(Tổ Quốc) - Niềm tin của cha mẹ cũng giống như ánh mặt trời. Dù chúng có đi tới bất cứ đâu cũng biết nơi để trở về. Nơi ấm áp và bình yên nhất trên thế gian này chính là vòng tay cha mẹ. Nơi lạnh lẽo cô đơn nhất là một gia đình không thuộc về mình.
Con cái bước vào giai đoạn dậy thì là khoảng thời gian không dễ dàng đối với các ông bố bà mẹ. Trẻ phải trải qua những biến đổi về mặt thể chất, cảm xúc, thay đổi nội tiết tố và nhận thức từ một đứa trẻ thành một người trưởng thành.
Nhưng, liệu có phải thay đổi tâm sinh lý là nguyên nhân duy nhất? Hay chính cách giáo dục và cư xử của gia đình ngay từ những năm tháng trước đó khiến những đứa trẻ nổi loạn và hoang mang trong giai đoạn "chuyển giao" nhạy cảm này?
Xin được trích dẫn bài viết từ nhà văn Lê Thanh Ngân, đồng thời là một bà mẹ có hai con nhỏ về chủ đề này:
"Nếu không có bố mẹ cháu thì cháu đánh chết em lâu rồi!". Đây là câu nói của B. - một học sinh lớp 5, em họ của tôi. Thỉnh thoảng tôi có qua nhà B. chơi. Và dưới đây là trích dẫn một số câu thoại mà bố mẹ B. nói với con trai lớn khi chứng kiến cảnh hai anh em chúng cãi nhau.
- B. ơi, mày lại bắt đầu rồi đấy! Mẹ đã bảo bao nhiêu lần rồi hả? Nó bé nó đã biết gì đâu? Mày nhường nó một tí không được à? Sao cứ phải hơn thua với nó nhỉ? Nó là em mày đấy.
B. nghe bố mẹ nói một hồi thì lí nhí thanh minh:
- Nhưng H. vẽ đầy vào sách con. Đến lớp cô...
Chưa kịp để B. nói hết câu, mẹ B. lại cắt lời:
- Nó vẽ vào sách mày thì để tao mua cho mày quyển khác là được chứ gì. Có thế thôi mà cũng phải ầm ĩ. Mày xin lỗi nó ngay hộ tao cái để nó nín. Đau hết cả đầu.
- Ơ, nhưng con có làm gì đâu mà phải xin lỗi ạ?
- Không làm gì? Không làm gì mà nó lại khóc?
- Tại em ấy cứ thích ăn vạ để mẹ bênh đấy chứ, con mới chỉ đẩy nhẹ một cái thôi.
- Đẩy nhẹ? Chắc phải ngã vỡ đầu mới là đẩy mạnh hả? Mày xin lỗi không hay ăn đòn?
Mặc kệ người mẹ mặt mũi phừng phừng, đầu như bốc hoả, B vẫn kiên quyết không chịu mở miệng.
- Mày thích gan lì với ai? Mày thi gan với tao đấy à?
Chỉ chờ có thế, người mẹ lao đến thẳng tay cho con trai lớn một cái tát như trời giáng. Tất cả mọi diễn biến nhanh đến nỗi tôi không khỏi kinh ngạc.
Những người làm cha mẹ bất lực và tâm lý sợ phiền hà
Khi bản thân những người làm cha mẹ bất lực, không biết phải phân bua thế nào, xử lý ra sao họ chỉ còn cách cưỡng chế và tìm một lý do dễ hiểu nhất để giải đáp cho tất cả những mâu thuẫn to nhỏ phát sinh trong gia đình.
Riêng việc phân bua ai đúng, ai sai đã rất mất thời gian rồi nên thay vì giải quyết tận gốc vấn đề, họ sẽ chỉ tập trung "chữa triệu chứng" tức là nghĩ cách làm sao cho đứa trẻ nín khóc là được. Và dễ nhất là đổ lỗi. Đó là do con cả không biết nhường con út, đó là do con cả ích kỷ, hẹp hòi luôn thích hơn thua với em...
Thực tế, rất nhiều những người anh chị cả căm ghét em mình từ khi còn bé và cho tới khi trưởng thành lập gia đình riêng, anh em họ vẫn như mặt trăng mặt trời, không bao giờ có thể ngồi cùng nhau nói một câu chuyện tử tế. Mâu thuẫn này sẽ bùng nổ mạnh nhất vào giai đoạn trẻ bước vào tuổi dậy thì khi mà cái tôi đang khao khát được thể hiện và vùng vẫy để nhận được sự tôn trọng, để thoát ra khỏi sự áp đặt của cha mẹ.
Tôi nhận ra B., đứa bé tôi kể ở trên từng lâm vào giai đoạn khủng hoảng tâm lý. Thời gian này kéo dài từ khi em trai của thằng bé khoảng 2 tuổi cho tới 3 năm sau đó. Khoảng thời gian đó, B. rất hay đánh nhau với các bạn trên lớp. Thậm chí có những hành động quá khích như cầm hộp bút ném vào đầu bạn, đấm thẳng vào mũi bạn...
Thằng bé từ một đứa trẻ hay nói hay cười bỗng trở nên gan lì, ít nói, ít chia sẻ khi ở cạnh những người thân. Đặc biệt, không còn muốn nói chuyện với bố mẹ chỉ vì "bố mẹ toàn nhảy vào mồm không cho cháu nói. Mà cháu nói cái gì bố mẹ cũng chửi".
Tuổi dậy thì dữ dội của những đứa trẻ lòng ôm đầy ẩn ức
Không có bất kỳ đứa trẻ nào nổi loạn một cách vô cớ. Sự nổi loạn của chúng là kết quả của những ẩn ức đã được tích tụ trong một thời gian dài. Nó có thể là những nỗi buồn không được kể cùng ai, những khúc mắc không ai giải đáp, những suy nghĩ không được phép cất thành lời, dù ấm ức nhưng lại chẳng thể thanh minh, dù tức giận cũng phải kìm nén... Tất cả những cảm xúc tiêu cực đó dồn nén lại giống như một quả bom chỉ chờ ngày phát nổ.
Đa phần lũ trẻ sẽ không thể nổi loạn khi chưa đủ điều kiện cần và đủ. Hoặc những bất mãn của chúng vẫn luôn được ngấm ngầm trút đi đâu đó mà bố mẹ không hề hay biết. Như cái cách mà B. dồn nó vào những nắm đấm để gây lộn với các bạn mình. Bởi lũ trẻ hiểu rõ, chúng còn quá non nớt để phản kháng lại cha mẹ.
Đến tuổi dậy thì, khi cơ thể chúng phát triển gần tiệm cận với cơ thể người trưởng thành, cái tôi còn lớn hơn cả những nỗi sợ hãi, xấu hổ còn đáng sợ hơn là chết. Nỗi ấm ức của chúng có thể sẽ phát nổ bất cứ lúc nào khi bố mẹ đi quá xa giới hạn chịu đựng mà chúng có. Vào thời điểm đó, nếu bố mẹ càng o ép, càng kìm hãm, càng muốn trấn áp, dập tắt ý nghĩ nổi loạn, lên án chúng bằng những lời lẽ thiếu tôn trọng thì tình hình càng trở nên tệ hại.
Tạo cơ hội cho con làm người tốt chứ không phải ép con làm người tốt
Chúng ta thường muốn ở bên cạnh người cho ta cảm giác an toàn, được lắng nghe, cảm thông và tôn trọng. Trẻ con cũng vậy. Chúng luôn khao khát được bố mẹ yêu thương, quan tâm, chăm sóc. Người lớn luôn học cách tôn trọng người khác vô điều kiện. Nhưng trẻ con chúng chỉ tôn trọng và nghe lời những người tôn trọng chúng, chỉ trao quyền được dạy dỗ cho người yêu thương chúng và được chúng tin tưởng.
Tuổi nổi loạn là lứa tuổi của những siêu anh hùng, của những đứa trẻ luôn muốn khẳng định mình bằng những suy nghĩ, hành động trượng nghĩa. Lứa tuổi luôn muốn làm người tốt chứ không phải bị bắt làm người tốt. Lứa tuổi mà lòng tự trọng và nghĩa khí là thứ vô cùng quan trọng.
Nếu bạn chưa thể cho con thấy tình yêu của mình, chưa từng muốn thật tâm lắng nghe những tâm sự của con, chưa từng hiểu chúng cần gì, chưa từng tôn trọng quyết định của chúng, chưa thể khiến chúng tin tưởng thì rất khó để chúng nghe lời, có chăng chỉ là sự miễn cưỡng mà thôi.
Muốn thay đổi tư duy của những đứa trẻ ương bướng, không phải là cố gắng chứng minh chúng sai. Mà là tạo cơ hội cho chúng tự nhận thấy sai lầm của bản thân và mong muốn được làm lại. Sự hiếu thắng của bố mẹ chỉ càng khiến con mình bất chấp đúng sai để phản kháng. Trẻ con không phải là không hiểu chuyện mà là dù hiểu chuyện nhưng vẫn cố tình làm trái lại ý muốn của cha mẹ. Chúng ghét cảm giác bị ép buộc.
Hãy ở bên con, trở thành một người bạn của con, gợi ý cho con, cố vấn cho con nhưng nhất định đừng quyết định thay con.
Để tuổi dậy thì của con trôi qua thật êm đềm, đừng để con phải dồn nén trong lòng những tâm sự không ai thấu. Đừng để chúng phải chịu ấm ức trong một thời gian dài. Đừng mang chúng ra so sánh với bất cứ ai để chứng minh chúng kém cỏi.
Đối xử với các con công bằng. Giải quyết những mâu thuẫn phát sinh một cách triệt để. Chủ động quan tâm, hỏi han, lắng nghe những suy nghĩ của chúng. Hãy cho chúng thật nhiều cơ hội để giãi bày, tâm sự. Đó là cách đơn giản nhất để bạn hiểu con mình và kịp thời điều chỉnh khi chúng có những suy nghĩ tiêu cực hoặc góc nhìn lệch lạc.
Và, quan trọng nhất, nếu con bạn không may lạc đường, hãy là người trao cho chúng niềm tin tưởng hiếm hoi. Niềm tin của cha mẹ cũng giống như ánh mặt trời. Dù chúng có đi tới bất cứ đâu cũng biết nơi để trở về. Nơi ấm áp và bình yên nhất trên thế gian này chính là vòng tay cha mẹ. Nơi lạnh lẽo cô đơn nhất là một gia đình không thuộc về mình.
Hạ Uyên