(Tổ Quốc) - Một điều tưởng chừng như đơn giản, ai cũng biết nhưng đôi khi cha mẹ lại vô tình bỏ quên.
Mới đây, thông tin về việc người con trai chôn sống mẹ già bị liệt 79 tuổi làm dấy lên cuộc tranh cãi: Tại sao người mẹ lại bị chôn sống chỉ vì tuổi già không thể chăm sóc bản thân?
Cụ thể, vào chiều ngày 5/5 cảnh sát huyện Tĩnh Biên, Thiểm Tây, Trung Quốc nhận được tin báo từ một người phụ nữ họ Trương nói rằng, chồng mình là ông Mã (58 tuổi) đã đưa mẹ ruột họ Vương (79 tuổi) ngồi xe lăn qua nhà họ hàng từ sáng ngày 2/5 đến nay vẫn chưa thấy về.
Sau khi cảnh sát vào cuộc điều tra, ông Mã thừa nhận đã chôn sống mẹ ruột trong một ngôi mộ bỏ hoang ở khu rừng phía Nam huyện Tĩnh Biên.
Người mẹ già bị chính con trai chôn sống.
Rất may, có một lỗ hổng trong ngôi mộ nên bà Vương sống sót sau 3 ngày bị con trai chôn. Thế nhưng, điều khiến mọi người buồn lòng là khi được giải cứu, bà vẫn lo lắng con trai bị liên lụy. Thậm chí bà còn khẳng định với cảnh sát là tự mình chui xuống mộ, không liên quan gì đến con.
Ở một câu chuyện khác, có người cha đã nhận được bất ngờ từ cô con gái 12 tuổi vào ngày sinh nhật. Vào lúc nửa đêm, người cha nghe thấy tiếng động trong bếp liền đi kiểm tra. Anh thấy con gái 12 tuổi của mình đang nấu nướng trong tâm trạng rất buồn ngủ. Hóa ra, cô bé biết mai là sinh nhật bố mà bố phải đi làm vào 6h sáng rồi tối không về. Cô bé đã dậy nấu cho bố ăn và thổ lộ: "Bố thường ngày làm việc chăm chỉ. Hôm nay là sinh nhật bố nên con muốn nấu mì cho bố".
Khỏi phải nói, ông bố đã ngồi xuống ăn và nước mắt không ngừng tuôn rơi vì quá xúc động. Anh chia sẻ: "Với một đứa con hiếu thảo như vậy, tôi sẽ không phải hối hận vì mình đã làm việc chăm chỉ để lo cho con".
Mặc dù hoàn cảnh, lứa tuổi khác nhau nhưng 2 câu chuyện trên cho thấy: Những đứa con không có lòng biết ơn thì hậu quả thật khủng khiếp và ngược lại là một điều hạnh phúc nhất đời của người làm cha mẹ.
Có một câu hỏi được đặt ra trên mạng xã hội nhận được nhiều quan tâm của mọi người: Nếu sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ không giúp đỡ gì cho sự nghiệp thì bạn có biết ơn không?
Sau nhiều ý kiến, Nhà văn Trương Giai Vĩ (Trung Quốc) đã trả lời: "Cha mẹ nuôi bạn khôn lớn, không bệnh tật, không để bạn gặp thảm họa, không bệnh di truyền, không bị ngạt thở hay tử vong trong xe… Họ đã làm tất cả mọi điều vì bạn. Điều đó đủ thực sự tốt đẹp với bạn rồi".
Câu chuyện xúc động về một thanh niên luôn đến công trường làm việc mỗi kỳ nghỉ hè đã chứng minh điều đó. Em đội mũ rơm, mặc quần áo cũ, ngoại trừ vẻ mặt non nớt thì sự tập trung và chăm chỉ cũng giống như bao người khác ở công trường.
Khi được mọi người hỏi tại sao đang học cuối cấp ở một trường danh tiếng mà vẫn đến đây đi làm, em trả lời: "Em không kiếm được tiền. Mẹ đã vất vả nuôi em. Chỉ khi ở công trường này em mới hiểu được công việc mệt nhọc của mẹ nhiều năm qua".
Vậy nên mới thấy, gia đình hạnh phúc không phải là giàu có, địa vị mà là nuôi dạy một đứa trẻ hiểu lòng biết ơn. Đứa trẻ hạnh phúc nhất không phải có một cuộc sống đủ đầy mà là biết trân trọng mọi thứ mình có.
Để nuôi dưỡng một đứa trẻ hiểu về lòng biết ơn, cha mẹ hãy làm theo 3 điều sau:
Dạy con bằng thực tế và phải làm gương cho con
Mọi người vẫn nói "lời nói và việc làm của cha mẹ là sách giáo khoa tốt nhất cho con cái". Khi giáo dục trẻ, thay vì bắt con nhớ những quy tắc giáo điều thì hãy làm gương cho con noi theo.
Buông tay để cho con được trải nghiệm cực khổ
Cha mẹ không thể lo lắng, bảo vệ con mình suốt đời. Vì vậy hãy cho con thấy mồ hôi công sức của mình và để con hiểu rằng việc nuôi dạy chúng là điều không hề dễ dàng. Hãy buông tay để cho con trải nghiệm khó khăn và biết trân trọng hơn những gì đang có.
Lòng biết ơn trở thành nghi thức trong gia đình
Cha mẹ hãy để lòng biết ơn trở thành nghi thức trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như con cảm ơn cha mẹ đã nấu cho bữa ăn ngon, chào người lớn tuổi khi rời khỏi bàn ăn…
Mặc dù đây là những điều đơn giản nhưng được tích lũy theo thời gian thì lòng biết ơn sẽ trở thành thói quen, ăn sâu vào tâm trí của con.
Là cha mẹ, có thể bạn không cho con được sự giàu có và địa vị nhưng có thể cho con hạnh phúc lâu dài.
Theo Sohu
Tào Nga