(Tổ Quốc) - Nhờ có chuyến xe định mệnh mà ông Stern đã giúp cuộc đời con mình thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Robert Stern là một chuyên gia sản phụ khoa nổi tiếng tại Mỹ. Ông hiện đang làm việc tại Bệnh viện NewYork–Presbyterian - một trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận ở thành phố New York, có liên kết với hai trường y khoa Ivy League.
Cuộc đời và sự nghiệp của Robert Stern là cả một câu chuyện thần kỳ. Bởi từ con trai của một người lái xe taxi, ông đã vươn lên trong cuộc sống nhờ năng lực học tập. Tuy nhiên công sức lớn nhất thuộc về bố của Stern. Chính ông bố đã thay đổi vĩnh viễn số phận của con trai nhờ cuộc trò chuyện với một vị khách lạ mặt trên xe taxi. Vị khách đó không ai khác chính là Fred Plum - nhà thần kinh học nổi tiếng nước Mỹ - người đã nghiên cứu, phát triển 2 thuật ngữ: Hội chứng bị khóa trong (locked-in syndrome) và "trạng thái thực vật kéo dài" (persistent vegetative state).
Lời đề nghị bất ngờ của tài xế taxi
Vào mùa xuân năm 1966, ông Stern đã lái xe taxi được gần 30 năm. Khi ông đang lái xe chầm chậm ở đại lộ York để tìm khách thì tình cờ nhìn thấy một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, bước xuống những bậc cầu thang và vẫy tay gọi taxi. Mọi thứ diễn ra sau đó là một kỷ niệm mà ông Stern không bao giờ quên. Chuyến taxi định mệnh được ông kể lại như sau:
"Khi đó, đèn giao thông đã chuyển sang xanh, tài xế phía sau tôi bấm còi inh ỏi một cách thiếu kiên nhẫn và tôi nghe tiếng tuýt còi của cảnh sát. Nhưng tôi không định bỏ lỡ cuốc xe này. Cuối cùng, người đàn ông kia cũng chạy kịp ra xe và nhảy vào bên trong. "Xin cho đến sân bay LaGuardia, và cảm ơn vì đã đợi tôi", ông ta lên tiếng.
"Đúng là tin tốt", tôi nghĩ thầm, vì sân bay LaGuardia rất đông đúc, và tôi có thể sẽ kiếm ngay được khách khác và kiếm đủ cho một ngày lao động".
Lái xe được một lúc thì ông Stern bắt đầu tỏ ra băn khoăn về vị khách của mình, giống như ông từng tò mò với nhiều vị khác. Liệu người này có phải một người thích nói nhiều, hay chỉ thích im lặng, có thích đọc báo không? - Hàng loạt thắc mắc hiện lên trong đầu ông Stern. Sau ít giây im lặng, người bắt đầu chủ động trò chuyện trước với ông Stern. "Ông có thích công việc lái xe không?", người khách hỏi.
"Một câu hỏi quá cũ và tôi cũng đưa câu trả lời quen thuộc. Đại loại là công việc này cũng ổn, vừa giúp tôi kiếm sống được vừa cho tôi cơ hội gặp những con người thú vị. Nhưng nếu có việc gì giúp tôi kiếm được nhiều hơn 100 đô la mỗi tuần thì tôi sẽ bỏ nó ngay, cũng giống như ông ta vậy.
Thế nhưng, lời đáp của ông ấy khiến tôi chú ý: "Tôi thì sẽ không đổi việc kể cả điều đó giúp tôi kiếm được thêm 100 đô mỗi tuần". Vậy là tôi tò mò, hỏi lại: "Thế ông làm nghề gì?". Ông ta đáp: "Tôi làm ở khoa thần kinh, bệnh viện New York".
Sau khi nghe câu trả lời của vị khách, ông Stern tỏ ra rất bất ngờ. Trước đây, ông từng chở những vị khách làm nhiều nghề khác nhau. Có người là luật sư, có người là kế toán, thợ sửa ống nước,... Với tất cả các vị khách, ông Stern đểu bắt chuyện vui vẻ, xây dựng được cảm tình tốt. Nhiều lần ông Stern nhận được từ khách đi xe những lời khuyên bổ ích trong cuộc sống.
Một suy nghĩ lướt qua trong đầu ông Stern. Lấy hết can đảm, ông Stern mạnh dạn hỏi vị khách: "Tôi có thể nhờ ông giúp một chuyện này được không?". Ông ta không trả lời. Nhưng tôi vẫn nói tiếp: "Tôi có một cậu con trai 15 tuổi, nó là đứa trẻ ngoan. Nó học khá tốt ở trường. Mùa hè này chúng tôi muốn cho nó đi trại hè, song nó lại muốn kiếm việc làm. Nhưng một đứa trẻ 15 tuổi thì khó mà kiếm được việc, trừ phi bố cậu ta quen biết chủ cơ sở nào đó, mà tôi thì không".
Tôi dừng lại một chút, rồi nói tiếp: "Liệu ông có thể giới thiệu cho nó một công việc gì để làm trong mùa hè này không? Kể cả không được trả lương cũng được".
Sự im lặng của vị khách khiến ông Stern cảm thấy xấu hổ suốt quãng đường còn lại. Ông Stern cho rằng mình đã bị từ chối nhưng khi đến sân bay vị khách đột nhiên mở lời: "Các sinh viên y khoa đang có 1 dự án nghiên cứu trong mùa hè này. Có lẽ cậu bé sẽ hợp đấy. Gửi cho tôi kết quả học tập ở trường của cháu nhé". Sau khi tìm danh thiếp trong túi áo một hồi mà không có, vị khách đã viết tạm thông tin liên hệ vào một mảnh giấy xé từ túi đồ ăn trưa của ông Stern, trả tiền taxi và rời đi. Đó cũng là lần cuối cùng ông Stern được gặp ân nhân của mình.
Cuộc đời thay đổi hoàn toàn nhờ mẩu giấy của vị khách
Ông Stern kể tiếp những sự việc diễn ra sau đó: "Tối đó, khi ngồi quanh bàn ăn cùng gia đình, tôi lôi mẩu giấy đó ra khỏi túi áo: "Robbie, đây có thể là công việc vào mùa hè này cho con", tôi nói với con trai. Thằng bé đọc to lên: "Fred Plum, Bệnh viện New York". Vợ tôi hỏi ngay: "Ông ấy là bác sĩ à?". Con gái tôi thì bảo: “Ông ấy là một quả táo ạ?” Còn con trai tôi thì nghi ngờ: "Trò đùa hả bố?".
Cuối cùng, tôi phải dọa sẽ cắt tiền tiêu vặt của nó thì Robbie mới đồng ý gửi bản thành tích học tập của nó vào sáng hôm sau. Câu chuyện đùa cợt quanh cái tên của bác sĩ (trong tiếng Anh, plum có nghĩa là quả mận – ND) tiếp diễn được vài ngày, nhưng sau đó chúng tôi cũng dần quên đi, không ai để ý đến nữa.
Hai tuần sau, khi tôi đi làm về thì con trai tôi đưa cho tôi 1 lá thư được gửi cho nó, ngoài bìa thư có ghi: “Bác sĩ Fred Plum, Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện New York”. Thằng bé được thư ký của bác sĩ Plum gọi đến phỏng vấn.
Cuối cùng, Robbie nhận được công việc. Sau 2 tuần làm tình nguyện, thằng bé được trả 40 đô một tuần cho đến hết mùa hè. Tấm áo choàng trắng khiến cho nó cảm thấy bản thân quan trọng hơn nhiều so với thực tế, khi nó đi theo bác sĩ Plum quanh bệnh viện, làm vài việc vặt vãnh cho ông ấy.
Mùa hè năm sau, Robbie lại được nhận vào làm việc ở bệnh viện, nhưng lần này, thằng bé được giao nhiều trọng trách hơn. Khi ngày tốt nghiệp trung học của thằng bé đến gần, bác sĩ Plum đã tốt bụng viết thư giới thiệu, giúp Robbie được nhận vào Đại học Brown.
Thằng bé làm việc ở bệnh viện đến mùa hè thứ 3 và dần trong nó, tình yêu với ngành y cũng lớn dần lên. Khi thằng bé sắp tốt nghiệp đại học, nó đã nộp đơn vào trường y và bác sĩ Plum một lần nữa lại viết thư giới thiệu chứng thực cho năng lực và nhân cách của nó.
Cuối cùng, Robbie được nhận vào Đại học Y New York, và sau khi có được tấm bằng y khoa trong tay, đã đi thực tập trong 4 năm chuyên ngành Sản phụ khoa".
Giao tiếp chính là chìa khóa thành công
Có thể thấy, thành công của Robert Stern chính là nhờ vào cuộc gặp gỡ định mệnh của người bố. Ông Stern tuy không giỏi giao tiếp nhưng lại rất thích giao tiếp. Không chỉ vậy, ông còn biết quan sát phản ứng của khách hàng và nắm bắt cơ hội thành công.
Trong cuộc sống, giao tiếp chính là chìa khóa quan trọng dẫn đến thành công. Điều này không phải nghiên cứu suông mà được chứng thực qua nhiều nghiên cứu. Năm 2018, các giáo sư tại những trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, MIT và Pennsylvania đã chỉ ra tầm quan trọng của các kỹ năng giao tiếp.
Trẻ giao tiếp tốt sẽ sở hữu nhiều mối quan hệ lành mạnh, hôn nhân lâu dài, có tự trọng và hài lòng với cuộc sống. Không chỉ vậy, theo nghiên cứu của Đại học Harvard, người giao tiếp tốt thường trở thành những nhà đàm phán xuất sắc. Việc này giúp họ giành được điều có lợi về cho mình và trở nên giàu có.
Vậy nên nếu muốn con thành công thì ngay từ nhỏ, bố mẹ hãy luyện cho con các kỹ năng giao tiếp thật tốt. Chẳng hạn như tích cực giao tiếp 2 chiều với con, khuyến khích con bày tỏ ý kiến, suy nghĩ của mình,...
Thanh Hương