(Tổ Quốc) - Chỉ là một clip nói tiếng Việt bình thường nhưng được chia sẻ trong giai đoạn "nhạy cảm" khiến nữ ca sĩ nhận nhiều sự chú ý.
Lướt mạng xã hội những ngày này, hẳn bạn không thể không biết đến trend lypsync "make it complicated" và "enjoy cái moment" được hình thành và được lan truyền rộng rãi. Tất cả bắt nguồn từ livestream gây tranh cãi của ca sĩ Chipu. Cụ thể, Chi Pu đã chia sẻ: "Qua đây làm này làm kia nè, nhưng mà thôi sự thật thì luôn luôn đơn giản nhưng people make it complicated (mọi người phức tạp hóa lên) nên là mình cứ enjoy cái moment này (tận hưởng khoảnh khắc này)... Mình sẽ nói chuyện với mọi người nhiều hơn, tương tác với mọi người nhiều hơn và có những hoạt activities (hoạt động) nào đó thì Chi sẽ show (công bố) cho mọi người...".
Mới đây, một clip trả lời phỏng vấn liên quan đến chuyện nói tiếng Việt bỗng dưng được chia sẻ chóng mặt. Qua đoạn clip có thể thấy mặc dù ở Mỹ được một thời gian nhưng Hương Tràm vẫn nói tiếng Việt rõ ràng, trôi chảy mà không hề thêm bất cứ ngôn ngữ nào khác.
Nữ ca sĩ bày tỏ: "Tràm muốn mọi người tự hào về tiếng Việt. Tiếng Việt chúng ta là ngôn ngữ có dấu, khi thay đổi dấu thì lại mang nhiều nghĩa khác nhau. Tràm yêu điều đấy. Đó là điều ngôn ngữ khác không có, tiếng Anh không có. Đây cũng là điều Tràm cảm thấy tự hào nhất khi trở thành một nghệ sĩ, một người phụ nữ Việt ở trên đất Mỹ".
Quan điểm của Hương Tràm đặt bên cạnh clip nửa Tây nửa Ta của Chipu khiến dân tình cho rằng nữ ca sĩ đang cà khịa đồng nghiệp. Tuy nhiên, "oan cho Tràm quá", bởi thời điểm Hương Tràm trả lời phỏng vấn là lúc cô mới qua Mỹ hai năm, tức là trước thời điểm clip "people make it complicated" hay "enjoy cái moment này" của Chipu khuấy đảo mạng xã hội.
Tuy nhiên, quan điểm của Hương Tràm vẫn nhận về nhiều lời khen ngợi của cộng đồng mạng. Trên thực tế, có người vì sống lâu ở nước ngoài nên khi nói tiếng Việt cũng ít nhiều quên một số từ ngữ. Có người làm việc thường xuyên trong môi trường ngôn ngữ nước ngoài nên hình thành thói quen "loạn ngữ". Có người lại cố tập cách nói kiểu này để tỏ ra có cá tính...
Dù vậy, không nên lạm dụng việc chêm ngoại ngữ vào tiếng mẹ đẻ khi giao tiếp. Giống như với tiếng lóng và ngôn ngữ mạng, chỉ nên dùng xen pha ngoại ngữ khi nói vui, giải trí một cách thân mật, hoặc có thể dùng trong trường hợp cần nhấn mạnh điều gì đó, nhưng phải dùng trong văn cảnh phù hợp.
Vlogger Giang Ơi, trong một clip của mình về vấn đề này từng cho rằng: "Với mình, mục đích của ngôn ngữ là để giao tiếp cho nên khi bạn nói mà người nghe không hiểu được ý mà bạn vừa diễn đạt thì mục đích giao tiếp sẽ không đạt được. Bên cạnh đó, mình nghĩ chúng ta cần phải tinh tế một chút để xem trong hoàn cảnh đó bạn dùng tiếng Anh chêm vào tiếng Việt có phù hợp không hoặc có gây khó chịu cho người nghe hay không.
Việc chêm tiếng Anh vào tiếng Việt là rất phổ biến và bản chất thì không xấu. Nhưng dù bạn chêm tiếng Anh vào tiếng Việt vì bất cứ lý do nào mình gợi ý bạn nên để ý 2 điều này: đối tượng nghe và hoàn cảnh".
Hiểu Đan