(Tổ Quốc) - Những sai lầm này sẽ dẫn đến nhiều bất tiện, thậm chí là tai nạn trong quá trình sử dụng thang máy tại nhà.
Ngày nay, nhiều hộ gia đình chọn lắp đặt thang máy tại nhà để thuận tiện hơn trong việc di chuyển, đi lại của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là với những ngôi nhà có diện tích lớn, cao tầng.
Tuy nhiên, có những sai lầm khi lắp đặt thang máy tại nhà khiến gia chủ đau đầu trong quá trình vận hành, gây tốn điện, công năng, công dụng của thang không được tối ưu mà còn thiếu an toàn
Sai lầm khi chọn tải trọng thang máy
Khác với chung cư hay các tòa văn phòng cao tầng phục vụ số lượng lớn lên đến hàng trăm người, thang máy lắp đặt tại nhà có lưu lượng và tần suất người đi lại ít hơn, do đó trọng tải từ 350 - 600kg được sử dụng phổ biến nhất. Trong đó:
- Tải trọng 350kg: phù hợp với các gia đình nhỏ 4-7 thành viên và đơn thuần để ở. Loại thang này sẽ giúp tiết kiệm diện tích xây dựng và điện năng tiêu thụ.
- Tải trọng 450kg: phù hợp với gia đình có diện tích mặt sàn lớn, khoảng 80m2 trở lên hoặc có ý định tích hợp cho thuê văn phòng, nhà hàng, cafe… hoặc kinh doanh khách sạn mini, chung cư mini…
Tùy theo số lượng người trong gia đình cũng như mục đích sử dụng, nên chọn thang máy có tải trọng vừa phải, phù hợp. (Ảnh minh họa)
Thang máy trọng tải càng lớn thì sẽ tiêu thụ càng nhiều điện, tốn càng nhiều diện tích. Vì vậy, nếu chọn sai trọng tải thang máy, bạn vừa không sử dụng hết công năng lại gây tốn thêm các chi phí.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn và tính riêng tư, gia chủ xây nhà với chủ đích vừa để ở, vừa cho thuê nên lắp thiết bị kiểm soát thang máy (phổ biến như thẻ từ, vân tay, mật khẩu…) để khóa những tầng sinh hoạt của gia đình.
Sai lầm khi chọn kích thước thang máy
Bên cạnh tải trọng thang máy, gia đình cần lưu tâm đến kích thước thang máy như kích thước giếng thang, chiều sâu hố PIT, chiều cao OH, kích thước cabin và cửa… để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả vận hành.
Bảng kích thước của hố thang máy theo khung tiêu chuẩn Quốc tế. (Ảnh Thangmayapl)
Trong đó, hố thang máy hay còn gọi là hố pit, giúp đảm bảo an toàn cho tình huống thang máy vượt quá hành trình, tránh va chạm cabin khi thang dừng. Nó cũng là nơi lắp các thiết bị như công tắc giới hạn hành trình dưới, đối trọng thắng cơ (phanh cơ khí), giảm chấn,…, là không gian để nhân viên kỹ thuật thao tác khi bảo trì thang máy cũng như sửa chữa về lâu dài.
Nếu kích thước hố không đảm bảo được độ sâu hay chống thấm, thì chắc chắn sẽ gặp vấn đề trong quá trình lắp đặt, từ đó dẫn đến một số sự cố trong thời gian hoạt động.
Thêm vào đó, kích thước thang máy không vừa với hố thang sẽ không thể đưa vào sử dụng, khiến gia chủ mất thời gian và tốn thêm chi phí phát sinh để thay đổi, sửa chữa.
Thông thường, nhà sản xuất sẽ dựa trên kích thước và nhu cầu sử dụng của gia đình để thiết kế thang máy phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, chiều rộng mở cửa chính là điều gia chủ nên ưu tiên quyết định đầu tiên.
Bỏ qua tính năng an toàn
Đừng chủ quan nghĩ rằng thang máy gia đình chỉ dùng cho số lượng người nhỏ nên không cần thiết các tính năng hỗ trợ đảm bảo an toàn. Có những vụ việc hi hữu xảy ra khi thang máy tại nhà gặp sự cố, khiến chúng ta phải suy nghĩ lại.
Một số tính năng an toàn trong thang máy gia đình. (Ảnh Nasa)
Tốt hơn hết, hãy thiết lập, tích hợp các tính năng an toàn cần thiết trong thang máy như hệ thống liên lạc nội bộ, thiết bị khống chế vượt tốc, chống kẹt cửa thang, báo quá tải, bảo vệ khi mất pha, ngược pha, mất điện áp, ngắn mạch, quá dòng,...
Hay phổ biến nhất là hệ thống cứu hộ tự động với mục đích đưa thang máy về tầng gần nhất và mở cửa thang cho người ra ngoài khi mất điện đột ngột.
Các tính năng này sẽ giúp các thành viên trong gia đình yên tâm hơn khi sử dụng thang, phòng tránh các trường hợp xảy ra tai nạn không mong muốn.
Chang