(Tổ Quốc) - Nghe thì rất buồn cười nhưng đứng về mặt khoa học thì trẻ càng lớn, càng có sự phát triển về não bộ, nhận thức và hành vi thì lại càng hay... nói dối.
Hai vấn đề: "con nói dối" và "hù dọa con" tưởng như là 2 chuyện không liên quan, nhưng thực tế chúng có mối quan hệ nguyên nhân và hệ quả mật thiết.
Hẳn nhiên hầu hết các bậc làm cha mẹ không ai muốn con mình nói dối, nhưng thực tế trẻ con càng lớn càng nói dối nhiều, đôi khi nói dối trắng trợn làm người lớn không thể ngờ. Câu hỏi đặt ra là:
– Trẻ nhỏ nói dối có phải do lỗi của người lớn, do cha mẹ dạy con chưa tốt không?
– Có nhất thiết phải làm mọi cách để ngăn chặn tận gốc việc nói dối của con không?
Về vấn đề này, parentcoach Nguyễn Tú Anh có lý giải giúp cha mẹ hiểu hơn về hành vi nói dối ở trẻ nhỏ:
1. Trước tiên, cha mẹ cần hiểu đúng về hành vi nói dối ở trẻ nhỏ
Trong một buổi phỏng vấn với bác sĩ tâm lý Kang Lee (University of Toronto – chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý nói dối ở trẻ nhỏ), cho biết:
Có 3 kiểu nói dối thường gặp ở trẻ nhỏ:
- Dạng đầu tiên phổ biến nhất là nói dối để che dấu lỗi lầm, từ lỗi nhẹ đến lỗi nặng.
Parent coach Nguyễn Tú Anh cho rằng: "Liệu có phải vì con hay bị la mắng, khiển trách, và kỷ luật quá nhiều, dẫn đến việc dần dà về sau, bất cứ khi nào phạm lỗi, dù là lỗi nhỏ, con cũng hình thành phản xạ nói dối để được "yên thân" hay không?".
Những lời nói dối kiểu này con không tự nhiên biết sáng tác ra, mà con học được từ người lớn trong các giao tiếp xã hội. Ví dụ phổ biến: ở văn hóa Châu Á, chúng ta được dạy phải biết KHIÊM TỐN, KHIÊM NHƯỜNG. Nếu có lỡ xuất sắc hay giỏi giang quá thì cũng không nên nhận hết về mình, vì như vậy là TỰ KIÊU, TỰ ĐẮC. Cố gắng đừng trở nên quá khác biệt hay quá nổi bật trong một tập thể.
- Dạng nói dối thứ ba, theo Bs Kang Lee gọi là Blue lies – là kiểu nói dối vì bầy đàn, với mục đích che dấu sự thật vì lợi ích chung của tập thể.
Ví dụ: trường tổ chức thi đánh cờ, đội của con có một bạn ăn gian nhưng cuối cùng cả đội đã thắng cuộc, thay vì thú nhận sự thật với trọng tài hay đối phương, thì con chọn im lặng luôn với lí do chiến thắng và sự cố gắng của toàn đội.
Việc nói dối có phân biệt giàu nghèo/ trình độ/ tính cách không?
Theo chị Nguyễn Tú Anh cho biết: "Nói dối không phân biệt trình độ, giai cấp hay địa vị xã hội, văn hóa hay tôn giáo. Dù cho gia đình dễ dãi hay nghiêm khắc, thì ai cũng nói dối ít nhiều trong đời, để che dấu lỗi lầm của bản thân. Tính khí của con trẻ (ôn hoà, nhạy cảm, cáu kỉnh…) cũng không quyết định việc con nói dối nhiều hay ít".
Vậy điều gì quyết định việc nói dối của trẻ nhỏ?
- Sự phát triển não bộ và nhận thức của con: Khi nhỏ xíu, con chỉ biết A là A và B là B. Nhưng khoảng từ 2 tuổi trở lên, con dần hình thành được ý niệm là: nếu con biết bố mẹ không biết về sự việc A, con có thể nói dối để nó thành B, và làm cho bố mẹ tin. Đây là một bước tiến về nhận thức của trẻ bắt đầu từ độ tuổi lên 2, một số trẻ biết nói sõi đã bắt đầu biết nói "xạo xạo".
- Sự phát triển về kiểm soát hành vi của con: Khi con càng lớn, khả năng kiểm soát hành vi của con ngày một tốt hơn, con có thể điều khiển được nét mặt, ngôn ngữ cơ thể, biết diễn đạt và thể hiện tốt hơn; nói dễ hiểu là càng khôn hơn thì con càng sớm biết nói dối, và nói dối giỏi hơn.
Người lớn chúng ta thường đánh đồng rằng nói dối là xấu, là hư, là không tốt. Nhưng khoa học bảo rằng trẻ càng thông minh, lanh lợi thì càng hay nói dối. Một em nhỏ không nói dối tí nào, hẳn là có vấn đề gì đó.
Con nói dối thì có đáng lo không?
Trẻ con nói dối là điều bình thường, hết sức bình thường. Với hành vi dối để che đậy lỗi lầm của bản thân: 30% trẻ 2 tuổi sẽ nói dối, 50% trẻ 3 tuổi sẽ nói dối, và tới 4 tuổi thì 80% trẻ sẽ nói dối. Từ 4 tuổi trở đi thì hầu như trẻ em nào cũng biết nói dối.
Với kinh nghiệm 20 năm nghiên cứu của mình, tôi thấy chỉ có khoảng 50% số lần bố mẹ phát hiện con mình nói dối. Thật là một cú lừa ngoạn mục. Việc bố mẹ có phát hiện được con nói dối hay không "hên-xui" như thẩy đồng xu. Bản chất việc nói dối ở trẻ nhỏ không xấu, nếu xét về phương diện phát triển nhận thức của con.
Tuy nhiên việc con nói dối nhiều và bố mẹ không kiểm soát được sự thật, thì sẽ có nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Bởi vì bản thân con vẫn là một đứa trẻ, chưa hiểu biết hết tất cả các khái niệm về an toàn, nguy hiểm, rủi ro, hay nguy cơ bị xâm hại.
Nếu hành vi nói dối diễn ra quá nhiều, quá lâu và quá thường xuyên, nó sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhận thức và hành vi đạo đức của con khi lớn lên như: thích gây sự, trộm cắp, và các hành vi phạm pháp khác.
2. Những việc bố mẹ cần làm
Vậy làm thế nào để hạn chế việc nói dối dần trở thành hành vi đem đến những hệ lụy nghiêm trọng? Parent coach Nguyễn Tú Anh sẽ mách cha mẹ 1 vài cách hiệu quả sau đây:
- Không nhất thiết phải ngồi giảng giải với con về tầm quan trọng của việc trung thực, hay tác hại của việc nói dối. Việc giải thích này hoàn toàn không có tác dụng gì cả. Kể chuyện chú người gỗ Pinocchio mũi dài hay chú bé chăn cừu suốt ngày lừa có chó sói cũng là vô ích.
Để khuyến khích con nói thật, bố mẹ hãy:
- Không trừng trị nặng nề con khi phát hiện con nói dối. Càng làm con sợ hãi, bản năng tự bảo vệ và che dấu lỗi lầm (nói dối cũng là một lỗi lầm) của con càng tăng cao, và con sẽ càng nói dối nhiều hơn.
- Chính bố mẹ và người lớn trong nhà phải thể hiện bản thân luôn nói thật trước mặt con. Hãy chủ động nhận lỗi khi mình mắc sai lầm (làm đổ nước, làm vỡ ly chén,..) để con biết rằng ai cũng mắc lỗi, và phải biết rút kinh nghiệm.
- Hạn chế mắng mỏ to tiếng ngay khi con làm sai. Con cũng có quyền được mắc lỗi và con cần học cách rút kinh nghiệm, cùng bố mẹ dọn dẹp sau khi mắc lỗi.
- Khi phát hiện con nói dối, bố mẹ hãy truyền đạt thông điệp "bố mẹ biết con đang nói không thật đó nhé" bằng những cách nhẹ nhàng, tích cực và sáng tạo nhất có thể. Đối với lứa tuổi càng nhỏ thì hãy thể hiện thật vui vẻ, có thể pha chút trêu ghẹo con; với lứa tuổi lớn dần thì hãy truyền cho con thông điệp là nói dối không làm cho mọi việc tốt hơn.
- Đối với trẻ từ khoảng 4 tuổi trở lên, bố mẹ có thể yêu cầu con HỨA sẽ luôn luôn nói thật với bố mẹ. Và bố mẹ có thể đọc những câu chuyện đề cao sự thành thật như truyện 'George Washington and the cherry tree".
Với thực trạng trong các gia đình ở Việt Nam, chị Nguyễn Tú Anh cho biết thường thấy người lớn (nhất là người lớn tuổi), nên ngưng ngay việc hù dọa để buộc con phải nghe lời. Hù dọa và nói dối con dường như là một thói quen truyền đời qua bao nhiêu thế hệ:
- Hù dọa ông kẹ, ông ba bị đến bắt con đi nếu con không ngoan.
- Chú râu xồm đến mắng con vì con không chịu ăn.
- Nếu con không ăn/ không ngủ bố mẹ sẽ không thương con nữa.
- Bịa chuyện con gián con sâu đến cắn con vì con hư.
Người lớn ơi, đừng hù dọa và mang đến cho con những nỗi sợ không có thật, vì đến một ngày khi con có đủ nhận thức để hiểu rằng người lớn rất hay nói dối, thì con sẽ nghĩ rằng con cũng có quyền nói dối y như vậy!
Tú Anh Nguyễn là tác giả sách nuôi dạy con: "Làm mẹ rất vui" và "Hiểu con để dạy con tích cực". Với chuyên môn trong lĩnh vực Tâm lý học trẻ em, công việc của chị là Parent Coach – Chuyên gia tư vấn phụ huynh với chứng chỉ từ Academy for Coaching Parents International (ACPI); đồng thời là Certified Positive Discipline Parent Educator – Chuyên gia đào tạo phụ huynh về dạy con tích cực với chứng chỉ được cấp bởi tổ chức Positive Discipline Association.
Là mẹ của hai bạn nhỏ, sống tại TP.HCM, chị Tú Anh đã sáng lập dự án Happy Parenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học, hỗ trợ để các phụ huynh có thể trở thành cha mẹ tích cực, vui vẻ trong chặng đường nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Tú Anh mong muốn có thể đồng hành cùng các bậc cha mẹ tạo nên một hành trình khôn lớn cùng con đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui.
Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Tú Anh Nguyễn TẠI ĐÂY.
Trang Anh