(Tổ Quốc) - Trẻ em thì thật thà ngây thơ đấy. Nhưng quá thật thà đôi khi lại khiến người lớn toát mồ hôi hột chứ chẳng đùa.
Học sinh tiểu học thì trong sáng, ngây thơ, hay có gì nói nấy. Vậy nên mới có chuyện mỗi khi con cái được ra bài tập làm văn hay tiếng Việt nói về cha mẹ, ông bà... thì người thân cũng lo lắng theo con. Không phải là sợ chúng nó không làm được bài hay bị điểm thấp, đơn giản là vì quá... thật nên các cô cậu đôi khi làm bài chẳng khác nào bóc phốt.
Nào thì "Mẹ em tên đầy đủ là A, dáng mẹ gầy, mắt đen, răng mẹ em trắng, tóc mẹ dài thơm. Mẹ em đã đeo kính. Mẹ em thích mua đồ như váy, áo cho em của em và em, mua guốc, giày, mĩ phẩm. Mẹ thích ăn mặc diện, mẹ em thích ăn món như rau, quả nhập khẩu, nước ấm với mật ong, bưởi. Mẹ em cũng rất ít ăn cơm vì mẹ em sợ béo không mặc được váy".
Hay "Cha em là người rất yêu động vật, đặc biệt là loài chó. Loài chó nào ba em cũng yêu quý và cưng chiều. Nhưng do hoàn cảnh gia đình nghèo quá nên bố em không đủ tiền mua cả con mà chỉ mua từng cân một. Em thương ba lắm".
Tả người khác đã thế, đôi khi các thanh niên nhí này còn tiện tay "bóc" luôn cả chính mình. Chẳng hạn đọc đoạn văn kể về sở thích sau đây, cô giáo phải ngậm ngùi sửa thành "xem ti vi" nhưng chắc lúc chấm bài cô cũng sang chấn lắm!
Khi được yêu cầu "Viết tiếp vào chỗ trống để hoàn thành đoạn tự giới thiệu", học sinh lớp 2 viết: "Sở thích của em là... ĐÁNH NHAU. Tôi rất muốn làm quen với các bạn". Đúng là ối giồi ôi luôn, bao nhiêu thứ đẹp đẽ bổ ích không thích lại đi thích bạo lực mới chịu. 10 điểm cho sự thật thà ngay thẳng tuy nhiên sở thích này thì cần bố mẹ chấn chỉnh lại rồi con ạ.
Tính cách của mỗi đứa trẻ hoàn toàn không hề giống nhau và có sự khác biệt nhất định. Tuy nhiên, nếu phát hiện con có những dấu hiệu thiên về xu hướng bạo lực thì phụ huynh, bố mẹ nên chú ý để có thể kịp thời uốn nắn con ngay từ sớm.
Chẳng hạn: Con rất hay nổi nóng, mất bình tĩnh, không kiểm soát được cơn giận; Hay đe dọa tấn công bạo lực người khác; Thích thú trong việc phá hủy đồ đạc, vật dụng xung quanh; Thường xuyên suy luận, tính toán về những kế hoạch thực hiện các hành động bạo lực; Thường xuyên gây hấn với bạn bè; Luôn miệng nói về những hành động mạo hiểm...
Bố mẹ nên kiên nhẫn và từ từ, không nên đốt cháy giai đoạn, áp đặt trẻ. Hãy làm gương cho con trước khi trách mắng bé về việc trẻ hay đánh bạn. Cố gắng tâm sự, nói những lời yêu thương hàng ngày với con, thay vì dọa dẫm, đánh đập vì hãy tìm cách xử lý thích hợp hơn khi con phạm lỗi.
Xem xét con xuất hiện những hành vi, biểu hiện đó trong hoàn cảnh như thế nào và dựa vào diễn biến hành động cụ thể của con để có cách xử trí, uốn nắn sao cho phù hợp với độ tuổi và cá tính riêng của từng bé. Nếu nhận ra con thường xuyên mất bình tĩnh, có xu hướng thích bạo lực từ nhỏ, bố nên là người nghiêm khắc chấn chỉnh lại các hành vi của con.
Ngoài ra, bố mẹ nên dành nhiều thời gian chia sẻ, trò chuyện, chơi những trò chơi lành mạnh cùng con, không cho con tiếp xúc với phim ảnh, đồ vật mang hơi hướng bạo lực. Nếu trẻ đang ở độ tuổi đi học, bố cần kết hợp với nhà trường, giáo viên đứng lớp của con để theo sát con trong thời gian đi học.
Hiểu Đan