(Tổ Quốc) - Không khí ô nhiễm nên người dân được khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa nhà, trong trường hợp bắt buộc ra ngoài phải luôn đeo khẩu trang chống được bụi mịn, nhất là tại các điểm quan trắc ở ngưỡng tím và nâu.
Sáng 13/12, theo số liệu của hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty cổ phần Tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý) và Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ), hơn 50 điểm quan trắc tại Hà Nội đã chuyển sang màu tím - mức rất có hại cho sức khỏe.
Không khí Hà Nội tiếp tục ở mức ô nhiễm nặng, rất có hại cho sức khỏe. Thực hiện: Kingpro
Đặc biệt, tại hai điểm quan trắc ở Hà Nội là Đức Thắng (Bắc Từ Liêm) và PAM Farm-Vân Côn (Hoài Đức), chỉ số AQI lên ngưỡng nâu 319 và 324, mức nguy hiểm cho sức khỏe. Các điểm quan trắc còn lại đều ở mức đỏ - mức có hại cho sức khỏe với chỉ số AQI hầu hết cao trên 180.
Hình ảnh được chụp từ ứng dụng PAM Air vào khoảng 9h30' sáng nay cho thấy rất nhiều điểm quan trắc tại Hà Nội chuyển màu tím - mức rất có hại cho sức khỏe.
Thậm chí, theo số liệu của hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ trang AirVisual vào lúc 9h29' sáng nay còn xếp Hà Nội là TP ô nhiễm thứ 2 trong các điểm quan trắc trên toàn thế giới.
Ảnh chụp màn hình từ trang Air Visual.
Cũng theo trang quan trắc Air Visual, chỉ số chất lượng không khí theo ngày của Hà Nội cho thấy sáng 13/12 đã đạt đỉnh ô nhiễm trong khoảng 1 tháng trở lại đây ở Hà Nội (từ 14/11 đến 13/12).
Cột màu tím cho thấy chỉ số chất lượng không khí được ghi nhận tại Hà Nội vào ngày 13/12, ô nhiễm nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây (từ 14/11 đến 13/12)
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tùng - Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho hay, tình trạng này diễn ra gần 1 tuần nay và ở một số nơi khác, không riêng gì Hà Nội.
Ông Tùng chia sẻ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đầu tiên là do yếu tố thời tiết mùa đông, thiếu ánh nắng mặt trời nên không khí khá u ám.
Nguyên nhân thứ hai là do việc các nguồn ô nhiễm không giảm. Ô nhiễm từ các công trình xây dựng, khí thải của xe máy ô tô, đốt rơm rạ, rác thải ở các làng nghề vẫn còn nhiều nên dẫn đến không khí bị ô nhiễm.
Trong ngày, buổi sáng là lúc không khí ô nhiễm nhất. Bởi xe cộ đi lại rất cao, không có ánh nắng mặt trời, nhiệt độ thấp nên tích tụ bụi mịn rất cao. Tình trạng ô nhiễm giảm dần khi càng về trưa.
Theo ghi nhận, đến 10h sáng nay, nhiều tuyến đường tại Hà Nội vẫn còn mù mịt, ảnh hưởng đến tầm nhìn, giao thông đi lại của người dân.
Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa nhà, trong trường hợp phải ra ngoài luôn đeo khẩu trang chống được bụi mịn, nhất là tại các điểm quan trắc ở ngưỡng tím và nâu.
Bình An