Hỏi con trai "Có muốn ăn kem không", ông bố nhận được câu trả lời khiến anh cả đêm không ngủ nổi, vội chia sẻ lên MXH xin lời khuyên

(Tổ Quốc) - Thấy ánh mắt háo hức nhìn những que kem của con, người bố đưa ra gợi ý nhưng con nhanh chóng từ chối vì muốn là “con ngoan” của mẹ.

Con ngoan là mong muốn của rất nhiều bậc cha mẹ. Nhưng có vẻ khái niệm "con ngoan, hiểu chuyện" với nhiều gia đình trẻ hiện nay đang bị đẩy dần theo những hướng tiêu cực. Một câu chuyện xảy ra tỉnh Thâm Quyến, Trung Quốc đã khiến nhiều bậc cha mẹ phải suy nghĩ lại về phương pháp nuôi dạy con của mình. 

Cụ thể, một ông bố trẻ dắt cậu con trai 3 tuổi rưỡi đi chơi. Khi đi qua 1 đoạn đường, người bố để ý thấy con nhìn những que kem đầy háo hức nên hỏi: "Con có muốn ăn không?". Thế nhưng, đứa trẻ nuốt nước miếng kiềm chế và nói: "Bố ơi, con không ăn đâu. Mẹ nói ăn kem không tốt cho sức khỏe của con".

Nghe thấy câu trả lời, người bố giật mình, sau đó buồn bã, ngẫm nghĩ và tự trách bản thân. Tại sao một đứa trẻ mới 3 tuổi rưỡi đã không dám bày tỏ suy nghĩ thật của mình, chỉ để làm vui lòng người lớn? Khi lớn lên, làm sao con có đủ dũng khí để được là chính mình?

Sau đó, người bố đã mua 1 que kem cho con. Nhìn con vui vẻ ăn, ông bố dịu dàng nói và nhấn mạnh: "Dù con có ăn hay không ăn kem thì điều đó cũng không quá ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Nếu sau này con muốn ăn thì hãy nói ra mong muốn. Bố sẽ đồng ý với con. Bố muốn con là chính mình thay vì là 1 "bé ngoan".

Hỏi con trai

Ảnh minh họa.

Khi đứa bé ngơ ngác hỏi: "Hãy là chính mình" là gì vậy bố"? Ông bố vui vẻ trả lời: "Là chính mình nghĩa là con học cách dũng cảm để bày tỏ ra những gì con thực sự mong muốn".

Cho đến khi lên giường nằm ngủ, nhớ lại câu chuyện ban ngày với con, người bố vẫn không khỏi băn khoăn, và cảm thấy bối rối: Làm sao có thể là chính mình đơn giản như vậy? Bản thân 30 tuổi vẫn chưa thực sự hiểu rõ "hãy là chính mình" thực sự như thế nào, và nên dạy con học cách "là chính mình" ra sao?

Dạy trẻ "là chính mình" - một bài toán giáo dục khó

Nếu phỏng vấn tình cờ các ông bố, bà mẹ trên phố với câu hỏi: "Bạn có muốn con là chính mình không?". Hầu hết phụ huynh không do dự trả lời: "Tất nhiên là có!". Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ bày tỏ mong muốn con "phải là chính mình".

Thế nhưng trong cuộc sống, không ít người lại than phiền: Tại sao con cái chúng ta ngày càng kém tự lập, không dám bày tỏ suy nghĩ thật, không có chủ kiến? Thực ra, không phải trẻ không thể tự là chính mình, mà chính xác những bậc làm cha làm mẹ chưa bao giờ cho trẻ cơ hội được "là chính mình".

Nhiều lần trẻ nói ra mong muốn, nhưng lại bị bố mẹ từ chối hết lần này đến lần khác. Dần dần trẻ không nói và cũng không có suy nghĩ muốn nói nữa.

Hỏi con trai

Nhiều bậc cha mẹ tỏ ra tôn trọng, khuyến khích con bày tỏ suy nghĩ thực sự, nhưng khi ý kiến của con trái ngược thì họ hoặc từ chối thẳng thừng, hoặc khất lần. Những điều đó dần khiến trẻ chán nản. 

Sau vô số lần thất vọng, trẻ không biết nên nghe lời bố mẹ hay nói ra suy nghĩ bản thân. Và khi trẻ từ bỏ chính kiến để vừa lòng cha mẹ thì chúng ta lại ca thán: "Con chẳng tự quyết được gì, lúc nào cũng là bố mẹ chọn thay con". 

Nói về vấn đề này, một nhà giáo dục Đài Loan cho biết: Khi tôi đưa cho học sinh của mình các sự lựa chọn, câu trả lời phổ biến nhất tôi nghe được là: "Em không biết mình muốn chọn gì".

"Muốn tốt cho con" là biểu hiện tình yêu thương của nhiều bậc cha mẹ. Họ mong con cái đến đích thành công nhanh chóng. Nhưng họ đã quên rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, có tiếng nói, suy nghĩ riêng. Một người chưa từng có cơ hội được là chính mình thì sẽ không biết mình là ai! 

Nhiều người lớn cũng là những đứa trẻ không bao giờ được "là chính mình"

Ở câu chuyện trên, ông bố 30 tuổi cũng vô cùng bối rối, không biết phải dạy cậu con trai 3 tuổi rưỡi ra sao. Bởi thực tế, anh cũng đã tự nhận thức được bản thân chưa từng thực sự
"là chính mình" lần nào.

Sau khi câu chuyện được chia sẻ, rất nhiều người trưởng thành cũng phải thừa nhận: Thực chất, chúng ta cũng từng là những đứa trẻ không được "là chính mình". 

Con thèm ăn kem nhưng sợ mẹ 1 phép không dám nói, bố chỉ nói 1 câu khiến ai nghe cũng phải ngẫm nghĩ - Ảnh 2.

Người lớn cũng là những đứa trẻ chưa từng được "là chính mình". Ảnh minh họa

Thực tế, khá nhiều người dù xuất thân từ gia đình bố mẹ thoáng tính nhưng cũng không dám có chính kiến. Căn nguyên của vấn đề có thể tóm gọn lại ở một điểm: Đó là những đứa trẻ đã ăn sâu suy nghĩ những phản đối của cha mẹ đều là vì "tốt cho con", thì cớ gì con lại phản đối? Vâng lời thôi!

Câu nói "vì tốt cho con" là cái "cùm" lớn nhất trong quá trình trưởng thành của mọi đứa trẻ.

Hãy để trẻ học cách "là chính mình", bắt đầu từ việc cha mẹ hãy "là chính mình"

Để một đứa trẻ "là chính mình" mới là cốt lõi sự trưởng thành của con người và cốt lõi của giáo dục. Nuôi con cũng chính là nuôi dưỡng bản thân. Thực chất mỗi người lớn đều như một "đứa trẻ to xác". Khi nuôi dạy con cái, người lớn cũng đang tự chữa lành những vết sẹo trong lòng.

Vậy làm thế nào để trẻ có thể học được cách "là chính mình"? Cách tốt nhất, chính bố mẹ cũng phải học cách "là chính mình" trước. Áp lực cuộc sống nhiều khi khiến chúng ta giới hạn bản thân trong các vai trò xã hội, là cha mẹ, là vợ chồng,... Nhưng chúng ta có một vai trò lớn hơn nhiều - đó là "chính mình". Đặc biệt sau khi có con, chúng ta thường quên mất bản thân, và để "chính mình" xếp ở vị trí cuối. 

Khi cha mẹ đặt tất cả hy vọng và sự hi sinh của bản thân vào con, cha mẹ sẽ mong muốn một sự hồi đáp từ những đứa trẻ. Và rồi, sự áp đặt bắt đầu...

Yêu thương bản thân là cách duy nhất mà cha mẹ nên làm để con cái có thể nhìn vào, từ đó có động lực phát triển bản thân. Dùng cách sống tích cực của bố thể để tác động đến cuộc sống của con - đó mới là cách giáo dục tốt nhất.

Hỏi con trai

Nhà trị liệu tâm lý người Đức Bot Hellinger từng chia sẻ: Khi bạn chỉ chú ý đến hành vi của con, bạn sẽ không nhìn thấy con. Khi bạn chú ý đến ý định đằng sau hành vi của con, bạn bắt đầu nhìn vào con. Và khi bạn quan tâm đến những nhu cầu, cảm xúc ở phía sau ý định của con, bạn mới thực sự nhìn thấy con mình.

Khi trẻ được trải nghiệm đủ sắc thái tâm lý từ được hiểu, được chấp nhận, được tôn trọng và được thỏa mãn… đến khi gặp vấn đề, trẻ sẽ sẵn sàng bộc lộ suy nghĩ thật của mình. Trẻ sẽ tự đánh giá được mong muốn của bản thân có phù hợp hay không.

Mỗi ông bố, bà mẹ nên tự hỏi: Liệu có nên cho phép con được tự do suy nghĩ; cho phép con có ý kiến riêng hay không? Hay nên cho phép con có những cảm xúc riêng?

Chỉ khi giải đáp được 3 câu hỏi trên thì bố mẹ mới có được sự tôn trọng thực sự dành cho con, và chỉ sự tôn trọng này mới giúp con có thể "là chính mình".

Hỏi con trai

 

Lưu Thoa

Tin mới