(Tổ Quốc) - Người cuối cùng cũng là người thông minh nhất, có thể kịp thời nghĩ ra bản chất của vấn đề, giữ được bình tĩnh và biết cách diễn đạt cụ thể.
Ngày càng có nhiều ứng viên giỏi giang xin việc, bộ phận nhân sự của nhiều công ty đã vắt óc tìm mọi cách để đưa ra những câu hỏi kỳ quặc nhằm đánh giá liệu ứng viên có phù hợp với vị trí của công ty hay không. Kết quả là đã tạo ra "văn hóa phỏng vấn" độc đáo như hiện nay, những cuốn sách về kiểu phỏng vấn như thế này trên thị trường thì nhiều vô kể.
Chẳng hạn, một trường hợp phỏng vấn mới đây được chia sẻ trên mạng xã hội. Tiểu Lý vốn tốt nghiệp thạc sĩ một trường đại học thuộc dự án 985 (Là những trường đại học được cho là có các tiêu chuẩn về chất lượng, trình độ giáo dục, cơ sở vật chất,… đẳng cấp thế giới. Hiện tại có 39 trường đại học thuộc dự án 985 ở Trung Quốc).
Cô ngày ngày bận rộn tìm việc và nộp hồ sơ, cuối cùng cũng nhận được lời mời phỏng vấn của một công ty. Đến vòng thứ 3, có thêm hai người khác, lúc đó giám đốc nhân sự thẳng thắn hỏi: "Một con lợn có bốn chân, còn 70 thì sao?". Tiểu Lý háo hức thể hiện bản thân, và sau ba giây, cô ấy nói ngay 280. Sau khi nghe xong, người phỏng vấn lắc đầu và đánh dấu X vào bản lý lịch.
Rõ ràng 4 x 70 = 280. Nhưng Tiểu Lý vẫn không vượt qua ải. Cô cực kỳ không phục, thấy ấm ức không hiểu tại sao.
Đến người nộp đơn thứ hai, anh ta chọn cách im lặng.
Khi đến người ứng tuyển cuối cùng, anh ta hỏi một câu hỏi: "Xin lỗi nhưng tôi có một chút khó hiểu với câu hỏi của ông. Nếu ông không phiền, xin hãy giải đáp cho tôi biết rằng, ý câu hỏi ông đề ra khi nhắc đến 70 là muốn chỉ 70 chân hay 70 con lợn?".
Giám đốc nhân sự hỏi ngược: "Ý anh là như thế nào?". Ứng viên thứ ba trả lời: "Nếu ông muốn hỏi 70 con lợn có bao nhiêu chân, thì đáp án chính là 280. Còn nếu ông muốn hỏi 70 chân là bao nhiêu con lợn thì tôi xin trả lời đó là 17 con và thừa lại hai chân lẻ". Câu trả lời giúp sinh viên này được nhận việc dù chưa tốt nghiệp đại học.
Tiểu Lý trong lòng rất bất mãn, rõ ràng người này còn học sau cô ba năm, rất thiếu kinh nghiệm, bằng cấp chuyên môn không bằng nhưng lại "cướp tay trên" vị trí của mình. Cô cũng không hiểu tại sao mình lại bị loại chỉ dựa trên một câu hỏi phỏng vấn dở hơi như thế.
Về vấn đề này, mặc dù Tiểu Lý là người phản ứng nhanh nhất, nhưng cô lại quá bộp chộp và hời hợt trong việc xem xét vấn đề. Rõ ràng trong vòng quan trọng của cuộc phỏng vấn, không ai đưa một câu hỏi về Toán học đơn giản của tiểu học như thế cho ứng viên là cử nhân, thạc sĩ.
Người ứng tuyển thứ hai im lặng, anh ta bình tĩnh hơn Tiểu Lý một chút vì biết rằng câu trả lời sẽ không đơn giản như vậy, nhưng lại không tìm thấy bất kỳ sơ hở nào trong câu hỏi. Người cuối cùng cũng là người thông minh nhất, có thể kịp thời nghĩ ra bản chất của vấn đề, giữ được bình tĩnh và biết cách diễn đạt cụ thể.
Nếu bạn đã đi đến rào cản cuối cùng của cuộc phỏng vấn, điều đó có nghĩa là các yêu cầu công việc và kỹ năng của bạn về cơ bản phù hợp với kỳ vọng của công ty. Lúc này, trọng tâm của bộ phận nhân sự muốn yêu cầu là khả năng đối nhân xử thế và cách giải quyết vấn đề của bạn.
Trong công việc cũng như cuộc sống, đôi khi người trả lời được đáp án nhanh nhất chưa chắc đã là người có đáp án đúng. Nếu một người có thể bình tĩnh giải quyết trước mọi sự việc, có lẽ không công ty nào lại để mất đi nhân tài như vậy.
Hiểu Đan