(Tổ Quốc) - Một ngành học hội tụ toàn "quái kiệt" thì việc lấy điểm chuẩn xét tuyển đại học năm 2021 "chạm đỉnh" cũng là điều dễ hiểu.
Xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh đại học dựa trên kết quả điểm của 3 năm học THPT hoặc điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp môn để xét tuyển. Năm 2021, xét tuyển học bạ vẫn là "mắt xích" quan trọng trong bức tranh xét tuyển đại học của thí sinh và định hướng tuyển sinh của các trường.
Với phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, năm nay, thí sinh phải đạt 9,5 điểm/môn trở lên mới có thể trúng tuyển ngành Khoa học máy tính (định hướng Trí tuệ nhân tạo) của Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM). Theo đó, điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình 3 năm học THPT của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển thí sinh đăng ký cộng với điểm ưu tiên.
Điểm chuẩn 3 môn 28,5 là một con số khá giật mình với nhiều người, tuy nhiên trên thực tế, ngành Khoa học máy tính những năm gần đây luôn được xem là ngành hot nhất với tỉ lệ chọi "sứt đầu mẻ trán".
PGS. TS Nguyễn Phong Điền (Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội) từng khẳng định, ngành Công nghệ thông tin (với 3 lĩnh vực đào tạo chính bao gồm: Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính và Công nghệ thông tin truyền thông), sự cạnh tranh của ngành đòi hỏi mức điểm đầu vào cao kỷ lục: "Nếu ra khỏi phòng thi, các em chắc chắn ba môn đều đạt điểm 10 thì hẵng suy nghĩ về việc nộp hồ sơ vào ngành này của trường. Tôi hiểu con số này rất cao nhưng chúng ta cũng cần cân bằng giữa mong muốn và năng lực của mình".
Ngành Khoa học máy tính là gì?
Cuộc cách mạng 4.0 đang len lỏi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống. Công nghệ thông tin được coi là giải pháp căn bản, là chìa khóa để chuyển đổi số trong thời gian tới. Chính vì vậy, sức nóng của ngành vẫn giảm. Dự báo trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 1 triệu nhân lực cho ngành CNTT.
Khoa học Máy tính là một trong những ngành học quan trọng tại các trường đại học đào tạo về công nghệ thông tin (CNTT) nói riêng và kỹ thuật nói chung. Đây là ngành học dành cho bạn trẻ đam mê nghiên cứu chuyên sâu về CNTT, khả năng tính toán của hệ thống máy tính.
Người nghiên cứu khoa học máy tính là các nhà khoa học. Họ tập trung vào lý thuyết ứng dụng tính toán. Điều đó có nghĩa là họ trả lời được câu hỏi "vì sao" đằng sau các chương trình máy tính. Các nhà khoa học máy tính có thể thấy và hiểu được mã máy.
Tóm lại, các nhà khoa học máy tính có thể nói chuyện với máy tính. Chuyên ngành này dựa trên toán học - ngôn ngữ của máy tính. Những người theo đuổi ngành này sẽ hiểu tại sao máy tính hoạt động và có thể tạo ra một chương trình hoặc hệ điều hành với những tính năng như ý muốn.
Khi theo học, sinh viên sẽ có kiến thức cốt lõi ngành; có khả năng vận dụng kiến thức chuyên sâu của một trong các định hướng của ngành Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo để phân tích thiết kế, giải quyết vấn đề và đánh giá các giải pháp tiềm năng, có năng lực xây dựng và quản trị các hệ thống thông minh.
Ngoài ra, sinh viên có các kiến thức về hệ thống máy tính, giải thuật và lập trình, cơ sở dữ liệu, phân tích thiết kế và phát triển phần mềm, trí tuệ nhân tạo và khai phá dữ liệu, quản lý dự án…
Cơ hội việc làm cho ngành Khoa học máy tính
Khoa học máy tính là một chuyên ngành phát triển nhanh chóng và được kỳ vọng sẽ mở rộng cơ hội việc làm với mức lương cao. Thực tế, sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính không lo thất nghiệp và có rất nhiều cơ hội việc làm rộng mở.
- Lập trình viên/kiểm thử viên, tư vấn, giám sát chất lượng, quản trị dự án, trưởng nhóm phát triển. Nhân viên kỹ thuật phòng Công nghệ thông tin của các doanh nghiệp lớn hoặc tổ chức nhà nước.
- Kỹ sư phát triển phần mềm, xây dựng giải pháp và dịch vụ CNTT-TT; Kiến trúc sư, quản trị dự án, chuyên gia tư vấn, trưởng nhóm phát triển phần mềm, giám đốc kỹ thuật…
- Kỹ sư tư vấn, thiết kế, xây dựng, đánh giá và quản trị CSDL, các HTTT cho các doanh nghiệp, tổ chức; Kỹ sư hệ thống thiết kế, xây dựng và đánh giá các giải pháp (tích hợp) các doanh nghiệp, tổ chức.
- Kỹ sư dữ liệu tại các công ty phân tích, xử lý, cung cấp dịch vụ trên dữ liệu; Kiến trúc sư dữ liệu, kỹ sư phân tích dữ liệu cung cấp giải pháp cho các bài toán phức tạp dựa trên dữ liệu lớn.
- Kỹ sư phụ trách nghiên cứu và phát triển các phần mềm điều khiển robot, xe tự lái, giám sát giao thông…Kỹ sư phụ trách nghiên cứu, phát triển và vận hành các phần mềm tối ưu hoá sản xuất, phân phối hàng hoá…
Ngành Khoa học máy tính có mức lương như thế nào?
Mức lương ngành Khoa học máy tính phụ thuộc vào vị trí, địa điểm làm việc cũng như năng lực chuyên môn. Tuy nhiên, đây được đánh giá là ngành học có mức lương "hấp dẫn". Một số thống kê cho thấy, 98% sinh viên của ngành có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp với mức lương phổ biến trong khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Càng có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, lên tầm chuyên gia thì mức lương bạn nhận được sẽ càng cao. Thực tế có những chyên gia giàu kinh nhiệm có thể nhận mức lương lên tới 162.000 USD (khoảng 3,7 tỷ đồng) mỗi năm, tương đương 13,500 USD (khoảng 312 triệu đồng) mỗi tháng. Với bất kỳ công việc nào cũng vậy, bạn có chuyên môn càng cao thì mức lương cũng tương xứng với năng lực thực sự.
Hiểu Đan