(Tổ Quốc) - Cách đồng hành, quản lý "vừa mềm vừa rắn" của bà mẹ này đã giúp con học online hiệu quả mà không quá nghiện các thiết bị điện tử.
Làm thế nào để con tự giác học, con không chơi điện tử, vào Youtube hay chat chit trong quá trình học online? Đây là câu hỏi không của riêng phụ huynh nào trong giai đoạn việc học của con 100% diễn ra qua màn hình máy tính, điện thoại.
Chị Nguyễn Thị Hồng Liên hiện đang công tác tại trường Tiểu học và THCS Xanh Tuệ Đức (Hà Nội) - một phụ huynh có 15 năm đồng hành "giáo dục tại gia" bán thời gian cho hai con (một bé lớp 10, một bé lớp 7). Chị Liên chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích để đồng hành cùng con học online hiệu quả.
Xác định lại tâm lý
Thứ nhất, là một cái máy tính hay 1 cái điện thoại, ipad có trang bị internet là một công cụ có thể gây nghiện cho bất cứ ai bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ. Do đó, chúng ta phải tự xác định việc chúng ta đưa cho con chúng ta một công cụ có khả năng gây nghiện rồi lại bắt đứa trẻ phải tự học cách kiểm soát một công cụ có khả năng gây nghiện cao đó là quá sai lầm. Một đứa trẻ, nhất là ở độ tuổi cấp 1-2 khi các mục tiêu học tập và tương lai còn chưa rõ ràng thì chúng càng không bao giờ ý thức được việc mình cần phải học.
Do đó, khi con còn học online thì việc bố mẹ, thầy cô phải vất vả hơn học trực tiếp để giúp con có thể học tập được là đương nhiên và hành trình vất vả này sẽ không kết thúc, kể cả khi việc học online đã chấm dứt thì việc để con có thể kiểm soát các thiết bị này cũng không dừng lại.
Vì vậy, mình thay vì bực dọc, mệt mỏi, quát tháo, đánh con thì mình chấp nhận rằng khi mình trao cho con 1 công cụ "nguy hiểm" để học, thì đi đôi với việc học được con sẽ có cực nhiều kỹ năng tốt thì chỉ cần bố/ mẹ lơ đễnh đi 1 chút là con chúng ta sẽ "bị thương".
Đã có 1 vài phụ huynh có trao đổi với mình đợt vừa rồi con phải đi khám tâm lý vì ở nhà và học online nhiều, thêm sự trách mắng của gia đình nên con đã bị trầm cảm, thậm chí có bạn đã bị tổn thương thần kinh khiến chân tay bị run lẩy bẩy, có bạn thì cột sống bị lệch, méo mó đến biến dạng. Thực sự những hệ quả của học online là quá lớn. Và khi đã chấp nhận việc học online là rất khó khăn, mình thấy thương con mình, và do đó mình bình tĩnh hơn để tìm ra chiến lược và giải pháp giúp con vượt qua giai đoạn này.
Giải pháp giúp con học online thành công
Để con học được online hiệu quả, mình đã làm 3 việc.
1. Dành nhiều thời gian hơn với con, bằng cách:
- Tâm sự, nói chuyện, chơi với con vào buổi tối, khi mình đi làm về nhà mình có rất nhiều dụng cụ để cả nhà vui cùng nhau nhiều nhất là sách, truyện tranh để con đọc, các dụng cụ để con có thể làm thủ công, vẽ vời, các bộ cờ, cá ngựa, bóng để đá, bóng rổ, tạ, xà lắp cửa, dây để nhảy, thậm chí tiếp tục cùng con xem các clip chế, clip youtube của con để hiểu con hơn. Khi con học xong là mình cho con ra khỏi nhà đạp xem lòng vòng đến thăm nhà một số bạn chơi, hoặc nếu không đến nhà ai thì chỉ đơn giản là đạp xe đi mua 1 cái gì đó mẹ yêu cầu, ở chỗ rất xa tầm 60p rồi về. Nếu con còn nhỏ không yên tâm thì mẹ cùng con mỗi người 1 xe đi quanh khu.
- Nhà có đủ các loại nhạc cụ như trống tank, đàn guitar, đàn tranh, đàn lyre, đàn piano để các con có thể tập khi buồn. Bản thân chồng mình và mình vẫn đều đều tập nhạc cụ dù tụi mình không hẳn là giỏi chơi đàn.
- Đặc biệt mình có một chú mèo đáng yêu mà con rất thích, từ ngày có em mèo con hai anh rất tập trung vào em, chăm em, nói chuyện, chơi với em nên đỡ việc nhìn vào màn hình.
- Các ngày thứ 7 và chủ nhật mình sẽ đưa con sang nhà bạn bè con, anh chị em họ trong nhà hoặc đưa con đi cắm trại để con có thêm thời gian ở bên ngoài.
- Mình cũng làm con bận rộn bởi các công việc nhà như đi chợ mua đồ siêu thị, gập rút quần áo, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, rửa bát, quét nhà.
2. Lập ra các quy tắc khi sử dụng các thiết bị điện tử
- Mình chia sẻ cho con các bài báo nói về tác hại của trẻ dùng thiết bị điện tử, máy tính mạng quá nhiều và cho con đọc.
- Sau đó thảo luận với con về việc chính vì máy tính và thiết bị điện tử có hại như vậy nên bố mẹ phải kiểm soát và trước khi các con đủ 18 tuổi thì các con không được sử dụng điện thoại và máy tính. Anh lớn lớp 10 thì tự tiết kiệm đủ tiền xin mua thì anh ấy phải có 1 cam kết là cứ khi nào mẹ bảo thu là phải trả điện thoại để mẹ cất đi, phải đọc bao nhiêu quyển sách, phải đạt kết quả học thế nào lúc đó mình mới cho giữ điện thoại. Dù có tự mua hay bố mẹ đưa cho thì bất cứ lúc nào mẹ nói đưa là đưa lại điện thoại cho mẹ. Thi thoảng mình lại nhắc và lại đòi điện thoại, nhất là khi con ăn cơm, hay con nói chuyện với bố mẹ mà không dứt mắt khỏi điện thoại là bị bố mẹ nhắc nhở ngay. Như vậy nhà mình không có khái niệm điện thoại và máy tính là của con mà đó là quyền của bố mẹ, dù có đưa cho dùng cũng có thể tước đi bất cứ lúc nào nếu không thấy con có năng lực kiểm soát được nó.
- Quy định về thời lượng sử dụng nhớ giờ vào lớp, giờ học để cài đặt và quản lý nhắc nhở con sử dụng cho hợp lý.
- Ngoài những cách kiểm soát như vậy mình có cùng các bạn ấy thảo luận thêm những hệ quả mà các con phải nhận khi các con không tuân thủ như tăng các công việc nhà, giảm thời gian chơi game, cắt hẳn không cho học nữa. Lưu ý là hệ quả này chỉ có tác dụng khi bố mẹ luôn đồng hành và có sự kết nối tốt với con thì mình nói con mới nghe và lúc đưa ra hệ quả con mới thấy cần phải thay đổi, chứ một khi đứa trẻ nó không có tình cảm với bố mẹ, luôn bị bố mẹ trách mắng nên có những cảm xúc khó chịu khi ở bên bố mẹ thì hệ quả này không có tác dụng.
3. Quản lý việc sử dụng điện thoại và máy tính
- Để giao tiếp với con mình có lắp 1 cái camera ngoài phòng khách, loại có nói được để mình gọi khi con mải chơi mà quên không xem chat hay nghe máy. Ngoài ra mình có điện thoại của các bà ở cạnh để nhờ bà sang ngó nếu con hết giờ và thu lại máy tính khi cần, và chỉ đưa máy học vào đúng giờ học của con.
- Hiện mình có cài phần mềm Vapu quản lý máy tính, phần mềm chặn hết những trang web đen, những phần mềm game, trang web game, thậm chí có thể chụp màn hình của con liên tục 5p 1 lần và gửi vào email bố mẹ để biết con đang làm gì trên máy. Bản thân Vapu có lưu lại lịch sử vào các trang mạng, do đó, nếu con vào trang nào sau đó xóa ở lịch sử truy cập thì vapu vẫn lưu lại để bạn xem lại, hàng tháng nhờ bên nhà cung cấp kiểm tra và cập nhật web game, các web khiến con mất thời gian và không tập trung học để chặn. Link tải app, phiên bản miễn phí TẠI ĐÂY.
- Ngoài Vapu mình thấy nhiều nhà dùng Qustodio cũng khá tốt. Tuy nhiên, một lưu ý là trẻ con sau 1- 2 tháng thể nào tụi nhỏ cũng tìm cách phá khóa được nên cách cài phần mềm này cần được cha mẹ kiểm tra thường xuyên.
- Hàng tối mình về kiểm tra vở ghi, kiểm tra nhiệm vụ hàng ngày như bài tập, các nhiệm vụ đọc sách xem có nhớ hết nhiệm vụ không, có quên gì không và nếu con chưa hoàn thành thì hỏi nguyên nhân. Tâm sự tháo gỡ vấn đề với con và nghiêm khắc chỉ bảo, nói chuyện để con tiếp tục hành trình học online hiệu quả.
Những lưu ý
Mình cảm thấy đến thời điểm hiện tại thì mình cũng có thể kiểm soát con học tập online tốt hơn với tổng hợp tất cả những hoạt động của mình. Tuy nhiên, trẻ con, được 1 thời gian nghiêm túc rồi con lại sao nhãng, con lại không tập trung học. Con mình thì luôn như vậy kể cả không học online, nên từ khi con 4-5 tuổi đến giờ con 15 tuổi, mình vẫn luôn dành thời gian suy ngẫm, cải thiện cách thức mình giao tiếp, những biện pháp cụ thể để con có sự thay đổi tốt hơn. Có những lúc mệt quá thì mình nghỉ 1-2 tuần để cho khỏe lên rồi lại tiếp tục cuộc hành trình với con cái.
Điều quan trọng nhất của một người bố/ mẹ thành công là dành thời gian vào đúng thời điểm con cần giúp đỡ nhất, đứa trẻ cần người lớn, cần bố mẹ để định hướng, nên không có biện pháp kiểm soát nào tốt hơn việc giao tiếp, nói chuyện nhiều với con, quan sát con.
Đã có lúc mình nghĩ mình sẽ phải nghỉ làm ở nhà nếu mình muốn con mình tiếp tục học online, vì nếu không kiểm soát được việc con học hay khắc phục các vấn đề tâm lí của con thì có thể mình sẽ mất con mình, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa phải nghỉ việc. Thế nên, ai cũng phải trải qua những giai đoạn khó khăn, và khó đến đâu hãy cùng người chồng, người vợ, thầy cô giáo của con ngồi bàn lại giải pháp tổng thể và các quyết định khi cần thiết.
Hạ Uyên