(Tổ Quốc) - Câu chuyện bé gái Hải Phòng đi học sớm đứng ngoài, cùng dòng tin nhắn phê bình của cô giáo khiến một làn sóng dư luận mới nổi lên.
Giữa vô số lời chỉ trích dồn về phía giáo viên, thiết nghĩ từ lúc nào mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường lại lỏng lẻo đến vậy? Lỗi chỉ là của giáo viên? Hay là có cả lỗi của cha mẹ?
Chưa bao giờ, truyền thông phát triển như bây giờ. Một câu chuyện nhỏ của một cá nhân, ở cách xa hàng nghìn, thậm chí hàng triệu cây số, chỉ cần một cái kích chuột chúng ta có thể thêm một tiếng nói, một sự kích động, thêm cả nhiều giọt dầu vào một bồ lửa đang cháy.
Có lẽ cũng từ tâm lý ấy mà giờ đây, sự liên lạc giữa gia đình với giáo viên của con bỗng mỏng manh. Một sự không vừa lòng, một điều không như ý, người ta không chọn cách trao đổi cùng nhau, mà lựa chọn mạng xã hội như là công cụ sắc nhọn để thỏa sự ấm ức. Con đường ấy nhanh đấy, nhưng không bền, sắc đấy mà thiếu nhọn. Đến cuối cùng, người hứng chịu, không ai khác ngoài bọn trẻ.
Khi bố mẹ và cô giáo bỉ bôi nhau, ai trong hai đối tượng trên nghĩ đến cảm nhận của bọn trẻ?
Khi bố mẹ chưa chân tình với giáo viên của con, đứa trẻ liệu có thể đến gần người gieo mầm cho chúng?
Khi bố mẹ thiếu tôn trọng giáo viên, coi giáo viên là đối tượng để đấu tố chứ không phải là dân chủ, bình tĩnh cùng trao đổi thì liệu bọn trẻ sẽ nhìn về thầy cô giáo của chúng với ánh mắt thế nào?
Chưa đặt bọn trẻ làm đầu là cốt lõi vấn đề. Giáo viên chưa đủ yêu người để hành xử một cách nhân văn. Người mẹ chưa đủ chân tình để đến gần thầy cô.
Giá mà, người mẹ trước khi đưa con đi học, nhắn cho cô một câu “Vạn sự bất đắc dĩ, mẹ cháu đành phải đưa cháu đến sớm, biết là khó cho cô, nhưng mong cô thông cảm và giúp đỡ để ý đến cháu. Mẹ cháu sẽ thu xếp công việc để không phải phiền cô những lần sau. Thật tình rất cảm ơn cô.” Ai sẽ từ chối sự khó khăn ấy của người mẹ? Ai đành lòng cư xử quá đáng với một người mẹ biết cư xử đến vậy? Vì rõ ràng, ngoài cổng trường, ngoài giờ học, an toàn của con là ở bố mẹ.
Giá mà, cô giáo bàn với người phụ trách bảo đảm an toàn cho học sinh trước tiên. Cuối ngày, thay vì gửi một tin nhắn vô tình phê bình các con cho phụ huynh, sao không nhẹ nhàng gặp bố mẹ sau giờ học? Một lời thôi: “Ngoài các con lớp chiều, em cũng còn phụ trách các con bán trú buổi trưa nữa, sẽ khó cho em nếu các con đến sớm mà em không được thông báo trước, để đảm bảo sự an toàn cho các con. Từ sau, phiền bố mẹ thông báo cho em trước để em cùng gia đình có cách tổ chức sao cho phù hợp cho cả bố mẹ, các con và nhà trường”.
Vậy là, đáng nhẽ gia đình và nhà trường đã có thể làm cho một đứa trẻ trở nên hạnh phúc bằng cách cư xử tử tế với nhau thì giờ đây ảnh con đã tràn lan trên mạng, nguy hại hơn con có thể trở thành nạn nhân của trù dập học đường.
Trách giáo viên thiếu nhân văn, chúng ta có nên nhìn lại chính mình? Chúng ta đã và đang cư xử ra sao với người con gắn bó nhất chỉ sau bố mẹ (tính về lượng thời gian tiếp xúc một ngày). Thay vì đối diện và đồng hành, chúng ta lại chọn đối đầu. Liệu có nên?
“Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Cái “yêu” ấy chính là chân thành, tôn trọng, lắng nghe, trao đổi, cùng giải quyết. Đừng biến tấu nó đi, làm méo mó nó, rồi lại tự than phiền, chỉ trích về sự xuống cấp. Đành rằng, có rất nhiều những điều không hay về ngành giáo dục hiện nay, nhưng từ mỗi cá nhân, từng chút một, chúng ta đều có thể khiến mọi thứ tốt đẹp lên. Vì, suy cho cùng, lũ trẻ sẽ là cái cây được khỏe mạnh lớn lên từng ngày dưới dòng nước tưới tắm, vun trồng tích cực từ gia đình và nhà trường.
Vài nét về tác giả:
Hot mom Đoàn Phạm Hà Trang, hiện là giáo viên mầm non sống tại Sydney. Cô là mẹ của 2 bé trai Subi và Subo.
Hà Trang định cư tại Úc năm 2013 và được biết đến với nhiều bài viết hay chia sẻ về các phương pháp nuôi dạy con hữu ích.
Độc giả có thể đọc thêm các bài viết thú vị của mẹ Subi-Subo TẠI ĐÂY.
Hà Trang