(Tổ Quốc) - Từ vật dụng có trong nhà, mẹ trẻ đã cùng con chơi một trò chơi gắn bó với tuổi thơ và giúp con rèn được đôi tay khéo léo.
Chơi chuyền hay còn gọi là chơi banh đũa là trò chơi tương đối đơn giản và đã đi vào tuổi thơ của rất nhiều thế hệ ở Việt Nam. Tuy nhiên, do cuộc sống ngày nay hối hả cùng với sự xuất hiện của nhiều món đồ hiện đại, bắt mắt nên trẻ em càng ít tiếp cận với các trò chơi dân gian hơn.
Mới đây, một bà mẹ trẻ đã nghĩ ra cách cùng con "sống chậm" trong những ngày nghỉ học vì dịch Covid-19. Vậy là dẹp hết tivi, điện thoại, chị đã lôi ra 2 vật dụng có sẵn trong nhà để chuẩn bị vật dụng chơi.
Đũa dùng một lần vót thành que chuyền.
Chị Châu, sống ở Hà Nội đã tận dụng những đôi đũa dùng một lần có sẵn trong nhà để làm que chuyền. Đây là vật dụng dễ kiếm và cũng đã sẵn kích thước nên chị Châu chỉ việc dùng dao vót lại cho tròn đẹp.
Quả tung được tận dụng từ vải vụn.
Ngoài ra, quả tung thì chị Châu tận dụng từ những miếng vải vụn rồi khâu tròn lại. Khâu quả tung không quá khó khăn và cầu kỳ, chỉ cần một chút khéo léo là có thể hoàn thiện quả tung đầy màu sắc theo ý thích của mình.
"Trẻ con thời nay đúng thật là không biết chơi trò này. Hồi xưa mình chơi bằng sỏi, bằng cà... Ngày nay que bằng đũa 1 lần dùng và quả tung làm từ... vải vụn. Thế là không phải vứt đi thứ gì mà có trò vui cho con", chị Châu vui vẻ chia sẻ.
Clip chơi chuyền của chị Châu.
Chia sẻ của chị Châu nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các mẹ. Những ai thuộc thế hệ 7x, 8x chắc chắn đều biết đến trò chơi đánh chuyền thế nên khi thấy hình ảnh này ai cũng hào hứng nhớ lại tuổi thơ đầy kỷ niệm.
"Ôi hay đấy nhỉ? Mình sẽ làm cho con chơi. Ngày xưa bọn mình toàn đi lấy quả bòng non để chơi thôi. Vui lắm".
"Em toàn chơi bưởi non, chơi tối ngày, mỗi 2 món: nhảy dây và chuyền. Chơi thành nghề luôn, chẳng "chết" bao giờ, chán thì ngưng. Giờ con em không biết nhảy dây cơ".
"Em thì không vót thế này, tự đi kiếm ở bụi tre. Ngày xưa em toàn vặt trộm bưởi, hồng xiêm, toàn trốn ngủ trưa để chơi thôi. Và còn nhiều trò nữa mà bây giờ trẻ con chẳng được chơi và cũng không muốn chơi".
"Trò chơi này luyện cả tay lẫn mắt. Rất bổ ích".
>> Xem thêm: Con nghỉ dịch mà không cuồng chân vì mẹ bày đủ trò hay, tốn 15 phút mỗi ngày mà nhà nào cũng áp dụng tốt
Tào Nga