(Tổ Quốc) - "Bạn ấy đã viết được những dòng chứa chan tình cảm chân thành. Đó là tất cả những gì tôi luôn mong đợi từ các bạn ấy".
Một bài văn của học sinh lớp 8 được thầy giáo Hải Đăng – giáo viên dạy Ngữ Văn tại trường Spring Hill (Hà Nội) chia sẻ lên trang cá nhân đã nhận về nhiều lời khen ngợi. Bài làm ngắn gọn, súc tích, không hoa mỹ nhưng chính sự tình cảm, chân thực trong từng câu chữ khiến ai nấy thấy đồng cảm, bởi "Những lời xuất phát từ trái tim luôn là những lời văn hay nhất!".
Em học sinh viết: "Mạng sống rất mong manh, dễ vỡ như thủy tinh vậy. Bà nội năm nay thọ 82 tuổi và mất vào ngày 11 tháng 10. Mọi thứ diễn ra nhanh như chớp, tối qua bà mới khỏe mạnh mà sáng nay bà đã nhập viện. Việc bà mất để lại cú sốc rất lớn cho họ hàng, hàng xóm và gia đình tôi. Đám ma bà tổ chức vào ngày 13 tháng 10. Mọi người cùng đi vào hậu trường của nhà tang lễ Phùng Hưng. Chúng tôi thắp nén hương và đứng trước di ảnh của bà.
Không khí ảm đạm và đượm buồn, mọi người đều mặc quần áo sẫm màu khiến khung cảnh trở nên buồn hơn. Tôi thấy người ta để thi thể của bà trên bàn, mặc cho bà bộ quần áo dài màu xanh ngọc và đút vài tờ tiền vào túi áo. Mọi người xếp hàng để nhìn bà lần cuối, tôi không nhìn mặt bà. Với tôi, kia không phải là bà nội, đó chỉ là một cỗ thi thể lạnh lẽo. Linh hồn bà đã lên thiên đàng rồi, những điều trên cũng đã đủ chứng minh là bà đã mất. Tôi về nhà bà, mở cửa ra, tưởng như bà vẫn còn đó, vẫn đang sống, vẫn đang ngồi chờ chúng tôi về".
Thầy Đăng cho biết, mình đã khựng lại rất lâu và chấm cho em học sinh điểm 10. "Bạn ấy đã viết được những dòng chứa chan tình cảm chân thành. Đó là tất cả những gì tôi luôn mong đợi từ các bạn ấy. Văn là đời, nhẹ nhàng và thấm đẫm".
"Bài viết này giống với tâm trạng của tôi quá, lúc ông nội mất, tôi học lớp 5. Tôi đã khóc rất to ở giữa lớp, khi cả lớp đang học. Tôi xin cô giáo nghỉ để về với ông. Và lúc đó, tôi không có thể chia sẻ điều này cho bất cứ ai. Không giống như bạn ấy", thầy giáo chia sẻ.
Để giúp học sinh được tự do sáng tạo, đều đặn hàng tuần thầy Đăng thường hay cho học sinh viết các bài văn theo chủ đề tự do. "Các bạn ấy có thể viết bất cứ thứ gì, về cuộc sống thường ngày, về những điều quan tâm. Không theo một khuôn mẫu nào cả. Tôi giao tiếp với học sinh qua các bài viết. Đó có thể là chuyện con chó nhà em, con mèo nhà hàng xóm, từ chuyện Covid đến chuyện em rất sợ đi khám răng, thích đi biển… Đối với tôi, đó là Văn. Ở đó có vui có buồn, có hồi hộp, gay cấn, có những tâm tư, nỗi niềm, là tình thương, nỗi nhớ, là cuộc đời".
Học sinh được bộc lộ năng lực và những suy nghĩ của chính mình, không vay mượn, sao chép và khuyến khích các bài viết cá tính, sáng tạo. Có lẽ vì không bị gò bó bởi barem điểm mà mỗi câu văn học sinh viết ra, như thầy Đăng nhận xét, rất "đời", rất "nhẹ nhàng và thấm đẫm": "Ở trường tôi dạy luôn đề cao triết lí giáo dục là biết ơn và tỉnh giác, để cho cả thầy và trò sáng tạo và tự trải nghiệm. Trường cũng không áp lực về điểm số, miễn các con có thể nắm vững được nền tảng tiếng Việt và đọc hiểu văn bản, tự khai thác từ nền tảng đó", thầy Đăng chia sẻ thêm.
Hiểu Đan