(Tổ Quốc) - Các bà mẹ cũng nên "rút kinh nghiệm", cố gắng nhẹ nhàng với con hơn để lần sau tránh bị bóc phốt công khai như thế này nhé!
Chắc hẳn bạn đã từng đọc qua một lần những áng văn "bất hủ" của học sinh tiểu học. Các em mới làm quen với thể loại văn miêu tả, cộng thêm sự ngây thơ, hồn nhiên của lứa tuổi nên đôi khi trong nhà có bao chuyện từ hài hước đến xấu hổ, trẻ đều lôi ra kể tuốt tuồn tuột, không sót một chi tiết nào.
Vậy nên hẳn chẳng ai mong một ngày được con cái "ưu ái" trở thành nhân vật chính trong những "tác phẩm" để đời này. Thử nghĩ nhé, giả sử lên lớp con tả: "Bố rất cao lớn. Mỗi lần bố ôm em, em chìm trong bóng tối", "Bố hơi lười chỉ đi kiếm tiền rồi về nhà nằm ườn ra đấy" hay "Mẹ em dữ như sư tử"; "Mẹ em không đẹp nhưng bác bán thịt lợn đầu ngõ phải ngước nhìn"... thì có phải huyết áp tăng vùn vụt hay không?
Tuy vậy "người tính không bằng trời tính", một bà mẹ mới đây đã phải "rớt nước mắt" chia sẻ những dòng miêu tả thật hơn chữ thật của con mình: "Em cứ nghĩ sẽ chỉ đọc nó trên mạng. Và rồi nay đã đến lượt em "đăng quang". Hãy nói rằng em không cô đơn đi các bác", phụ huynh này chia sẻ.
Học sinh này viết: "Mẹ tôi tên là Nguyễn Thị... Mẹ tôi 30 tuổi. Mẹ tôi dữ như sư tử Hà Đông. Mẹ tôi làm nghề kế toán. Mẹ tôi có mái tóc màu nâu. Mẹ tôi cao và gầy (sau đó chắc suy nghĩ lại nên lại sửa thành "thấp" và "béo"). Mẹ tôi mà thấy tôi hư thì lại chửi tôi như con sư tử ở sở thú".
Chưa nói đến văn phong, sai chính tả hay lặp từ thì riêng việc một bài văn vỏn vẹn vài dòng mà đã hai lần so sánh mẹ như... sư tử Hà Đông cũng đã khiến dân tình cười đau ruột. Hẳn là hàng ngày anh chàng này cũng bị ăn mắng nhiều lắm đây. Nhưng bị mắng có lý do chính đáng do... hư thì đành "ngậm đắng nuốt cay" chứ kêu ca gì nữa hả con.
Không biết "khổ chủ" có bị ăn thêm vài roi hay không nhưng bài văn thì nhận được lượng tương tác cực khủng từ cộng đồng mạng. Nhiều người "đánh giá cao" vì dám nói thẳng nói thật. "Tả mẹ đôi khi cũng đi sâu vào góc cạnh, cau có và đề cập đến những hỉ nộ ái ố của cuộc sống thường ngày. Lúc nào cũng ví như cô tiên thì chẳng khác gì dạy các con nói dối"; "Bài văn miêu tả thực tế. Tiếc là bài văn đó để mẹ... thấy, nếu không sẽ ok lắm".
Còn dưới đây là bài văn cũng được cư dân mạng chia sẻ nhiệt tình vì miêu tả khá "trần trụi".
Với đề: Tả người thân trong gia đình, nguyên văn bài "tả thực" của em này như sau:
Hôm đó, mẹ em tặng cho em hai quả tét vào mông. Thì ra, cô giáo đã nói với mẹ em là:
- Chị ơi, con chị (giờ nào cũng xin cô đi xì mũi thôi) học tiếng Việt kém lắm.
- À, thế à! Mẹ em đáp lại với vẻ mặt như một "con sư tử hà đông".
Lúc đánh em, mặt mẹ như con "khủng long" đang định vồ lấy em để ăn thịt.
Trong văn chương... mẫu, hình ảnh những người mẹ bao giờ cũng hiện lên thật dịu dàng, nhẹ nhàng. Có chuyện gì mẹ đều ôm ấp, thủ thỉ khuyên nhủ em. Nhưng, sự thật đôi khi không như thơ, thực tế thì không như con trẻ... mơ. Khi 2 tuổi, mẹ có thể tâm lý, mềm mỏng như thế. Khi con 4 tuổi, 5 tuổi hay lớn hơn, mẹ không biết nổi giận là chuyện chỉ có trong... truyền thuyết.
Những tiếng la hét, nhắc học nhắc ăn, dọa con khi quậy phá... trở thành chuyện "thường ngày ở huyện". Đứa trẻ thì nào dám nói gì, vậy nên khi có dịp được trút bầu tâm sự, lắm đứa tranh thủ "tả thực" để nhờ ngòi bút nói hộ nỗi lòng.
Các bà mẹ cũng nên "rút kinh nghiệm", cố gắng nhẹ nhàng với con hơn để lần sau tránh bị bóc phốt công khai như thế này nhé!
Hiểu Đan