(Tổ Quốc) - Thử xem, nếu là một thí sinh dự thi trong kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi năm nay, bạn sẽ cảm nhận câu hỏi này theo hướng nào nhé!
Bạn thường nghĩ gì khi nhắc tới đề thi học sinh giỏi? Hẳn nhiên sẽ là từ khó đến... rất khó. Tuy nhiên, có những câu hỏi không chỉ gây xôn xao bởi độ phức tạp mà còn bởi vì nó quá độc đáo. Hẳn khi thí sinh cầm tờ đề cũng thấy mới lạ và... choáng váng không kém. Chẳng hạn như một đề thi đang lan truyền chóng mặt trên khắp các mặt trận mạng xã hội sau đây.
Được biết, đây là đề thi nhằm chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ Văn của một tỉnh thành. Ở câu 1 (8 điểm), thay vì một câu hỏi về một tác phẩm như thông thường, đề chỉ có vỏn vẹn... 1 bức ảnh với hai chiếc đồng hồ. Yêu cầu đưa ra chính là: Theo gợi ý từ bức ảnh trên, anh (chị) hãy trình bày cách giải quyết vấn đề của mình.
Khỏi phải nói chiếc đề nhiều phá cách này đã khiến dân tình toát mồ hôi ra sao. Trong khi nhiều cư dân mạng "lắc đầu, lè lưỡi" thì không ít bạn trẻ trổ tài "đuổi hình bắt chữ". Đọc những phân tích, lý lẽ được những bạn trẻ này đưa ra mới thấy à thì ra, xung quanh mình "hảo thủ" giấu mặt vô cùng nhiều.
Thử xem những "học sinh giỏi Văn" của mạng xã hội cảm nhận ra sao về câu hỏi mang tính gợi mở này nhé!
- Đồng hồ bên phải có thể điều chỉnh thời gian còn đồng hồ bên trái dường như không thể điều chỉnh lùi về phía sau, hay tiến lên phía trước phải chăng nó ẩn dụ cho cuộc đời chính chúng ta. Đừng “ăn mày quá khứ” cũng đừng viển vông với những ước mơ xa vời (không ai đánh thuế ước mơ nhưng cũng đừng để nó làm mờ đôi mắt bạn). Thay vào đó hãy sống thật tốt ở thời điểm hiện tại.
- Mình ví mỗi điểm trên đồng hồ là một điểm đích. Kim đi từ 1h - 12h là hết một vòng. Nếu nhìn hình 1 thì tưởng như cuộc sống đã hạnh phúc, viên mãn. Nhưng nếu nhìn hình 2, có thể thấy, mình chỉ mới đến 1 phần nhỏ trên chặng đường thôi, đạt đến mục tiêu này thì phải nỗ lực đi đến mục tiêu khác. Hạnh phúc không phải là một điểm nhất định, nó là hành trình.
- Về góc độ hai chiếc đồng hồ. Ta có thể từ đó diễn tả ra khía cạnh của một con người. Chúng ta không thể ở yên tại một chỗ mà chúng ta phải luôn hoạt động để tiến lên. Nhưng đôi lúc cuộc sống sẽ đẩy lùi chúng ta, cũng đừng vì thế mà nản lòng nhục chí, vì một mũi tên muốn bắn được về phía trước thì phải chịu một lực kéo ngược về phía sau.
Nhiều người cho rằng, câu hỏi dù kiệm từ ngữ nhất có thể nhưng khơi gợi rất nhiều vấn đề, giúp học sinh có "đất diễn", không bị bó hẹp trong khung kiến thức của sách giáo khoa. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng nhận định, đề khá mông lung và không được chỉn chu. Không chỉ dễ gây ra sự hoang mang cho học sinh trong quá trình làm bài do dữ kiện thiếu rõ ràng mà còn dễ gây ra rắc rối, tranh cãi trong quá trình đánh giá bài làm.
"Hai cái hình đưa ra không khơi gợi một vấn đề nào cụ thể, đề thiếu định hướng cho học sinh về vấn đề cần bàn luận. Lệnh đề là "theo gợi ý từ bức ảnh trên", thực sự là không phù hợp. Nếu nói gợi ý từ bức ảnh, thì bức ảnh cần có thêm ghi chú hoặc thông tin phía sau. Gợi ý là cái phát biểu trực tiếp trên đề mang tính khơi gợi. Còn nếu muốn nói là từ những suy nghĩ mà anh chị rút ra được ở hai tấm hình trên thì nên sửa như sau: Từ những bức ảnh được gợi ý ở trên, anh/ chị hãy... Hoặc: Bức ảnh trên khơi gợi cho anh chị điều gì? Từ những suy nghĩ của anh chị về bức ảnh trên", một cư dân mạng nêu ý kiến.
Còn bạn thì sao, nếu là một thí sinh dự thi trong kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi năm nay, bạn sẽ "vote" cho đề Văn này chứ?
Hiểu Đan