Nắng nóng chấm dứt ở miền Bắc, xuất hiện áp thấp trên biển Đông

(Tổ Quốc) - Cả miền Bắc hạ nhiệt nhanh, cao nhất chỉ còn 30-32 độ C, nhiều nơi mưa dông và đề phòng lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi. Tuy nhiên, trên biển Đông xuất hiện vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và di chuyển về phía Tây Tây Bắc trong 24 giờ tới.

Nắng nóng diện rộng chấm dứt

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, ngày hôm qua (30/6), ở các tỉnh Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 38 độ, có nơi trên 39 độ C.

Dự báo, ngày 1/7 do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén nên ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh từ chiều tối chuyển mưa dông rải rác, nắng nóng kết thúc ở vùng ven biển, vùng núi tiếp tục có nắng nóng cục bộ.

Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ phổ biến 34 - 37 độ, có nơi trên 38 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11 - 17 giờ.

Từ ngày 2 - 4/7, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có khả năng mưa to đến rất to và rải rác có dông. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa dông rải rác vào chiều và tối. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nắng nóng diện rộng chấm dứt ở Trung Bộ.

Trong khi đó, ngày hôm nay (1/7) riêng khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ (đặc biệt các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn) có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 30-60mm/12 giờ, có nơi trên 80mm/12 giờ). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi (đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), ngập lụt vùng trũng ở khu vực trên.

Khu vực Hà Nội nhiều mây, trời dịu mát với nền nhiệt cao nhất 30-32 độ. Đêm và sáng sớm mai có mưa dông rải rác, trong cơn dông đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh.

Phía Bắc Biển Đông hình thành vùng áp thấp

Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 01 giờ ngày 01/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,7-18,7 độ Vĩ Bắc; 113,5-114,5 độ Kinh Đông, ngay trên phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp hầu như ít dịch chuyển và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến 01 giờ ngày 02/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Nắng nóng chấm dứt ở miền Bắc, xuất hiện áp thấp trên biển Đông - Ảnh 1.

Đường đi của vùng áp thấp trên Biển Đông

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 13km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm. Đến 01 giờ ngày 03/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, ngay trên đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Cảnh báo: Với việc hình thành, phát triển ngay trên Biển Đông trong thời gian ngắn và kết hợp các yếu tố như nhiệt độ bề mặt nước biển cao, tương tác với các hệ thống thời tiết ở lục địa nên diễn biến của vùng áp thấp/ATNĐ có khả năng mạnh thành bão sẽ rất phức tạp, có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta, ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong khoảng ngày 03-04/7.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh nên trong ngày và đêm nay (01/7), trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.    

Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao 2.0-3.0m. Biển động.   

Nam An

Tin mới