(Tổ Quốc) - Sự lo xa của bố mẹ có ngày đã cứu con mình và gia đình tránh khỏi một bi kịch.
Hàng ngày sau khi đi học mẫu giáo về, bố mẹ luôn đưa Lele (Trung Quốc) đến siêu thị gần đó để mua những món ăn vặt yêu thích.
Một lần bố đi làm thêm, mẹ đưa Lele đi siêu thị thì tình cờ gặp một người bạn thân quen. Hai người mải mê trò chuyện và để bọn trẻ tự chơi. Không ngờ khi mẹ Lele sực nhớ ra thì không thấy con đâu, cuống cuồng tìm khắp nơi nhưng không có kết quả.
Cuối cùng, người mẹ phải nhờ ông chủ cho xem lại camera theo dõi. Trong video, một người phụ nữ trung tuổi đã bế Lele chạy ra ngoài. Mọi sự tìm kiếm tưởng như vô vọng thì đứa trẻ cuối cùng cũng trở về nhà với cảnh sát lúc 10 giờ tối.
Hóa ra Lele đã nhận ra sự nguy hiểm khi bị người lạ đưa đi. Bé nhớ đến lời mà mẹ đã dạy cho mình và lựa nơi đông người hét lên thật to với những người qua đường: "Mẹ ơi, mẹ sao vậy? Con ở đây?". Bao nhiêu cặp mắt đổ dồn khiến kẻ bắt cóc vội vàng bỏ chạy. Cháu bé lập tức cầu cứu những người xung quanh và về nhà an toàn.
Chính 1 câu nói đúng thời điểm đã giúp đứa trẻ tự cứu mình. Trong trường hợp trên, có thể kẻ bắt cóc không có ý định ngay từ đầu nên chưa có sự chuẩn bị nên bé dễ dàng thoát thân. Trong nhiều trường hợp khác nguy hiểm hơn, may mắn có thể không đến. Do đó, tốt hơn hết cha mẹ nên dạy trẻ những kỹ năng thoát hiểm.
Bố mẹ phải lưu ý và dạy con ngay các nguyên tắc an toàn để tránh bị bắt cóc sau đây:
1. Trang bị cho trẻ một đồ vật có hệ thống định vị
Hiện nay, có rất nhiều món đồ như vòng cổ, đồng hồ, vòng tay,... được trang bị hệ thống định vị và nút bấm khẩn cấp. Cha mẹ có thể theo dõi vị trí khi trẻ đeo những vật dụng này. Và trong trường hợp trẻ bấm nút, tín hiệu khẩn cấp sẽ thông báo ngay tới cha mẹ và cảnh sát.
2. Hét to lên: "Cháu không biết chú ta/cô ta". Nói với trẻ rằng khi một người lạ bắt được con, ngay lập tức con hãy cắn, đá, cào, cấu và cố gắng thu hút sự chú ý bằng mọi giá, ngay cả khi tình huống đó vô cùng đáng sợ.
3. Ngắt cuộc trò chuyện và giữ khoảng cách với người lạ. Trẻ nên biết rằng mình không được phép trò chuyện với người lạ. Nếu có, cuộc trò chuyện nhất thiết kéo dài không quá 5-7 giây. Tốt nhất nên rời đi chỗ khác và tìm tới một nơi an toàn.
Khi cuộc trò chuyện diễn ra, trẻ nên đứng cách người lạ một khoảng 2-2,4m. Nếu người lạ cố gắng tiến lại gần, trẻ phải lùi lại một bước. Thực hành tình huống này với con, cho con thấy khoảng cách tầm hơn 2m là như thế nào và nhấn mạnh rằng, phải duy trì khoảng cách đó bất chấp chuyện gì xảy ra.
4. Dạy trẻ tránh đi chung thang máy với người lạ. Dạy trẻ chờ thang máy ở tư thế quay lưng lại tường để con có thể quan sát thấy bất cứ ai đang tiến lại gần. Nếu đó là một người lạ hay một người gần như không quen biết lắm, trẻ nên đưa ra một lời cáo lỗi để không vào chung thang máy với người này.
5. Không để người lạ biết bố mẹ đang đi vắng. Giải thích cho con bạn rằng nếu có tiếng gọi cửa nhưng không trông thấy ai qua lỗ khóa và không có tiếng đáp lại cho câu hỏi: "Ai đấy?", con nhất định không được mở cửa, dù chỉ hé một chút xíu để xem chuyện gì đang xảy ra.
Ngoài ra, trẻ cũng không được phép để người lạ biết bố mẹ đang đi vắng, cho dù người lạ kia khẳng định mình là bạn với bố mẹ hoặc nói rằng, anh ta/cô ta là thợ sửa chữa. Nếu một người lạ tỏ ra kiên trì và cố gắng đột nhập vào nhà, trẻ phải gọi ngay cho cha mẹ hoặc hàng xóm.
6. Lập mật mã gia đình. Nếu ai đó nói với trẻ: "Đi theo cô/chú. Cô/chú sẽ dẫn cháu đến chỗ bố mẹ", điều đầu tiên mà trẻ nên làm là hỏi lại người lạ: "Tên bố mẹ cháu là gì? Mật khẩu gia đình cháu là gì?".
Bạn nên lập ra một câu có vai trò như mật khẩu dùng trong các tình huống khẩn cấp. Sử dụng cụm từ ít ai nghĩ tới sẽ gây khó khăn cho người lạ có thể đoán ra, như "Cam Bông" chẳng hạn.
Hiểu Đan