(Tổ Quốc) - Linh đã làm hồ sơ cấp tốc trong vòng 14 ngày. Linh đã chắt chiu từng giây từng phút, nắm bắt cơ hội mỏng manh, với quan niệm nỗ lực hết mình để không phải hối tiếc. Và, "kỳ tích" đã xuất hiện.
Những bộ hồ sơ với IELTS 7, 8 "chấm", thành tích học tập lung linh ai nhìn vào cũng trầm trồ, ngưỡng mộ là "công thức" chung để bắt đầu cho hành trình "săn" học bổng. Tuy nhiên nếu không có được lợi thế đó, đừng nản lòng, bạn vẫn có cơ hội nắm bắt những học bổng mà mình mơ ước. Nguyễn Thị Tuyết Linh, (2002) với bộ hồ sơ 2 KHÔNG đã thành công chinh phục học bổng 75% của BUV (Đại học Anh Quốc Việt Nam) và 50% của Swinburne - hai trường đại học tư thục với học phí vô cùng đắt đỏ.
Linh chia sẻ: "Có lẽ bạn đã từng nghe câu "học bổng chỉ trao cho người phù hợp nhất chứ không phải là người giỏi nhất". Chỉ cần Bình Tĩnh, Tự Tin, bạn sẽ Tỏa Sáng".
Vượt khó học tiếng Anh
"Thành tích học tập của mình thì chắc có lẽ không có gì nổi trội vì đa số phạm vi cấp trường, mình có thi cấp tỉnh môn tiếng Anh 1 lần nhưng bị rớt. Tuy nhiên, mình có niềm đam mê học tập mạnh mẽ nên đã tự học và được học sinh giỏi từ năm lớp 3-10. Năm lớp 11 và 12 do mình có mục tiêu khác và phải đánh đổi nên chỉ được học sinh khá", Tuyết Linh kể.
Ở quê, khó khăn nhất là không có trung tâm tiếng Anh. Năm lớp 10 Linh phải chạy đến trung tâm Cambridge cách nhà khoảng gần 30 phút sau giờ học ở trường để học. Năm lớp 11, Linh xin cha mẹ lên thành phố ở với chị suốt mùa hè cũng chỉ nhằm trau dồi ngoại ngữ. Linh tham gia AIESEC, và đi đến café English club. Cuối năm lớp 12, nữ sinh Bến Tre phải chạy xuống tận tỉnh cách nhà 30 cây số, 5 - 6 ngày một tuần, đều đặn sáng - chiều để học tiếng Anh.
Việc đến với cơ hội học bổng BUV với Linh diễn ra rất nhanh. Ban đầu cô không hề có kiến thức gì về việc du học tại nhà hay học tại các trường quốc tế. Một ngày tình cờ xem livestream một đàn anh đã giành học bổng toàn phần của BUV. Anh ấy bảo cứ tin vào bản thân mình và cho bản thân mình cơ hội để sau này không phải hối hận.
"Mình nhớ hôm mình xem buổi livestream xong mình đã không thể ngủ được vì biết nó là một hành trình gian nan và tốn kém. Mặc dù vậy mình đã quyết tâm theo đuổi luôn vào ngày hôm sau". Linh đã làm hồ sơ cấp tốc trong vòng 14 ngày. Linh đã chắt chiu từng giây từng phút, nắm bắt cơ hội mỏng manh, với quan niệm nỗ lực hết mình để không phải hối tiếc. Và, "kỳ tích" đã xuất hiện.
Hãy tập trung vào BÀI LUẬN
Mặc dù sẽ rất dễ hiểu khi một học sinh xuất sắc về mọi mặt (khả năng học thuật, kĩ năng mềm và hoạt động ngoại khóa…) đạt được giải thưởng cao nhưng Linh cho rằng, bên cạnh đó cũng không thiếu những trường hợp ngoại lệ.
"Ví dụ như mình, một học sinh ở vùng nông thôn, không có thành tích học tập gì nổi trội ngoài GPA hay không đủ IELTS. Thật ra một bộ hồ sơ sẽ được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí như bài luận cá nhân, thư giới thiệu, CV, porforlio, hoạt động ngoại khóa… nơi mà các bạn học sinh thỏa sức tỏa sáng những điểm mạnh của mình thay vì chỉ là những con số khô khan. Chính vì thế có một thành tích học tập khủng là một điểm mạnh nhưng không đảm bảo 100% bạn có thể nhận được học bổng hay không, mà quan trọng ở chỗ là cách bạn thể hiện bản thân mình sao cho phù hợp với đối tượng đang được tìm kiếm của từng học bổng", Linh chia sẻ.
Để chuẩn bị một bộ hồ sơ xứng đáng giành được học bổng từ những trường tư thục đắt đỏ khi không có gì nổi bật, việc bạn cần làm rất nhiều thứ. Nhưng về cơ bản bạn phải chuẩn bị chỉn chu hết mọi phần trong bộ hồ sơ vì phần nào cũng quan trọng. Trong đó, bài luận đóng vai trò đại diện nói lên WHO YOU ARE (bạn là ai), cứu cánh cho các bộ hồ sơ không có điểm học tập nổi trội.
Do vậy, làm thế nào để viết một bài luận mạch lạc, thống nhất, thuyết phục người đọc là điều vô cùng quan trọng. Hãy biến bài luận thành một bức thư tâm sự với ban giám khảo về cuộc đời bạn, ước mơ, khó khăn bạn gặp phải, và khao khát về tương lai tươi sáng. Sau đây là các ý cần lưu ý mà bạn cần nhớ trước khi bắt tay vào bài luận theo kinh nghiệm của Linh.
1. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng
BUV là ngôi trường coi trọng leader skills (kỹ năng lãnh đạo) và tinh thần trách nhiệm cộng đồng, chính vì thế trong bài luận không thể thiếu phần chia sẻ về trải nghiệm hoạt động ngoại khóa mà trong đó bạn làm leader hay founder. Một quá trình mà có mở đầu có khó khăn, diễn biến có gian nan, đứng lên từ thất bại, tiếp tục chiến đấu và kết thúc là những bài học mà bạn chiêm nghiệm được. (Trong bài luận mình đã kể việc thất bại học tiếng Anh vì ở quê nên không có trung tâm tiếng Anh, mình đã phải di chuyển 60km mỗi ngày đi đến được trung tâm và di chuyển lên TP.HCM để tham gia AIESEC).
Bạn cần hiểu rõ điểm mạnh của hồ sơ để lựa chọn loại học bổng thích hợp. Bạn cần nghiên cứu kỹ lưỡng về loại học bổng mình apply, vì mỗi loại học bổng sẽ yêu cầu các yếu tố khác nhau. Ví dụ: Học bổng liên kết địa phương cần GPA cao để cạnh tranh với các bạn trong khu vực, Học bổng Trái tim Sư Tử cần chứng chỉ liên quan đến bất lợi tài chính. Điều này đặc biệt Quan Trọng khi trả lời câu hỏi - Why do you deserve the scholarship?
2. Xây dựng thương hiệu cá nhân
Một bài luận mang đậm tính cá nhân của chính bạn. Mỗi người sẽ có một câu chuyện khác nhau, mà qua đó có thể nêu bật được sự QUYẾT TÂM theo đuổi học bổng chương trình học, thể hiện được PERSONALITY, GOALS và FUTURE COMMITMENT của bạn.
Bạn cần xác định hình ảnh bạn muốn truyền đạt cho ban giám khảo. Ví dụ: Bạn là một học sinh quyết tâm, mạnh mẽ vượt lên sự khó khăn của hoàn cảnh; Bạn là một học sinh thông minh, chăm chỉ đạt được nhiều thành tích cao; Bạn là một học sinh tự tin, năng nổ, và có tinh thần trách nhiệm cộng đồng cao độ. Đây chính là mạch cảm xúc và mục tiêu chính của bài luận. Nó được làm nổi bật qua các hoạt động ngoại khóa. Bạn chỉ nên chọn 1-2 hoạt động nổi trội để nói trong bài luận, giải thích tại sao nó quan trọng với bạn, hoạt động liên quan đến ngành học thì càng tốt. Luôn đặt ra câu hỏi: "Họ đang tìm kiếm gì ở mình".
Cấu trúc sẽ như bài WRITING TASK 2 bao gồm Topic Sentence – Explain - Example. Lưu ý, bạn cần viết càng cụ thể và đi vào chi tiết càng tốt, đưa ra được các dẫn chứng minh họa bằng các việc làm cụ thể bạn đã làm.
Gợi ý cấu trúc của một câu chuyện mạch lạc: SOAR
S - Settings - who what when where why, how. (Ai cái gì khi ở đâu, tại sao, như thế nào)
O - Obstacles- what are some internal and external challenges you encountered. (Một số thách thức bên trong và bên ngoài bạn gặp phải là gì).
A- Actions- what actions did you take to resolve the situation. (Bạn đã thực hiện những gì để giải quyết tình huống này).
R- Results - what was the lesson or the impact of this experience. (Bài học, tác động từ những trải nghiệm).
Chi tiết đắt giá nhất của mỗi bài luận là mạch cảm xúc. Mỗi người sẽ trải qua những sự kiện khác nhau nhưng làm sao để lồng ghép và liên kết chúng lại thành một thước phim về cuộc đời thì khá khó nhằn, nếu không có cảm xúc thì bài luận như bài tường thuật.
3. Tham khảo và trả lời đủ các câu hỏi mà trường gợi ý
Tại sao bạn muốn học tại trường? Lý do bạn xin học bổng? Khóa học và ngành bạn muốn theo học, tại sao? Kế hoạch học tập nghiên cứu cụ thể? Các mục tiêu nghề nghiệp tương lai trong quá trình học và sau khi kết thúc chương trình? Bạn có đóng góp gì cho BUV khi đạt được học bổng...
Mindset - Ý chí kiên cường, tư duy tích cực, niềm tin mạnh mẽ và tự tin là điều cơ bản và quan trọng nhất mà bạn nhất định phải có khi apply học bổng và hòa nhập vào môi trường quốc tế. Và cuối cùng, việc tìm kiếm một mentor (người hướng dẫn) đồng hành cũng vô cùng quan trọng. Người có kinh nghiệm và biết rõ thế nào là một bộ hồ sơ hoàn chỉnh và đưa ra ý kiến khách quan cho bộ hồ sơ của bạn.
"Nhà giả kim có nói: Khi chúng ta thật sự mong muốn làm điểu gì thì vũ trụ sẽ họp sức giúp đỡ bạn. Cho nên có lẽ ước mơ mình gửi gắm vào vũ trụ và nuôi dưỡng bao lâu nay đã phần nào thành sự thật. Mình cảm thấy rất tự hào về bản thân mình. Con đường này làm mình sứt đầu mẻ trán không biết bao nhiều lần những rồi mọi thứ cũng xứng đáng", Linh chia sẻ.
Hạ Uyên