Lùm xùm lớn nhất của Lý Nhã Kỳ: Bị nghi học ở trường nuôi dạy... cún, 1 độc giả viết thư tố cáo dài dằng dặc

(Tổ Quốc) - "Tấm bằng của Lý Nhã Kỳ dường như được in trên giấy A4 thông thường, với phần tên của người ký cấp bằng dường như đã bị làm nhòe đi một cách đáng ngờ", độc giả nọ thắc mắc.

Hiện tại, Lý Nhã Kỳ là một trong những tên tuổi lớn của showbiz Việt. Ngoài vai trò diễn viên, cô còn được biết tới với nhiều cương vị như Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2011 - 2012, Phó chủ tịch Liên đoàn xe đạp môtô thể thao Việt Nam (2016), Lãnh sự danh dự của Rumani tại TP. HCM (từ năm 2018),... Ngoài ra, người đẹp Vũng Tàu còn là một doanh nhân thành đạt với khối tài sản khung như: Biệt thự dát vàng có giá trị khoảng hơn 50 tỷ đồng, hàng hiệu, xe sang,...

Thành công là vậy nhưng Lý Nhã Kỳ cũng vướng phải rất nhiều lùm xùm về đời tư, đặc biệt là chuyện học vấn. Theo đó, "bà trùm kim cương" từng 2 lần bị tố về tấm bằng đại học bên Đức, một lần vào năm 2011 và một lần vào năm 2013.

Năm 2011

Ngày 21/9/2011, nữ diễn viên Lý Nhã Kỳ (tên thật là Trần Thị Thanh Nhàn) được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch đầu tiên của Việt Nam. Một cuộc tranh luận lớn đã nổ ra, phản đối gay gắt việc người đẹp Vũng Tàu giữ danh hiệu này.

Theo đó, có nhiều nghi ngờ về vấn đề bằng cấp của Lý Nhã Kỳ. Cụ thể, Lý Nhã Kỳ từng chia sẻ với báo chí về việc mình học ngành Kinh tế tại Đại học Real ở Đức. Tuy nhiên cộng đồng mạng đã tra cứu và đưa ra nhiều bằng chứng, trong đó cho thấy: Đại học Real không có thật. Thực tế chỉ có danh từ Realschule, chỉ trường dạy nghề cấp phổ thông trung học chứ không phải là tên riêng của một trường đại học.

Lùm xùm lớn nhất của Lý Nhã Kỳ: Bị nghi học ở trường nuôi dạy... cún, 1 độc giả viết thư tố cáo dài dằng dặc - Ảnh 1.

Theo những ý kiến này, Giáo dục của Đức phân loại học sinh từ khi hết lớp 4 thành 2 hướng: hệ 10 năm và 12 năm. Hệ 10 năm từ lớp 7 được cho chọn hướng chuyên sâu (tự nhiên/kỹ thuật hay kinh tế/xã hội) để phù hợp với nghề nghiệp sau này. Từ định nghĩa này, học sinh tại trường Realschule sẽ tốt nghiệp sau khi học xong lớp 10, và có thể theo học ở một trường dạy nghề (Fachschule) với hệ 12 năm. Sau khi tốt nghiệp, học sinh tại đây chỉ có thể vào học cao đẳng (Fachhochschule), không thể đi thẳng được vào đại học (Uni). Nếu muốn vào đại học, sinh viên phải có bằng tốt nghiệp ở cao đẳng.

Sau đó, Lý Nhã Kỳ lên tiếng giải thích: "Chính xác, ngôi trường tôi học mang tên Alexander Wiegand. Trường tôi có slogan là "Con người thật - Công việc thật - Hành động thật". Sinh viên chúng tôi gọi tắt tên trường là Real (nghĩa là 'thật'). Từ Real được lấy từ Alexander. 'Er' và 'Al' ở đầu và cuối được đảo ngược, ghép lại thành Real".

Lùm xùm lớn nhất của Lý Nhã Kỳ: Bị nghi học ở trường nuôi dạy... cún, 1 độc giả viết thư tố cáo dài dằng dặc - Ảnh 2.

Thông tin về công ty Wika Alexander Wiegand.

Tuy nhiên, khi tìm kiếm cụm từ "Alexander Wiegand" trên internet, cộng đồng mạng nhận được kết quả ít đến kinh ngạc. Theo tìm kiếm, Alexander Wiegand là tên của một giáo sư Vật Lý ở Đức và có một công ty mang tên Wika Alexander Wiegand. Bên cạnh đó, có một trường học tên Hundeausbildung Alexander Wiegand, địa chỉ tại 99094 Erfurt - Hochheim, ở Hessen, Đức. Tuy nhiên, đây lại là nơi... nuôi dạy chó!

Dù đã lên tiếng giải thích nhưng Lý Nhã Kỳ lại không cung cấp hình ảnh tấm bằng đại học. Cô cho biết, "cây ngay không sợ chết đứng" nên sẽ không tự đưa ra tấm bằng đại học vì không muốn phải chạy theo những đòi hỏi của mọi người. Cô cũng nói thêm: "Đó chính là ngôi trường tôi đã tốt nghiệp và được Bộ Văn hóa và Cục Hợp tác Quốc tế kiểm định, xác nhận. Nếu như lấy cái tên của trường tôi để tìm kiếm trên mạng rồi khẳng định đó là ngôi trường nuôi dạy động vật thì thật vô lý". 

Sau đó, phía Bộ Văn hóa cho biết, đang giữ trong tay bản sao bằng đại học của Lý Nhã Kỳ và trong quy chế lựa chọn Đại sứ Du lịch không nhất thiết phải cần bằng đại học nhưng cần phải có khả năng giao tiếp tiếng Anh. 

Năm 2013

Năm 2013, Cục Hợp tác quốc tế đã công bố tấm bằng Đại học gốc của Lý Nhã Kỳ. Tuy nhiên một độc giả tên Bùi Tú Anh, từng học tại Đức đã chỉ ra một loạt điểm bất thường về tấm bằng này. Theo đó, độc giả này chỉ ra:

1. Thứ nhất, trên bằng ghi rõ Alexander Wiegand Hochschule, DHBW Mosbach. Tuy nhiên như thông tin trước đây, không có cái gọi là Alexander Wiegand Hochschule (trường cao đẳng Alexander Wiegand).

Wika Alexander Wiegand là một công ty sản xuất thiết bị đồng hồ đo áp lực. Công ty này có trường dạy nghề (Fachschule) và liên kết với một số trường đại học (Fachhochschule) để đào tạo dưới dạng vừa học vừa làm cho chính công ty.

Do đó, công ty Wika Alexander Wiegand không thể có chức năng cấp bằng đại học. Bằng phải do trường đại học, cao đẳng cấp. DHBW Mosbach như ghi trên bằng của Lý Nhã Kỳ là một chi nhánh của DHBW - Duale Hochschule Baden-Württemberg, một trường cao đẳng ở Đức.

Tuy nhiên trường DHBW mới chỉ chính thức thành lập vào ngày 1 tháng 3 năm 2009. Tiền thân của trường này trước kia là một trường dạy nghề (Berufsakademie) tên là Staatliche Berufsakademie Baden-Württemberg và kể từ 1/3/2009 mới được chính thức công nhận là Cao đẳng và tuyên bố thành lập.

Nguồn có thể lấy từ wikipedia (http://en.wikipedia.org/wiki/Baden-Württemberg_Cooperative_State_University) hoặc trong trang web mục lịch sử của trường (http://www.dhbw.de/english/about-us/facts-figures.html). Trong khi đó tấm bằng của Lý Nhã Kỳ được ký vào ngày 12 tháng 2 năm 2004.

Kể cả trong trường hợp Lý Nhã Kỳ bị mất bằng, xin cấp lại bằng mới thì với tên trường DHBW thành lập năm 2009 như thấy trên bằng đã công bố, ngày ký quyết định cấp ghi trên bằng chắc chắn không thể là vào năm 2004 mà ít nhất phải sau ngày 1/3/2009 (ngày chính thức thành lập trường).

2. Thứ hai, có một điểm rất đáng ngờ nữa là trên bằng có xác nhận Lý Nhã Kỳ đã đỗ kỳ thi ngày 12/02/2004. Như vậy, ngày thi và ngày ký quyết định cấp bằng trùng nhau. Thông thường, sau khi thi tốt nghiệp phải chờ một thời gian mới có kết quả.

Từ lúc có kết quả cho đến khi được cấp bằng chính thức cũng phải một thời gian nữa ít nhất là từ vài tháng cho tới một năm (trong thời gian chờ đợi, trường có thể cấp cho một giấy chứng nhận đã tốt nghiệp). Chuyện ngày thi tốt nghiệp và ngày cấp bằng trùng nhau là cực kỳ hy hữu, nếu như không muốn nói là không thể có.

Lùm xùm lớn nhất của Lý Nhã Kỳ: Bị nghi học ở trường nuôi dạy... cún, 1 độc giả viết thư tố cáo dài dằng dặc - Ảnh 4.

Bằng tốt nghiệp đại học của Lý Nhã Kỳ.

3. Thứ ba, trình độ tốt nghiệp ghi trong bằng là Diplom-Kauffrau, nếu quy đổi ra hiện tại thì tương đương Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Chương trình học Diplom ở Đức có chuẩn thời gian là 5 năm (thực tế thì lâu hơn, ai trong vòng đúng 5 năm tốt nghiệp là rất giỏi).

Vấn đề là Lý Nhã Kỳ kỳ sinh năm 1982, tại thời điểm tháng 2 năm 2004 cô Kỳ chưa tròn 22 tuổi. Ở Việt Nam mà chưa đầy 22 tuổi đã có bằng thạc sĩ thì có bất thường không? Xin nói thêm rằng ở Đức chương trình học phổ thổng để lên Đại học là 13 năm chứ không chỉ 12 năm như Việt Nam ta.

4. Theo tôi được biết thì cô Lý Nhã Kỳ sang Đức học từ khoảng năm 16-17 tuổi. Đến năm 21 tuổi có bằng Diplom, như vậy không lẽ cô Lý Nhã Kỳ vào học thẳng Cao đẳng ngay?

Với tất cả mọi du học sinh hoặc học sinh Việt Nam sang Đức tiếp tục học tập thì riêng thời gian học tiếng Đức để có thể nghe hiểu thầy cô giảng dạy cần ít nhất 2 năm học tiếng.

Ví dụ như hiện nay, một người tốt nghiệp tú tài ở Việt Nam muốn sang Đức học cao đẳng - đại học thì cần học hết học kỳ thứ nhất tại đại học ở Việt Nam, sau đó lấy bằng B tiếng Đức (cần ít nhất 9 tháng học cấp tốc) rồi xin visa sang Đức, ôn thi tiếng Đức để thi vào trường dự bị cao đẳng, đại học.

Nếu đậu vào trường này sẽ học thêm một năm dự bị để có đủ vốn tiếng Đức để nghe hiểu giảng viên dạy... Nhìn chung người Việt Nam sang Đức học (không phải ở Đức từ bé 3-4 tuổi) thì không thể vào cao đẳng-đại học trước tuổi 20.

Vậy làm thế nào mà cô Lý Nhã Kỳ có được bằng tốt nghiệp Diplom (tương đương thạc sĩ) trước khi tròn 22 tuổi? Cô Lý Nhã Kỳ phải chăng là thiên tài?

5. Trình độ Diplom ở Đức trước 2008 không thể được cấp bởi các trường dưới cấp đại học (Universität), rất ít trường cao đẳng có thể đào tạo Diplom, hơn nữa văn bằng bắt buộc phải ghi chú Diplom (FH) để phân biệt đại học và cao đẳng.

Khác với Việt Nam, trình độ cao đẳng và đại học ở Đức cách biệt ít nhất 2 năm học. Ví dụ có bằng Cử nhân cao đẳng muốn học lên Thạc sĩ đại học cần học 2 năm chuyển đổi, sau đó mới được bắt đầu học chương trình Thạc sĩ - chưa kể bằng Cử nhân phải loại giỏi. Thế nhưng trong bằng của cô Lý Nhã Kỳ ghi rõ là Diplom-Kauffrau, không hề có (FH)...

Lùm xùm lớn nhất của Lý Nhã Kỳ: Bị nghi học ở trường nuôi dạy... cún, 1 độc giả viết thư tố cáo dài dằng dặc - Ảnh 5.

Tấm bằng chuẩn của trường DHBW.

6. Về mặt hình thức, trên tấm bằng của Lý Nhã Kỳ có những lỗi ngữ pháp sơ đẳng mà bất kỳ một văn bản chính thức quan trọng nào cũng không thể phạm phải. Chẳng hạn, trên tấm bằng có ghi: “geboren” (sinh ngày). Phải là “geboren am” (sinh vào ngày), chứ không thể viết thiếu giới từ chỉ thời gian “am”.

Tấm bằng của Lý Nhã Kỳ dường như được in trên giấy A4 thông thường, với phần tên của người ký cấp bằng dường như đã bị làm nhòe đi một cách đáng ngờ.

Thông thường, một tấm bằng tốt nghiệp gốc phải tuân theo mẫu chuẩn và quy định cấp bằng của trường, của Bộ Giáo dục các nước.

So sánh giữa hình ảnh một tấm bằng của trường DHBW tìm được trên Internet, có thể thấy ngay sự khác biệt đáng ngạc nhiên về nội dung và những đặc điểm hình thức của một tấm bằng thật so với tấm bằng của Lý Nhã Kỳ do Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VHTTDL đưa ra công bố trong bài báo mới đây.

Chẳng hạn, trên tấm bằng chuẩn tìm thấy có thể thấy rõ các hoa văn in chìm trên giấy cứng – một đặc điểm thường thấy ở hầu hết các bằng cấp gốc (để tránh dễ bị giả mạo), chứ không phải in trên thứ giấy A4 bình thường như tấm bằng của Lý Nhã Kỳ".

Ông Trần Nhất Hoàng – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến VHTTDL – Cục Hợp tác Quốc tế, người đọc và thẩm định hồ sơ xin ứng cử của Lý Nhã Kỳ ở nhiệm kỳ Đại sứ Du lịch VN đầu tiên cũng như ở nhiệm kỳ thứ hai đang trong thời gian tranh cử sau đó cho biết: "Đây là thông tin mới với tôi. Do vậy chúng tôi sẽ có câu trả lời cụ thể sau. Tuy nhiên trong Quy chế ứng cử Đại sứ Du lịch VN thực sự không đòi hỏi bằng cấp". 

Còn phía Lý Nhã Kỳ sau đó không trả lời báo chí. Năm 2013, do bận nhiều lịch trình cá nhân, người đẹp xin rút khỏi vị trí Đại sứ du lịch.

Thanh Hương

Tin mới