(Tổ Quốc) - Việc thay thế hai môn Lịch sử và Địa lý bằng một môn duy nhất cũng kéo theo các thay đổi về sách giáo khoa cũng như cách thức giảng dạy.
Chương trình giáo dục phổ thông mới quy định cụ thể về các môn học tích hợp mới là môn Khoa học tự nhiên (gộp 3 môn Lý, Hóa, Sinh) và môn Sử và Địa (gộp môn Sử, Địa) ở bậc THCS. Chương trình sẽ được áp dụng bắt đầu ở lớp 6 từ năm học 2021 – 2022.
Trong đó, với môn Lịch sử - Địa lý, Bộ GD-ĐT hướng dẫn: Chương trình môn Lịch sử và Địa lý bao gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau; nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lý và nội dung Địa lý tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch sử.
Về việc dạy học môn học tích hợp này, theo Bộ GD-ĐT, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.
Sách giáo khoa được điều chỉnh ra sao?
Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Những điểm ưu việt của bộ SGK lớp 2, lớp 6 xã hội hóa đầu tiên", TS Nguyễn Văn Ninh - Đồng chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6 - Bộ Cánh Diều cho biết, môn học Lịch sử - Địa lý học sinh sẽ biết về lịch sử thông qua kênh thông tin chứ không chỉ tiếp thu một chiều kiến thức thầy cô nhồi nhét.
Đồng thời, câu hỏi bài tập không nặng phải thuộc con số, sự kiện lịch sử mà trong những câu hỏi mà các em trình bày vấn đề lịch sử, vận dụng linh hoạt trong cuộc sống.
Sách giáo khoa Bộ Cánh Diều được tích hợp 2 phân môn, chủ đề tích hợp kiến thức cả lịch sử và địa lý. Vì thế vừa tích hợp kiến thức giao nhau của Lịch sử và Địa lý nhưng vẫn đảm bảo phân môn. Những kiến thức này được nhóm tác giả thể hiện rất rõ tích hợp nội môn, xuyên môn, liên môn.
Theo TS. Ninh, sách được thiết kế theo sát hướng dẫn của Bộ. Hệ thống tư liệu kết hợp hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình. Không chỉ cung cấp thông tin mà còn đưa vào đó những lược đồ, tranh ảnh, hình ảnh tư liệu. Học sinh biết về lịch sử thông qua kênh thông tin chứ không chỉ tiếp thu một chiều kiến thức thầy cô nhồi nhét. Các tư liệu, câu hỏi trong SGK là cơ sở, gợi ý cho thầy cô dạy trên lớp.
"Câu hỏi bài tập chúng tôi không nặng phải thuộc con số, sự kiện lịch sử mà trọng những câu hỏi mà các em trình bày vấn đề lịch sử, vận dụng linh hoạt trong cuộc sống. Ví dụ khi học về văn hoá Ấn Độ, văn hoá Ấn Độ có dấu ấn gì ở Việt Nam? Các em có thể chọn điệu múa, tháp. Chúng tôi lồng ghép khéo trong đơn vị kiến thức", TS Ninh nhấn mạnh.
Một điểm nổi bật trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS mới là đề cập đến Chủ đề biển đảo, về điểm này, TS Ninh cho rằng, chủ đề này được xây dựng trong chương trình mới được xã hội rất quan tâm.
Các tác giả đã nghiên cứu để thể hiện trong chủ đề tích hợp này, đó không chỉ là các kiến thức về biển đảo, mà còn là mạch kiến thức về chủ quyền Việt Nam, xác định vị trí chiến lược của biển đảo Việt Nam, nhằm giáo dục học sinh về tinh thần yêu nước, nâng cao tinh thần trách nhiệm về việc bảo vệ chủ quyền của các em học sinh.
Hiểu Đan