻ bị cha mẹ kiểm soát gặp nhiều khó khăn khi đưa ra ý kiến thảo luận, sự trợ giúp cho bạn bè", Loeb nói. Bên cạnh đó những trẻ này không được nhiều bạn đồng trang lứa yêu thích, khả năng suy nghĩ về các vấn đề xã hội kém.
Ở tuổi 15, 16, 27 và 31, những đứa trẻ năm xưa tiếp tục tham gia cuộc khảo sát. Những đứa trẻ bị cha mẹ kiểm soát có ít mối quan hệ lãng mạn, trình độ học vấn cũng thấp hơn so với bạn bè, ngay cả khi chúng có nền tảng kinh tế xã hội, khởi điểm tốt.
"Những thanh thiếu lớn lên trong sự kiểm soát chặt chẽ của cha mẹ còn rất khó khăn khi tiếp nhận hoặc yêu cầu sự hỗ trợ từ người khác" - Loeb nói.
2. Những đứa trẻ bị cha mẹ kiểm soát thường coi bạn bè là gánh nặng
Loeb và các đồng nghiệp đã đưa ra giả thuyết: Việc thiếu thành tích trong học tập của những đứa trẻ này có thể do trong quá khứ, cha mẹ đã luôn luôn thúc ép trẻ phải học giỏi. Khi không có sự thúc đẩy từ cha mẹ, họ dần không còn mục tiêu cá nhân.
Bên cạnh đó, trẻ bị cha mẹ kiểm soát thường không có mối quan hệ bạn bè tốt, và nhiều khi xem các mối quan hệ bạn bè, xã hội là gánh nặng.
"Khi trẻ không đạt được kỳ vọng, những bậc cha mẹ thích kiểm soát thường cảm thấy dằn vặt và kìm nén cảm xúc của bản thân. Cha mẹ không nói ra mà chỉ im lặng - chính điều này khiến con cảm thấy mệt mỏi, áp lực", Loeb nói.
Trong những mối quan hệ bạn bè, tình cảm sau này, trẻ cũng lo sợ đối phương sẽ như vậy. Do đó, trẻ luôn không dám tiến lên trong mối quan hệ hoặc yêu cầu nửa kia giúp đỡ, hỗ trợ mình. Bởi mặc cảm sẽ làm họ thất vọng.
3. Trẻ tuổi teen nên được phép đưa ra lựa chọn của riêng mình
Peter Gray - Giáo sư tâm lý học của Đại học Boston không tham gia vào nghiên cứu này nhưng cũng nêu lên ý kiến. Ông cho biết nghiên cứu là "bằng chứng thuyết phục về việc kiểm soát con quá mức sẽ gây ra những tác động tiêu cực". Ông cũng nhấn mạnh, việc ngày càng nhiều cha mẹ có xu hướng kiểm soát con cái là một phần của sự chuyển giao thế hệ.
"Có nhiều bằng chứng cho thấy, các bậc cha mẹ đang ngày càng kiểm soát con cái hơn. Trước đây, bố mẹ có thể cho con đi chơi tự do và nhắc chúng về nhà khi chập tối. Nhưng những đứa trẻ ngày nay không được như vậy.
Khi trưởng thành, trẻ có xu hướng đấu tranh để được tự lập, tự chủ cuộc sống của mình. Trẻ cũng mất rất nhiều thời gian để đạt được các mốc phát triển bình thường", Gray bày tỏ quan điểm.
Được biết chuyên gia Emily Loeb đã được nhận một khoản tài trợ để kéo dài nghiên cứu của mình thêm 10 năm nữa. Cô hiện đang suy nghĩ thêm về việc lấy nhóm máu của các đối tượng tham gia khảo sát để nghiên cứu tình trạng lão hóa. Loeb cũng cho biết, nghiên cứu của cô là bằng chứng cho thấy, trẻ em cần được tự chủ, tự đưa ra những quyết định cá nhân.
Vân Anh