(Tổ Quốc) - "Trẻ nhỏ thực ra giống như một chiếc máy photocopy", hot mom Tia Liêu chia sẻ.
Nhận thấy tầm quan trọng của tiếng Anh, nữ giám đốc bar 1900 Tia Liêu (Liêu Thủy Tiên, sinh năm 1988) quyết định cho con học song ngữ từ nhỏ. Hiện tại, cả 3 nhóc tì nhà chị là Miu, Moon, Mon đều có khả năng giao tiếp, sử dụng song ngữ một cách tự nhiên và linh hoạt.
Trong suốt quá trình dạy, Tia Liêu đã áp dụng nhiều phương pháp với các con và nhận thấy: Có 3 phương pháp hiệu quả nhất. Đó là One person, one language (Cách tiếp cận một người, một ngôn ngữ); Parentese (hình thức nói chuyện hoặc chuyển giao gián tiếp, được điều chỉnh và điều tiết nhằm phù hợp với ngôn ngữ trẻ em) và phương pháp Lặp đi lặp lại hàng ngày.
> Tìm hiểu thêm về các phương pháp TẠI ĐÂY.
Song song đó, chị cũng nhận thấy một tình trạng mà rất nhiều gia đình đang gặp phải. Theo đó, không ít em nhỏ bị rối loạn ngôn ngữ, gặp khó khăn trong diễn đạt suy nghĩ thông qua lời nói và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nói tiếng mẹ đẻ. Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Tia Liêu đã chỉ ra nguyên nhân và đưa ra lời khuyên đến các bậc cha mẹ.
"MỖI TRẺ MỘT TÍNH, VIỆC NÓI CHẬM CHƯA HẲN DO LOẠN NGÔN"
Với Miu, Moon, Mon, Tia Liêu áp dụng phương pháp "One person, one language". Khi giao tiếp với mẹ, 3 nhóc sẽ nói tiếng Anh và nói tiếng Việt với bố, ông bà,... Ở trường học, tiếng Anh cũng là ngôn ngữ chính của các bé. Đến giờ ra chơi, đám nhỏ lại nói tiếng Việt với các bạn.
Nói về việc một số trẻ bị rối loạn song ngữ, Tia Liêu chia sẻ: "Trẻ nhỏ thực ra giống như một chiếc máy photocopy. Ở giai đoạn đầu, con sẽ lắng nghe, tiếp thu nhưng không thể bật ra ngay được và phải có một quãng thời gian để thẩm thấu. Thông thường, trẻ song ngữ sẽ nói chậm hơn một chút. Nhưng dần dần não bộ của trẻ phát hiện và sẽ tiếp thu nhanh hơn.
Có một giai đoạn, mình rất hoang mang bởi Miu, Moon bị chậm so với các bạn. Tất nhiên, mình biết việc cho con học song ngữ là quyết định đúng. Nhưng liệu mình đã áp dụng đúng phương pháp với con? Có phải Miu, Moon đang bị loạn ngôn?
Sự thật không phải vậy! Mình phát hiện ra việc nói nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào tính cách của mỗi đứa trẻ. Có những bé rất cởi mở, thích biểu đạt mọi điều bằng ngôn từ. Lại có bé trầm tính hơn. Như Moon nhà mình chẳng hạn, rất hay nhìn xa xăm, rồi đôi lúc rơm rớm nước mắt nữa (bật cười).
Thế nên mình cho rằng việc rối loạn có thể do 2 nguyên nhân: Một là bởi bố mẹ chưa nhất quán vai trò trong việc dạy con. Nếu cả hai bố mẹ đều nói tiếng Anh thì con sẽ bị hoang mang: "Mình phải nói ngôn ngữ nào, với ai?".
Thứ hai, là do bố mẹ chưa áp dụng đúng phương pháp với con. Lúc này chúng cần xem lại độ hiệu quả của phương pháp và thay đổi kịp thời".
Chia sẻ thêm về cách dạy song ngữ cho con, nữ giám đốc event bar 1900 hào hứng chia sẻ một tip nhỏ. "Có một mẹo siêu đơn giản mà mình thường áp dụng với con. Đấy là ghép từ. Hồi đầu khi dạy con, mình thường nói luôn các câu dài. Chẳng hạn như "Đây là cái bàn màu đỏ" (This is a red table). Nhưng sau đó, mình chuyển sang dạy con các từ ngắn, và nói từ đó bằng tiếng Việt trước.
Chẳng hạn cái bàn - table, đẹp - beautiful, màu đỏ - red,... rồi sau đó mới dạy con nối câu", Tia Liêu chia sẻ. Làm như vậy thì con sẽ có một vốn từ vựng, thay vì chỉ biết các câu dài và không rõ nghĩa của từng từ ra sao".
Tia Liêu nói tiếng Anh với con.
Nữ giám đốc cũng đưa ra lời khuyên, bố mẹ không nên sốt sắng chỉnh accent (giọng) của con. Bởi accent thuộc về tính riêng biệt, cá nhân. Quan trọng là con có thể bật ra được ngoại ngữ một cách trôi chảy.
Thường xuyên đi nước ngoài, Tia Liêu nhận thấy, không có một quy chuẩn nào cho accent. Bởi giọng bạn có thể nghe hay, chuẩn với người Mỹ, nhưng với người Anh, Úc thì lại không,... Quan trọng là khi mình nói, đối phương có hiểu hay không?
Bên cạnh đó, nếu trẻ có nói sai thì cũng là điều bình thường. Người lớn cần nhìn vào việc trẻ dám nói. Sau cùng, sự tự tin vẫn là yếu tố tiên quyết trong việc học ngoại ngữ.
Thanh Hương