(Tổ Quốc) - Đó là lời tâm sự của chị Lê Thị Liên – mẹ bé Nguyễn Lê Bảo Chung, cậu bé được mệnh danh là thần đồng khi có thể sử dụng tiếng Anh lưu loát từ khi mới bập bẹ tập nói.
Nguyễn Lê Bảo Chung, tên tiếng Anh là Ryan (trú tại thôn Đông Văn, Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) hiện là học sinh lớp 1 của một trường quốc tế tại Hà Tĩnh.
Biết nói tiếng Anh từ khi 18 tháng tuổi trong khi môi trường xung quanh không có ai sử dụng ngôn ngữ này, Bảo Chung được xem là một "hiện tượng lạ" thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Thậm chí thời gian đầu, mẹ của Chung còn tưởng con mình bị tự kỷ. Sau khi mang con tới gặp các anh chị lớn đã đi học cũng như cô giáo dạy tiếng Anh, chị mới thực sự tin con mình có khả năng đặc biệt này.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Lê Thị Liên về cậu con trai đặc biệt Bảo Chung và những nỗ lực của chị Liên để cố gắng hiểu được ý con nói:
- Chào chị, hiện nay việc học tiếng Anh của Bảo Chung đang được sắp xếp như thế nào?
Bảo Chung hiện đang theo học khoảng 10 tiết tiếng Anh mỗi tuần ở trường. Ngoài ra khi về nhà, cháu có học online với các thầy cô nước ngoài hoặc tự tìm hiểu các chương trình bằng tiếng Anh mà cháu yêu thích để học.
- Do nói tiếng Anh từ lúc mới bập bẹ nên khả năng tiếng Việt của Bảo Chung không được tốt, chị đã làm gì để thay đổi điều này?
Cả hai mẹ con tôi đều phải rất nỗ lực. Con dạy mẹ rồi mẹ lại dạy con. Tôi sợ rằng nếu con không biết tiếng Việt, không thể giao tiếp với người thân và bạn bè đồng trang lứa thì con sẽ lớn lên cô độc. Nếu như vậy thì có giỏi thế nào cũng không để làm gì.
Tôi đã từng cho Chung đi học lớp mầm non ở gần nhà nhưng sau đó phải từ bỏ vì con không thể hiểu cô, cô không thể hiểu con. Lúc này, tôi buộc phải hy sinh công việc, đưa con đi theo mình để vừa kèm con, vừa tìm cho con một môi trường thực sự phù hợp. Tôi không muốn thui chột tài năng của cháu.
May mắn thay, sau khi biết được hoàn cảnh và tài năng của Chung, đã có trường quốc tế nhận con vào học với mức học bổng hỗ trợ toàn phần. Nhờ đó, Chung có điều kiện để giao tiếng tiếng Anh, đồng thời cũng có thể học được tiếng mẹ đẻ.
Đến nay, Chung đã có thể giao tiếng tiếng Việt trôi chảy, có thể viết, đọc dù chưa tốt bằng các bạn. Tôi nghĩ đó đã là một sự tiến bộ vượt trội và tôi tin Chung có thể sử dụng tốt tiếng Việt như tiếng Anh.
- Điều gì khiến chị cảm thấy khó khăn, áp lực nhất trong hành trình lớn lên của bé Chung?
Đó chính là ngôn ngữ. Bản thân tôi không được học hành nhiều nên tôi không biết gì về tiếng Anh. Khi nghe câu đầu tiên con phát ra lúc 18 tháng tuổi là "I love You Mama", "Eleven"… tôi đã rất hoảng. Tôi không biết con mình đang nói cái gì, tôi đã không thể hiểu. Sau khi đưa con tới các anh chị lớn hơn và cô giáo gần đó, tôi mới biết con mình nói tiếng Anh.
Lúc này, tôi khủng hoảng thực sự. Nếu nói niềm vui là 10 thì tôi lo thêm tới 90 phần nữa. Có những đêm, tôi mất ngủ tới 1, 2 giờ sáng. Tôi tự hỏi nếu cứ thế này, không biết tương lai của cháu sẽ đi về đâu.
Khi được hỏi tại sao có thể nói tiếng Anh lưu loát, Bảo Chung Ryan hồn nhiên trả lời: Chúng tự nảy ra trong đầu cháu. Trấn tĩnh lại, tôi tự nhủ nếu tôi không phải là người đồng hành cùng cháu thì sẽ là ai? Thế rồi tôi tự mày mò để học. Ban đầu, tôi chỉ biết nói "ok" với cháu dù không hiểu cháu muốn gì. Tôi chỉ nghĩ là mình cứ giao tiếp cùng ngôn ngữ với con, dù chưa đúng nhưng con sẽ không bị lạc lõng. Tôi rất sợ con mình bị trầm cảm nếu không có ai đồng hành.
Có những thời điểm căng thẳng, tôi chỉ biết khóc. Bảo Chung thấy mẹ khóc, không thể nói chuyện với mẹ nên cũng oà khóc theo. Thế là cả hai mẹ con cùng ôm nhau khóc.
Dần dần, tôi cố gắng mỗi ngày để học thêm. Ban đêm khi cháu ngủ, tôi lại lên Google tra những từ cháu nói trong ngày để xem cháu muốn gì. Tôi học Google dịch, nhờ chính con giải thích để học thêm. Dần dần đến năm Chung 4 tuổi, tôi đã ít nhiều hiểu được những câu chuyện của cháu.
- Chung có chịu áp lực gì khi được gọi là "thần đồng"?
Cháu không hề chịu bất kỳ một áp lực nào khi được gọi như vậy. Thậm chí, cháu còn thấy rất vui. Con còn nói "vì con học giỏi nên con xứng đáng được gọi là thần đồng".
- Theo học chương trình tại một trường quốc tế, liệu Chung có được chơi đùa nhiều để không đánh mất tuổi thơ?
Bảo Chung mặc dù theo học trường quốc tế, tuy nhiên tôi không hề ép con phải học ngày đêm. Trái lại, bé luôn được tôi khuyến khích chơi cùng các bạn trong xóm mỗi khi có thể.
Hằng ngày sau khi kết thúc giờ học tại trường và học trực tuyến với giáo viên nước ngoài là Chung lại đi đạp xe với bạn. Nếu không, Chung có thể chơi đá bóng hoặc một trò chơi nào đó trước khi về ăn cơm. Sau bữa tối, Chung có học một lúc rồi lại vui chơi giải trí trước khi đi ngủ.
Bảo Chung bên chiếc xe đạp mới mua để đi chơi cùng các bạn trong xóm.
- Chị có thể chia sẻ một chút về định hướng tương lai của Bảo Chung cũng như dự định, ước mơ của bé?
Bảo Chung rất ham học. Bên cạnh tiếng Anh, cháu còn "trốn" mẹ để học thêm tiếng Trung và Nhật. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, tôi chỉ muốn cháu tập trung để học tiếng Anh cho thật tốt rồi mới chuyển qua các ngôn ngữ khác.
Về ước mơ, tôi không áp đặt cho Chung theo bất cứ nghề nghiệp nào mà để cháu được tự nhiên theo năng lực. Bảo Chung có chia sẻ với mẹ là mong muốn lớn lên sẽ được đi du học để học thêm nhiều kiến thức, biết được nhiều nơi trên thế giới, khám phá nhiều điều thú vị hơn nữa.
- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc chị có thật nhiều sức khoẻ, chúc cho Bảo Chung Ryan ngày càng học giỏi và chăm ngoan.
Vân Anh