(Tổ Quốc) - "Đừng đánh giá thấp nỗi sợ hãi và lo lắng của tuổi thơ, chúng sẽ đồng hành cùng con người trong suốt cuộc đời".
Nhiều phụ huynh có con nhỏ thường chia sẻ rằng đứa trẻ không dám ở một mình vì sợ bóng tối nên khi ngủ phải có thêm người hoặc bật đèn. Chúng luôn nghi ngờ rằng có những con quái vật đang ẩn náu trong những góc vô hình đó, sau rèm cửa và trên nóc tủ.
Tại sao trẻ con lại sợ bóng tối và "ma"?
Một người mẹ kể trên diễn đàn rằng, chị không hiểu tại sao con luôn có những ám ảnh về ma hay bóng tối. Mãi cho đến một ngày, chị mới biết hai đứa trẻ từng lén dùng điện thoại của bố và xem phải một đoạn phim kinh dị.
Thực tế, ngoài việc bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh kinh dị trong phim ảnh thì đặc điểm sinh trưởng của trẻ và môi trường xung quanh cũng có thể gây ra tình trạng này.
1. Trẻ có trí tưởng tượng phong phú và nhạy bén. Piaget, nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ cho biết, ở trẻ 2-3 tuổi có một hiện tượng tâm lý độc đáo, đó là thuyết vật linh. Trong thời kỳ thuyết vật linh, trẻ em nhìn thấy mọi thứ sống động, vì vậy chúng nói chuyện với đồ chơi.
Chính vì điều này, trẻ em trong giai đoạn này rất giàu trí tưởng tượng. Chúng sẽ tưởng tượng một chiếc bàn hoặc chiếc ghế trong bóng tối như một con quái vật có răng và móng vuốt. Chúng sẽ là "đạo diễn" cho một bộ phim kinh dị trong tâm trí của mình.
Một người mẹ từng kể nhà mình có một bể cá lớn, ban đêm yên tĩnh, nghe rõ tiếng máy bơm ôxy nhưng tiếng động này khiến con trai cô sợ hãi vô cùng. Cậu bé luôn nghĩ rằng âm thanh này là do một con quái vật trong bể cá tạo ra, và bé nhất định sẽ bị ăn thịt nếu ra ngoài vào ban đêm. Trong bóng tối, đứa trẻ càng sợ hãi và tưởng tượng.
2. Bị bố mẹ dọa cho hoảng sợ. Người ta nói rằng trẻ con không biết gì và không biết sợ, đôi khi, sự sợ hãi của chúng xuất phát từ sự cố ý của cha mẹ. Một đứa bé rất nghịch ngợm, khi được mẹ đưa đến quảng trường chơi, nếu không để ý bé sẽ chạy khuất tầm mắt ngay lập tức.
Để tránh cho con chạy lung tung, mẹ cậu bé đã nói dối: "Con phải chơi ở nơi có ánh sáng. Đừng đi sau những bụi cây. Ở đó có những con quái vật, chúng sẽ bắt con đi". Thủ thuật này thực sự hiệu quả, và đứa trẻ không bao giờ chạy lung tung.
Khi đi chơi, nhất là ở những nơi thiếu ánh đèn đường, bé đang khoác tay mẹ, nhìn xung quanh, ánh mắt sợ hãi. Nhưng sau đó, bé không dám đi đến bất kỳ nơi tối tăm nào vì sợ, ngay cả những ngày mưa, khi vào làm bài tập trong phòng cũng phải có người ngồi cùng.
Cha mẹ khiến con cái sợ hãi và họ có thể nhận được hiệu quả nhanh nhất là ngăn chặn bọn trẻ trong thời gian ngắn, nhưng điều này lại phá hủy sự an toàn bên trong của trẻ.
Trẻ em sợ bóng tối là chuyện bình thường, theo khảo sát hơn 90% trẻ em có mức độ sợ hãi khác nhau. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ rất sai lầm khi đối phó với chứng "sợ bóng tối" của trẻ.
Trên Zhihu, một cư dân mạng nói rằng anh ấy sợ bóng tối và ma từ khi còn nhỏ. Nhưng khi nói chuyện với bố mẹ, điều anh nhận được không phải là sự an ủi mà là sự chế giễu, miệt thị.
Bây giờ đã ngoài ba mươi tuổi, tuy đã lớn nhưng anh vẫn rất sợ bóng tối. Vào ban đêm chỉ cần vợ con không có ở nhà anh ấy sẽ bật hết đèn và TV.
Khi một đứa trẻ nói rằng nó sợ "ma" hay bóng tối, phản ứng của cha mẹ là rất quan trọng:
1. Đừng nói những lời vô ích. Một câu vô dụng nhất chính là hỏi trẻ: "Làm gì có chuyện mà phải sợ?". Cha mẹ than phiền kiểu này không những không loại bỏ được nỗi sợ hãi trong lòng đứa trẻ, mà còn khiến đứa trẻ không còn tin tưởng vào cha mẹ. Sau này, khi gặp những chuyện khiến con sợ hãi, con sẽ không còn nói với cha mẹ nữa mà sẽ âm thầm chịu đựng.
2. Không dán nhãn cho đứa trẻ. Có một hiệu ứng gọi là Ungermarie trong tâm lý học, có nghĩa là khi một đứa trẻ nhận ra một loại gợi ý nào đó về mặt tâm lý, nó sẽ "tiến lại" gần hình ảnh được gán ghép đó. Dễ dàng dán nhãn cho trẻ là "hèn nhát" và các nhãn khác, điều này sẽ khiến trẻ trong tiềm thức nghĩ rằng mình là một người như vậy, và dần dần trẻ có thể thực sự trở thành một kẻ hèn nhát và lớn lên thành một người tự ti.
3. Không "lấy độc trị độc". Một số phụ huynh không sợ bóng tối, cho rằng con mình không mạnh mẽ, giả vờ. Để khắc phục tâm lý này, họ cố tình ném con vào phòng tối, cho rằng con sẽ thích nghi. Cách làm này đã làm trầm trọng thêm nỗi sợ hãi trong lòng đứa trẻ.
Khi trẻ nói rằng mình sợ, cách hiệu quả nhất là ở bên cạnh trẻ. Sự đồng hành của cha mẹ không chỉ có thể xây dựng sự an toàn bên trong của trẻ, mà còn giúp trẻ thiết lập một thái độ giao tiếp tốt. Hãy nói về sự bối rối đã xảy ra khi bố và mẹ còn nhỏ. Hãy cho đứa trẻ hiểu rằng không phải chỉ có một mình con sợ bóng tối để trẻ bình thường hóa nỗi sợ này.
Bên cạnh đó, bố mẹ có thể sử dụng một số phương pháp nhỏ để giúp trẻ đối mặt với nỗi sợ hãi của mình. Bởi trên thực tế, so với người lớn, nỗi sợ hãi của trẻ em được loại bỏ tốt hơn.
Một người kể, năm ngoái, đứa con trai 6 tuổi của bạn thân mình không dám ở một mình trong phòng, sợ tối sẽ nằm mơ, thỉnh thoảng nghe âm thanh lạ bảo là ma. Dù người bạn thân có giải thích thế nào với cậu con trai thì đứa trẻ cũng không tin, vẫn sợ hãi.
Cuối cùng, để con trai có thể vượt qua nỗi sợ hãi này cô đã nghĩ ra một cách. Cô vẽ các con ma và cho trẻ tô màu và trang trí. Nhìn bộ dạng con ma trên tờ giấy này cũng không có gì đáng sợ mà còn có chút buồn cười, cậu bé vui vẻ, sau đó còn bảo chưa từng nói sợ ma.
Thực ra, quá trình vẽ tranh là quá trình vượt qua nỗi sợ hãi của trẻ, khi nỗi sợ được "hiện thực hóa" trước mặt trẻ một chút thì trẻ sẽ không sợ hãi như vậy nữa.
Ngoài việc vẽ, bạn cũng có thể sử dụng một số công cụ như mua các cuốn sách về đề tài này nhưng có cốt truyện hài hước cho các bé hiểu rằng "quái vật" ở đây không phải để ăn thịt người, mà là rất dễ thương.
Tác giả và họa sĩ minh họa sách ảnh văn học nổi tiếng dành cho thiếu nhi Maurice Sandak đã nói: "Đừng đánh giá thấp nỗi sợ hãi và lo lắng của tuổi thơ, chúng sẽ đồng hành cùng con người trong suốt cuộc đời".
Khi trẻ đối mặt với nỗi sợ hãi, điều hạnh phúc nhất là cha mẹ ở với cạnh và nói với con: "Đừng sợ, bố/mẹ đang ở đây". Câu nói này sẽ ăn sâu vào tim con, cho con dũng khí đối mặt với những điều khiến con hoang mang, lo sợ nhất.
Hiểu Đan