Muốn thế hệ người Việt tự lập và sáng tạo hơn, đừng đối xử với những đứa trẻ như đứa trẻ!

(Tổ Quốc) - Nghe thì vô cùng nghịch lý, nhưng nếu bạn đối xử với một đứa trẻ đúng như lứa tuổi của nó - thật hồn nhiên ngây thơ - thì rất có khả năng về sau chúng sẽ vẫn cứ ngây thơ hồn nhiên như thế. Những thầy cô giáo Nhật Bản sẽ chỉ cho bạn thấy điều này...

Cô Ueda Kimiko: “Ở Việt Nam, người lớn thường đối xử với những đứa trẻ đúng như 1 đứa trẻ”

Muốn thế hệ người Việt tự lập và sáng tạo hơn, đừng đối xử với những đứa trẻ như... đứa trẻ! - Ảnh 1.

Có hơn 30 năm theo đuổi nghề dạy học, hiện đang là giáo viên tiểu học cô đã tìm thấy niềm hạnh phúc khi “làm việc” cùng trẻ nhỏ như thế nào?

Trước đây khi tôi 12 tuổi, tôi đã nói rằng: “Lớn lên mình muốn đi ra nước ngoài làm việc”. Cho đến hiện tại thì đúng là tôi đã hoàn thành được giấc mơ của mình. Tôi đã có 15 năm ở nước ngoài và bây giờ đang ở Việt Nam. Tôi vô cùng hạnh phúc về điều đó.

Tôi đã từng nói với những học sinh rằng “Các em như thế cũng được, các em không cần phải ép mình làm điều các em không thích, điều quan trọng là các em phải vui, hạnh phúc nhưng không được làm ảnh hưởng đến người khác”, có lúc tôi sẽ nói: “Em khác biệt với các bạn cũng không sao, em cứ là em. Các em không cần thiết phải giống nhau”.

Điều đó khiến cho tôi trở nên gần gũi và thân thiết với học sinh của mình hơn. Các em cũng không coi tôi là một “cô giáo” nữa, mà sẽ coi tôi là một người bạn khi tâm sự cùng tôi. Có lẽ vì điều đó nên tôi cảm thấy lớp của tôi cũng luôn đặc biệt và thú vị.

Mỗi nghề nghiệp có những đặc thù riêng và nghề dạy học chắc hẳn có những câu chuyện rất vui, đặc biệt khi đối tượng cô dạy là những đứa trẻ tiểu học?

Hồi mới tới Việt Nam, tôi dạy lớp 4. Năm nay, các em ấy đã lên lớp 8 rồi. Hồi ấy các em ấy tốt nghiệp tiểu học. Trong ngày tốt nghiệp tiểu học, bảng trắng đằng sau các em sẽ dùng để các anh chị khóa trên viết những lời chúc mừng. Các em bé của lớp không viết gì lên đó cả. Sau khi chụp xong bức ảnh chia tay mọi người ra về hết. 

Lúc chuẩn bị rời đi, tôi xem lại tấm bảng trắng này một lần nữa. Thế rồi, tôi thấy một dòng chữ thế này: “Gửi cô Ueda, cảm ơn cô đã dìu dắt suốt 2 năm qua. Hẹn gặp lại cô ạ. Học trò: Sơn Tùng”. Cậu bé đã bí mật viết dòng chữ này, điều đó khiến tôi vô cùng hạnh phúc. 

Sau khi tốt nghiệp, cả lớp viết tên mình lên chiếc áo sơ mi trắng và gửi tặng cho tôi. Tới tận bây giờ, các em ấy vẫn gọi tôi là “boss” và điều đó làm tôi vui suốt bấy nhiêu năm qua.

Có 4 năm dạy tại trường quốc tế Nhật Bản ở Việt Nam, cô nhận thấy điểm khác biệt giữa học sinh Nhật Bản và Việt Nam rõ nhất là gì? Và đâu là thế mạnh hay điểm yếu của học sinh Việt Nam?

Tôi thấy ở Việt Nam, ý kiến của phụ huynh ảnh hưởng rất nhiều. Điều gây bất ngờ nhất đối với các giáo viên người Nhật tới Việt Nam làm việc có lẽ là khi đặt câu hỏi: “Các em muốn làm gì khi trưởng thành?” thì chẳng bé nào nói được. Một số bé còn nói là “Con sẽ vào công ty bố làm việc” hay “Con sẽ theo nghề của bố” chẳng hạn. Ngoài ra, người lớn ở đây đối xử với trẻ con chỉ như những đứa trẻ. Ở Nhật, chúng tôi coi những đứa trẻ như một cá thể riêng biệt và thường hỏi ý kiến của các em. Nhà trường cũng sẽ tổ chức theo hướng phù hợp với nguyện vọng của các bé. 

Tôi thấy ưu điểm ở các bé Việt là các em rất chân thành và đáng yêu. Nhưng điểm yếu là các em không thể nói ra được ý kiến riêng của mình. Ngoài ra, tôi cũng thấy các bé người Việt cực kỳ khéo léo và làm các công việc tỉ mỉ. Tôi phụ trách môn “Gia đình” nên thấy các sản phẩm may vá hay thủ công của các em đều giỏi gấp mấy lần trẻ em Nhật. Nhưng nếu yêu cầu làm ra một thứ “original” thì trẻ Việt Nam lại không làm được. 

Còn trẻ Nhật các em có thể tự làm ra những sản phẩm mới. Kiểu như nếu có sẵn mẫu và làm ra thành phẩm thì trẻ Việt Nam giỏi hơn, nhưng nếu muốn tạo ra điểm khác biệt so với mẫu thì trẻ Nhật khá hơn. 

Theo cô, sự thiếu chính kiến và kém sáng tạo ở trẻ Việt liệu chăng có phần ảnh hưởng từ sự áp đặt của cha mẹ?

Có lẽ vì ảnh hưởng của cha mẹ rất lớn, nên các em chỉ biết thế làm theo mà thôi. Chuyện này cũng thường xảy ra mà. Người Việt Nam thường rất kính trọng người trên, người lớn tuổi. Tôi thấy đây là một điểm vô cùng đẹp đẽ trong văn hóa, nhưng nếu ta cứ kính trọng người trên và cứ thế làm theo ý kiến của người lớn tuổi hơn hay cấp trên thì khả năng sáng tạo sẽ hạn chế. Tôi thấy đây là một điểm yếu của các trẻ em Việt. 

Từ ánh mắt của người lớn thì trẻ Việt Nam “ngoan”, chân thành và đáng yêu. Nhưng nhiều đứa trẻ Nhật về nhà là hết đáng yêu liền, nhưng các em có khả năng tranh luận. 

Cô Ishikawa Naomi: “Các em thường hay chờ đợi quyết định từ người khác, điều đó quả thật rất phí phạm”

Muốn thế hệ người Việt tự lập và sáng tạo hơn, đừng đối xử với những đứa trẻ như... đứa trẻ! - Ảnh 3.

Có đến 34 năm công tác liên quan đến nghề dạy, cô thấy điều gì quan trọng nhất ở nền giáo dục?

Tôi thấy nghề giáo bản chất là nghề giúp đỡ học sinh có thể tự thân vận động. Không phải là nói gì làm nấy mà chính là bản thân tự nghĩ xem mình muốn làm gì và tự mình làm theo những điều mình mong mỏi. Tôi thấy giáo dục chính là việc dạy nên những đứa trẻ như vậy. 

Vậy cách thức của cô là gì để giúp những đứa trẻ phát huy tính sáng tạo, tự thân vận động?

Đầu tiên, chúng tôi phải tìm hiểu xem mỗi em có một bản tính và khả năng như thế nào. Không phải là cho các em vào cùng một giỏ, đối xử như nhau mà phải biết là từng em sẽ phát huy được bản thân mình theo chiều hướng nào. Bởi mỗi một đứa trẻ đều có ưu thế riêng của chúng. 

Cách thức có thể khác nhau nhưng cần giúp từng trẻ phát triển theo thiên hướng của mình. Điều đó rất quan trọng. 

Ví dụ như một đứa trẻ không giỏi tiếng Nhật nhưng có thể giỏi Toán. Ta sẽ khuyến khích phát triển môn Toán của em chẳng hạn. 

Nhật vốn nổi tiếng là đất nước có kỷ luật khá nghiêm khắc. Cô làm cách nào để dung hòa giữa một đứa trẻ kỷ luật để chúng ở trong khuôn khổ nhất định mà vẫn là một đứa trẻ sáng tạo?

Về mặt kỷ luật, tôi thấy xã hội là một thứ từ nhỏ tới lớn. Từ gia đình, nhà trường, xã hội của từng người dần mở rộng ra. Những kỷ luật này được xây dựng dần ngay từ trong lòng xã hội nhỏ. Những quy định đó nằm trong trường học, nhưng trong lòng nó cũng đã có sẵn những kỷ luật sinh ra từ trong gia đình. 

Vậy nên, tôi không cho rằng Nhật Bản quá nghiêm khắc trong chuyện kỷ luật. Ngược lại, tôi thấy kỷ luật xã hội ở Việt Nam còn nghiêm hơn nhiều. Bởi vì những quy định nhỏ ở Nhật Bản đã được quyết sẵn ngay từ trong gia đình rồi. Không phải là mọi người tuân thủ quen quy tắc, mà ai nấy đều lớn lên với chúng nên điều đó không khiến mọi người cảm thấy khó chịu. 

Một khi những điều này đã được lưu giữ trong mình một cách tự nhiên thì trường học không nhất thiết phải quá khắt khe. 

Đã từng dạy học ở cả Nhật Bản và Việt Nam, cô nhận thấy điểm khác biệt lớn nhất của học sinh Việt và Nhật Bản là gì?

Ở Việt Nam, tôi thấy các quy định trong trường học với học sinh khá là nghiêm khắc. Quy tắc trường học ép các em phải chú ý để tâm, khó nhìn ra được sự sáng tạo của các em. Còn các trường học ở Nhật, các em đã được ghi nhớ kỷ luật sẵn trong mình, từ đó các em có không gian để mở rộng suy nghĩ xem mình muốn làm cái gì, và cố gắng biến những suy nghĩ đó thành sự thật. 

Muốn thế hệ người Việt tự lập và sáng tạo hơn, đừng đối xử với những đứa trẻ như... đứa trẻ! - Ảnh 4.

"Tôi muốn trao cho các em cơ hội được tự do suy nghĩ nhiều hơn để các em có khả năng phát triển sự sáng tạo".

Hôm nay cũng thế, tôi đã hỏi học sinh của mình rằng: “Em muốn sau này thành người như thế nào”, nhưng các em không trả lời được. Các em sẽ chờ đợi quyết định từ thầy cô, từ mẹ, từ một người nào khác rồi làm theo đúng như thế. Vậy nên, tôi muốn trao cho các em cơ hội được tự do suy nghĩ nhiều hơn để các em có khả năng phát triển sự sáng tạo.

Muốn phát triển trí sáng tạo của trẻ, theo cô một người giáo viên tốt nên làm gì?

Ví dụ nhé, tôi thấy các em thường hay chờ đợi quyết định từ người khác và tôi muốn hạn chế những suy nghĩ này. Tôi cảm thấy điều đó rất phí phạm. Vì các trẻ sẽ tự mình làm những điều đó nên để cho các bé tự biết là mình muốn làm điều gì. Tôi muốn giúp các em khám phá ra được rằng: “A, mình có thể làm điều này cũng được mà”

Dạo gần đây, trong các tiết học về “Đời sống” ở trường Quốc tế Nhật Bản JIS, tôi đã đưa các em đi thăm thư viện, phòng giáo vụ, phòng ăn, tới cả chỗ bảo vệ ngoài cổng và chỗ các cô nhân viên vệ sinh. Tôi để các em phỏng vấn những người đang làm việc trong trường. Các em sẽ xin phép được làm phiền mọi người trong lúc làm việc, rồi đi phỏng vấn các cô chú xem họ làm những công việc thế nào. 

Đương nhiên nhiều em sẽ nghĩ rằng mình không được làm phiền lúc người lớn đang làm việc. Nhưng khi các em hiểu được rằng: “Mình hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, và người lớn sẽ sẵn lòng trả lời. Các em sẽ rất vui”. Tôi cho rằng khám phá ra những điều mới mẻ rất cần đối với trẻ, nó cũng hỗ trợ nhiều trong công việc học tập. Vậy nên, những lớp học về khám phá và phát hiện là quan trọng để phát huy tính sáng tạo của trẻ. 

ĐX

Tin mới