(Tổ Quốc) - Những sai sót không sửa chữa như một quả bom hẹn giờ găm vào người, một ngày nào đó sẽ khiến đứa trẻ phải gánh chịu hậu quả.
Cách đây một thời gian, một đoạn video được truyền tay và nhận nhiều sự chú ý.
Cô bé 6 tuổi và gia đình đang ngồi trong bàn ăn, bé lúc nào cũng lắc đầu, vẻ mặt khó chịu và miệng thì la lối. Một lúc sau, cô bé nói rằng không muốn ăn, đồng thời nhấn mạnh: "Không ai được phép ăn tôm, đều là của con!".
Cơm trong miệng không chịu nuốt nhưng đứa trẻ vẫn cứ trò chuyện rôm rả. Ăn được nửa bữa, cô bé rời bàn đi tìm đồ ăn nhẹ rồi nằm trên mặt đất và ăn một cách thích thú.
Cha mẹ cô bé ở bên xem nhưng không nói lời nào khiển trách, họ mỉm cười nhìn những trò nghịch ngợm cố ý của con mình. Nhiều người xem video cho rằng: Cha mẹ luôn nghĩ con nhỏ không biết gì, nhưng thực chất cách chiều con này có thể đẩy đứa trẻ vào một tương lai tăm tối.
Dù yêu thương con cái là bản năng, nhưng trách nhiệm của cha mẹ là phải đặt ra những quy tắc. Một đứa trẻ sẽ trở thành người như thế nào khi lớn lên thường ẩn chứa trong sự giáo dục mà đứa trẻ nhận được khi còn nhỏ.
Điều đáng lo ngại nhất là nhiều cha mẹ phớt lờ khi nên có trách nhiệm
Vào đầu tháng 5, một mẩu tin trên báo cũng rất đáng suy ngẫm.
Tại Disneyland Thượng Hải, một cậu bé nhìn thấy chú gấu Pooh do một nhân viên đóng vai đã lao tới đấm vào bụng nhiều lần. Nhân viên bên cạnh nhìn thấy vội vàng ngăn cản đồng thời tìm phụ huynh của đứa trẻ. Tuy nhiên, người cha nói một cách bình thản: "Trang phục sẽ không bị hỏng, vậy tại sao anh phải làm khó cho bọn trẻ?".
Sao nhí Vương Dật Hân trong phim Người tình vịnh cá heo tuy còn nhỏ nhưng kỹ năng diễn xuất vào loại bậc nhất. Tuy nhiên, khi lớn lên, anh ta bị kết án 17 năm tù vì giết người.
Từ nhỏ, cha mẹ cậu đã thiếu kỷ luật, đến tuổi vị thành niên, con trốn học và hút thuốc, cha mẹ làm ngơ. Nhìn thấy con chơi trò chơi thoát y quy mô lớn với người hâm mộ, phụ huynh cũng xem như không có gì nghiêm trọng. Sau khi những video khiếm nhã này bị phanh phui, người bố thậm chí còn dằn mặt rằng người hâm mộ dụ dỗ con trai họ.
Sự bảo bọc của cha mẹ khiến cậu bé ngày càng sa sút. Sau đó, cậu không chỉ hút thuốc, uống rượu và đánh nhau mà còn tham gia vào băng nhóm xấu và bị tình nghi sử dụng ma túy. Cuối cùng thì vào tù, ở những năm của tuổi hai mươi, lẽ ra là quãng thời gian đẹp nhất cuộc đời.
Một đứa trẻ mà cha mẹ không muốn kỷ luật, một ngày nào đó sẽ có người khác giáo dục con hộ bạn
Đằng sau những đứa trẻ mọi chuyện đều làm theo ý mình, không quan tâm đến người khác thường là sự hỗ trợ vô kỷ luật của cha mẹ. Một đứa trẻ mà cha mẹ không muốn kỷ luật, một ngày nào đó sẽ có người khác giáo dục con hộ bạn.
Trước đó, có một cậu bé quậy phá điên cuồng ở cửa hàng thức ăn nhanh khiến cửa hàng trở nên nhốn nháo. Bé không chỉ ném cốc sữa xuống đất mà còn nhảy lên bàn, chỉ vào nhân viên bán hàng và quát mắng. Trong suốt quá trình, cha mẹ của đứa trẻ không đứng lên ngăn cản.
Sau đó, một khách hàng trong cửa hàng nhìn thấy nên đã lao lên, lôi cậu bé và ném ra ngoài cửa hàng.
Tác giả Jenny Elim đã nói: "Những khuyết điểm ở trẻ em không có gì ghê gớm. Điều đáng sợ là các bậc cha mẹ, những người đóng vai trò dẫn đầu trong cuộc sống của con cái lại thiếu quan niệm đúng đắn về giáo dục gia đình và phương pháp dạy con".
Cha mẹ cứ vì thương mà nhường nhịn chứ không ai nói cho con cái biết hành vi của chúng là sai. Đây không phải là tình yêu đích thực mà là đẩy đứa trẻ đến bờ vực thẳm. Cha mẹ có thể nuông chiều con cái, nhưng xã hội sẽ không làm điều tương tự.
Trước khi một đứa trẻ trở thành "thảm họa", nó thường mắc phải vô số sai lầm nhỏ. Những sai sót không sửa chữa như một quả bom hẹn giờ găm vào người, một ngày nào đó sẽ khiến đứa trẻ phải gánh chịu hậu quả. Những đứa trẻ ngỗ ngược, dù chúng có giỏi đến đâu cũng không thể tiến xa.
Những sai sót không sửa chữa đó như một quả bom hẹn giờ găm vào người, một ngày nào đó sẽ khiến đứa trẻ phải gánh chịu hậu quả. Những đứa trẻ ngỗ ngược, dù chúng có giỏi đến đâu cũng không thể tiến xa.
Nếu cha mẹ không giáo dục con cái ngay từ bây giờ, họ sẽ phải dùng tương lai của con mình để trả nợ những "quy tắc" trong cuộc sống.
Reagan, cựu tổng thống Hoa Kỳ, đã bí mật đốt pháo trái phép bên cầu khi mới 11 tuổi. Một người dân đã gọi cảnh sát. Cuối cùng, cảnh sát chỉ có thể gọi điện cho cha cậu và để ông nộp phạt 12,5 đô la. Người cha đã rất tức giận, không chỉ vì số tiền lúc đó không phải là một khoản nhỏ mà còn vì đứa con đã làm phiền.
Mặc dù cuối cùng vẫn trả tiền phạt, nhưng ông đã nói với Reagan một cách rất nghiêm túc: "Gia đình có tiền, nhưng lần này bố không đưa cho con được, con nên chịu trách nhiệm về sự sơ suất của mình. Bố sẽ cho con mượn tạm thời 12,5 đô la, nhưng con phải trả lại trong vòng một năm!".
Để trả nợ, Reagan chỉ có thể vừa đi học vừa đi làm kiếm tiền. Vì sức yếu, cậu bé chỉ có thể vào quán rửa bát hoặc nhặt phế phẩm. Reagan đã phải chịu đựng rất nhiều trước khi tiết kiệm được tới 12,5 đô la và trả lại cho cha mình.
Sau đó, Reagan trở thành tổng thống. Ông đã viết trong hồi ký của mình: "Thông qua lao động của mình để gánh chịu lỗi lầm, tôi hiểu trách nhiệm là gì".
Lý Mai Cẩn, một chuyên gia về tâm lý tội phạm vị thành niên, đã từng nói: "Trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 6, phải tu dưỡng tính cách. Cái gọi là tu dưỡng tính cách chính là đặt ra quy tắc cho trẻ em. Điều quan trọng nhất là cha mẹ phải lưu ý khi con còn nhỏ đó là khi nghiêm thì phải nghiêm".
Tương lai đứa trẻ sẽ đứng ở đâu, không phải quyết định bởi sự chăm sóc của cha mẹ mà là sự kỷ luật để trẻ hiểu nội quy là gì và tuân theo quy tắc như thế nào để phân biệt được đúng sai. Đây chính là "chiếc ô che chở" hữu ích nhất để các em nắm vững tương lai của mình.
Hiểu Đan