(Tổ Quốc) - Đây là ngành học siêu tiềm năng, ông chủ Facebook cũng dạy cho con từ lúc 5 tuổi. Nhưng có phải mọi thứ đều là "màu hồng"?
Nếu là một người quan tâm đến lĩnh vực Công nghệ thông tin, hẳn bạn đã từng nghe tới câu chuyện khiến cư dân mạng xôn xao thời gian trước. Một cô gái sinh năm 1992 tại Cầu Giấy, Hà Nội có thu nhập 330 tỷ đồng/năm nhờ viết phần mềm cho Google Play và App Store. Theo thông tin từ VTV, cô gái này đã phải nộp số tiền thuế lên tới 23 tỷ đồng. Một trường hợp khác là nam giới, 30 tuổi, có thu nhập 260 tỷ đồng, cũng tự nguyện kê khai và nộp thuế hơn 18 tỷ đồng tại Chi cục Thuế quận Cầu Giấy.
Cả hai người này đều làm việc trong lĩnh vực Sáng tạo phần mềm. Về cơ bản, các cá nhân này viết phần mềm, đăng tải trên Apple Store hoặc CH Play. Khi người dùng tải xuống và sử dụng phần mềm, họ được trả một phần hoa hồng từ doanh thu quảng cáo chạy trên phần mềm đó. Và tất nhiên, để có thu nhập "khủng" như vậy cần nhiều app lên nhóm dẫn đầu lượt tải về. Cho nên, có lẽ sẽ cần nhiều người cùng làm hoặc để làm nhanh sẽ có kiểu sửa đổi lại các app đã có.
Sáng tạo phần mềm là gì mà thu nhập có thể choáng đến thế?
Công việc sáng tạo phần mềm này là một lĩnh vực nhỏ của ngành Công nghệ thông tin và nếu muốn làm, cũng có thể chọn học ngành rộng và sau này học chuyên sâu hơn. Nhu cầu xã hội trong ngành CNTT chủ yếu tập trung vào: Lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, kỹ thuật viên – chuyên viên thiết kế lập trình web, lập trình điện thoại di động, game, an ninh mạng… Riêng ở công việc lập trình hiện nay có thể chia thành 2 loại là lập trình ứng dụng di động và website.
Hiện tại, lập trình viên nói chung luôn khan hiếm nhân sự có năng lực cao vì thế bạn sẽ ít lo lắng chuyện thất nghiệp. Đây cũng là lý do mà các khoa đào tạo lập trình viên tại các trường đại học luôn được đông đảo các thí sinh đăng ký.
Nếu chịu khó nghiên cứu, phát triển ra các ứng dụng phần mềm thông minh, bạn có thể kiếm được rất nhiều lợi nhuận từ việc bán nó. Không những thế, học lập trình giúp bạn phát triển khả năng tư duy nhạy bén, rèn luyện trí nhớ tốt hơn. Các mối quan hệ, khả năng teamwork cũng được nâng cao.
Chia sẻ trên Thanh Niên, anh Phan Thanh Sang, kỹ sư hệ thống của Trung tâm kỹ thuật, Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ (Sendo)Nếu làm cho doanh nghiệp, lương của người sáng tạo phần mềm mới ra trường nằm ở mức 6 - 8 triệu đồng/tháng. Sau khi có kinh nghiệm 3-4 năm, lương có thể lên đến mức khoảng 15 - 20 triệu đồng. Có kinh nghiệm nhiều hơn, lương có thể lên đến 1 - 2.000 USD/tháng. Thậm chí, ở các công ty lớn, mức lương còn cao hơn. Còn những trường hợp cá nhân sáng tạo phần mềm thì thu nhập tùy thuộc vào sự thành công của các phần mềm khi đưa lên cửa hàng ứng dụng.
Môi trường làm việc cho các bạn lập trình viên cũng khá đa dạng, các bạn có thể ứng tuyển làm việc tại các công ty/start-up về công nghệ, công ty gia công phần mềm, công ty games, công ty đa quốc gia,...
Để đạt mức lương mơ ước, bạn cần gì?
Tuy nhiên, không phải cứ học lập trình viên là ra trường có việc làm với mức thu nhập cao. Giỏi về chuyên môn nhưng cần trau dồi thêm cả những kỹ năng mềm. Điều này đôi khi nó còn quan trọng hơn cả những kiến thức chuyên môn mà bạn đã có.
Cần thành thạo tiếng Anh: Để học và làm trong ngành CNTT, mà cụ thể hơn là lập trình viên, bạn sẽ phải thường xuyên đọc và tìm hiểu các công nghệ, nền tảng, kiến thức ở trên mạng và bằng tiếng Anh. Khi đi làm, bạn sẽ thường xuyên có cơ hội phải giao tiếp với khách hàng, nhóm làm việc nước ngoài. Nếu giỏi tiếng Anh, bạn có cơ hội kiếm việc ở các công ty nước ngoài hoặc ít nhất là làm việc với khách hàng nước ngoài, với thu nhập cao hơn.
Vậy học không giỏi tiếng Anh thì có thể "theo đuổi" nghề lập trình được hay không. Câu trả lời là vẫn "có thể", nhưng nó sẽ khá vất vả và người học cũng cần phải có ý chí quyết tâm cao hơn. Như vậy mới mong "trụ lâu" để phát triển xa hơn trong nghề.
Cần cố gắng và phấn đấu: Học lập trình, làm lập trình viên, bạn cần tối đa hoá sự chủ động bản thân. Công nghệ thay đổi từng ngày và nếu ở vị trí lập trình viên, bạn không thể đứng ngoài sự thay đổi đó. Vì vậy, nếu đã xác định theo ngành lập trình viên thì hãy không ngừng phấn đấu và chắc chắn thành công sẽ theo đuổi bạn.
Dám đương đầu với thử thách và khó khăn: Lựa chọn ngành lập trình viên, bạn sẽ phải đối mặt với việc deadline đến dồn dập, yêu cầu công việc thay đổi không ngừng, bạn buộc phải có sự tập trung và tinh thần thép.
Ngoài ra, những kỹ năng cơ bản như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng chủ động trong công việc không chỉ cần thiết cho một chuyên viên công nghệ thông tin, mà trong mất cứ ngành nghề nào cũng cần phải có.
Thống kê của Viện Chiến lược CNTT cho thấy hiện nay, 72% sinh viên ngành lập trình không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 90% không biết về lĩnh vực mình hành nghề... Một khi đã có kiến thức và chuyên môn, cộng thêm đam mê, hướng đi đúng đắn, chắc chắn mức lương của bạn sẽ chẳng thể thấp được.
Để kiểm tra mình có phù hợp với ngành nghề này, bạn hãy xem câu trả lời của bạn có phải là "đúng" hoặc "có" cho hầu hết các đặc điểm dưới đây không:
Thông minh, tư duy logic tốt
Khả năng phân tích, suy luận, xâu chuỗi các sự kiện
Khả năng sáng tạo và tìm ra các giả thuyết mới
Yêu thích và có khả năng làm việc lâu với máy tính
Yêu thích khoa học, thích các trò chơi trí tuệ
Học tốt môn Toán, đặc biệt môn đại số
Kiên trì, cẩn thận, chịu được áp lực cao
Vốn ngoại ngữ là cần thiết trong công việc
Một số trường đào tạo ngành CNTT học sinh có thể tham khảo:
Đại học Bách Khoa Hà Nội
Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TP.HCM
Đại học Bách khoa TP.HCM
Đại học FPT
Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Học viện Kỹ thuật Quân sự (Đại học Lê Quý Đôn)
Hiểu Đan