(Tổ Quốc) - Không dừng lại ở hành động nắm tay hay nhìn nhau với ánh mắt tình tứ, cặp đôi còn thoải mái trao nhau nụ hôn trước rất nhiều học sinh khác đang có mặt tại lễ bế giảng.
Sáng ngày 9/7, học sinh khối lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng đã tổ chức lễ bế giảng năm học 2019-2020. Trong tà áo dài trắng truyền thống và đồng phục của trường, các em đã có những giây phút thật lắng đọng và nhiều kỷ niệm ngày chia tay.
Đáng chú ý, bên cạnh những nhóm bạn tụ lại chụp ảnh, tâm sự cùng nhau thì cũng có không ít các cặp đôi ngồi riêng lẻ, thoải mái tựa đầu vào nhau hay có những hành động chăm sóc hết sức ấm áp.
Đặc biệt, cặp đôi Lê Linh Chi (12D7) và Nguyễn Minh Thành (12A1) còn không ngần ngại trao nhau nụ hôn giữa sân trường trong giờ phút chia tay. Mặc dù mới "va vào nhau" từ tháng trước song cả hai đều không ngần ngại thể hiện tình cảm của mình với đối phương.
Khi được hỏi về lý do "va vào lưới tình" trong giai đoạn quan trọng nhất, Minh Thành đã chia sẻ: "Thật ra thời gian cũng không phải vấn đề quan trọng, đơn giản là bọn mình cảm thấy trân trọng, yêu quý và hợp nhau thì sẽ tiến đến thôi".
Một điều khiến nhiều người ấn tượng hơn cả đó là dù yêu trong những năm tháng học trò nhưng thành tích học tập của cặp đôi này đã khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Cả hai bạn Linh Chi và Minh Thành đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, Linh Chi đã đạt 6.5 IELTS và Thành Nam cũng đạt 6.0 IELTS và nằm trong danh sách học sinh được tuyển thẳng vào trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV).
Ngay sau buổi lễ, những hình ảnh của cặp đôi này đã lan truyền vô cùng nhanh chóng trong và nhận về nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng mạng. Không ít quan điểm cho rằng, dù các bạn có tình cảm với nhau nhưng việc thể hiện ở một nơi công cộng, trong một buổi lễ quan trọng như lễ bế giảng là có phần chưa phù hợp.
Tuy nhiên, mặc dù có phản đối song những lời ủng hộ, đồng tình dành cho cặp đôi cũng không phải là ít. Tất cả đều chung quan điểm rằng, việc các em hôn nhau hoàn toàn không có gì to tát, không có gì quá kỳ lạ, không đáng để các bậc phụ huynh "nổi trận lôi đình".
"Xưa kia bố mẹ có những rung động ở tuổi 18 thì giờ đây lứa tuổi tốt nghiệp THPT có những bạn có tình cảm, yêu nhau thì thể hiện tình cảm với nhau và thể hiện điều ấy cho mọi người thấy thì có sai?" – Bạn Bích Ngọc, 18 tuổi nêu lên suy nghĩ của mình.
Không chỉ có Minh Thành – Linh Chi nhau, sân trường THPT Phan Đình Phùng ngày hôm đó cũng là nơi ghi lại những khoảnh khắc ngọt ngào của không ít các cặp đôi khác. Không e dè, không ngại ngần, tất cả đều muốn ghi lại những gì chân thành nhất, trong sáng nhất của tình cảm tuổi học trò những ngày cuối cùng.
Hình ảnh tình cảm của cặp đôi.
Liên quan đến hình ảnh gây tranh cãi trên, chuyên gia Giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết: "Nếu chỉ nhìn một tấm hình mà đánh giá nhân cách các em học sinh là vội vàng và thiên kiến. Đặt trong bối cảnh một buổi chia tay thời học sinh với rất nhiều cảm xúc đong đầy, và với đặc điểm lứa tuổi còn hành xử dựa trên cảm xúc là chủ yếu như các bạn thì người lớn nên thấu hiểu hơn là chỉ trích.
Qua sự việc này, đơn giản là thầy cô ở các trường có thêm chút kinh nghiệm để nhắc nhở học sinh về cách thể hiện tình cảm ở nơi đông người trong văn hoá Á Đông thì cần tế nhị và kín đáo hơn. Các phụ huynh, giáo viên nên chấp nhận rằng ở tuổi này, rung động hay tình cảm sâu sắc với người khác đi kèm với các hành vi thể hiện tình cảm như ôm hôn, thậm chí quan hệ tình dục là có cả, và không phải là việc người lớn có thể hoàn toàn kiểm soát được. Do đó, cấm đoán cũng không thành công.
Tốt nhất, chúng ta nên hướng dẫn các em có hiểu biết đầy đủ về lợi - hại của các mối quan hệ tình cảm và các hành vi thể hiện tình cảm để các em tự kiểm soát. Ngay trong tình huống bức ảnh này, nếu học sinh được nói trước rằng: việc muốn ghi dấu ấn sâu sắc theo cách đó sẽ phải đánh đổi bằng sự phán xét ồn ào của công luận, sự phiền lòng của thầy cô và cha mẹ thì các em có chấp nhận không?
Các em dự kiến đối diện hoặc giải quyết những phiền toái ấy như thế nào? Nếu học sinh có câu trả lời thoả đáng và cho thấy các em sẵn sàng chịu trách nhiệm cho việc đó thì các em cứ làm. Nếu học sinh thấy kỷ niệm 'đáng nhớ' như vậy là không đáng thì các em cũng tự dừng lại".
Tào Nga