Học bạ tiểu học kín điểm 10, Tiến sĩ giáo dục chỉ ra sự bất thường: Trẻ chỉ có 24h/ngày, sao làm được điều đó?

(Tổ Quốc) - "Trẻ cấp 1 được điểm cao là dễ hiểu. Nhưng để được mức điểm hoàn hảo lại là điều khác", Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhận định.

Mới đây, Sở GD-ĐT TP Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh lớp 6 của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Trong năm học 2021-2022, trường sẽ tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, thay vì kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực như mọi năm. 

Theo đó, học sinh muốn đăng ký dự tuyển phải đạt danh hiệu "Học sinh hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện" trở lên ở năm lớp 1, 2, 3 và danh hiệu "Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện" ở lớp 4 và 5. Trường Ams xét tuyển đối với những học sinh đủ điều kiện dự tuyển, có hồ sơ dự tuyển hợp lệ. Điểm xét tuyển = ĐIỂM HỌC TẬP CẤP TIỂU HỌC ĐIỂM ƯU TIÊN ĐIỂM KHUYẾN KHÍCH. (Xem thêm TẠI ĐÂY)

Sau khi thông tin này được công bố, rất nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng. Một số ý kiến cho rằng, việc xét tuyển sẽ khiến chất lượng đầu vào cấp 2 Ams năm nay thấp hơn mọi năm và các em học sinh giỏi sẽ bị thiệt thòi, chán nản. Nguyên nhân dẫn đến nỗi lo này là bởi những năm gần đây xuất hiện rất nhiều bộ "học bạ hoàn hảo", với những điểm 10 kín các môn. Thậm chí ở những môn khó đạt điểm trọn vẹn như Tiếng Việt cũng tràn ngập điểm 10.

Học bạ tiểu học kín điểm 10, Tiến sĩ giáo dục chỉ ra sự bất thường: Trẻ chỉ có 24h/ngày, sao làm được điều đó? - Ảnh 1.

Phụ huynh lo lắng vì năm nay trường Ams tuyển sinh lớp 6 bằng phương thức xét tuyển.

Học bạ tiểu học kín điểm 10, Tiến sĩ giáo dục chỉ ra sự bất thường: Trẻ chỉ có 24h/ngày, sao làm được điều đó? - Ảnh 2.

Học bạ tiểu học kín điểm 10, Tiến sĩ giáo dục chỉ ra sự bất thường: Trẻ chỉ có 24h/ngày, sao làm được điều đó? - Ảnh 3.

Những bộ "học bạ hoàn hảo" nhiều không đếm xuể

Năm 2015, Bộ GD&ĐT ra công văn không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 dưới bất kì hình thức nào. Theo đó các trường THCS chỉ được tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức xét tuyển, nhằm giảm áp lực thi cử cho các em. 

Những năm sau đó, dư luận xôn xao khi xuất hiện rất nhiều những bộ "học bạ hoàn hảo" với điểm 10 kín các môn. Trong một lần chia sẻ với báo chí vào năm 2017, Hiệu trường THPT Lương Thế Vinh - PGS Văn Như Cương cho biết: "Tôi hoảng quá, có đến 1.000 hồ sơ (trên 4.000 hồ sơ nộp vào trường) được điểm 10 tuyệt đối cả hai môn Toán, tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học. Những năm trước học sinh đỗ qua kỳ thi tuyển sinh vào trường chúng tôi dù điểm học bạ cao, nhưng không quá nhiều điểm 10 hai môn suốt 5 năm như thế.

Từ khi đi học đến khi đi dạy và nhiều năm gần đây, tôi cũng không thấy học bạ nào được 10 Toán lẫn Văn từ lớp 1 đến lớp 5. Ngày xưa được 7 điểm môn Văn đã khó, hiếm hoi đặc biệt lắm cô giáo mới cho điểm 10. Môn Toán đạt điểm 9 cũng là mừng.

Học bạ tiểu học kín điểm 10, Tiến sĩ giáo dục chỉ ra sự bất thường: Trẻ chỉ có 24h/ngày, sao làm được điều đó? - Ảnh 4.

Thầy Văn Như Cương từng hoảng vì có quá nhiều học bạ điểm 10 xuất hiện.

Do có hàng nghìn hồ sơ đạt điểm tuyệt đối mà chỉ tiêu tuyển sinh chỉ được 600, chúng tôi buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để lọc hồ sơ. Nhưng cứ 10 thí sinh đăng ký vào trường thì 3 em có giải thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, thi Toán, tiếng Anh qua mạng, thi thể dục thể thao…

Không hiểu sao học sinh hai năm qua (2015, 2016) lại được nhiều điểm tuyệt đối, nhiều giải thưởng ở các cuộc thi như vậy".

Trong 2 năm trở lại đây (2019, 2020), dư luận cũng xôn xao trước những cuốn "học bạ đẹp như mơ" nộp xét tuyển vào lớp 6 trường THCS Hà Nội - Amsterdam. Năm 2019, theo danh sách mà trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam công bố, có tổng cộng 933 học sinh đủ điều kiện dự xét tuyển vào lớp 6 của hệ THCS. Trong bảng danh sách, tìm mỏi mắt mới có học sinh được 9 điểm.

Còn năm 2020, có hơn 1.200 học sinh có điểm học bạ 5 năm cấp tiểu học "toàn 10" cạnh tranh 180 suất vào lớp 6 của trường.

Học bạ tiểu học kín điểm 10, Tiến sĩ giáo dục chỉ ra sự bất thường: Trẻ chỉ có 24h/ngày, sao làm được điều đó? - Ảnh 5.

Danh sách đủ điều kiện dự thi vào lớp 6 Trường Amsterdam với học bạ toàn điểm 10 năm học 2019-2020.

Học bạ tiểu học kín điểm 10, Tiến sĩ giáo dục chỉ ra sự bất thường: Trẻ chỉ có 24h/ngày, sao làm được điều đó? - Ảnh 6.

Danh sách đủ điều kiện dự thi vào lớp 6 Trường Amsterdam với học bạ toàn điểm 10 năm học 2020-2021.

Vì sao ngày càng nhiều "học bạ hoàn hảo" xuất hiện? Phải chăng là do chất lượng giáo dục đang đi lên, dẫn đến việc thành tích học tập của học sinh tăng vượt trội so với trước? 

"Có những thứ bị hy sinh để đổi lấy điểm 10 HOÀN HẢO"

Đó chính là ý kiến của Tiến sĩ Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nói về những bộ "học bạ hoàn hảo", nữ Tiến sĩ cho biết: "Ở cấp 1, vì để khuyến khích tinh thần học tập của các con, giáo viên thường chấm điểm thoáng hơn một chút. 

Trước các kỳ kiểm tra, các cô cho học sinh ôn tập kỹ, làm đi làm lại một số dạng bài cố định. Hoặc một số trường hợp, giáo viên đẩy nhanh tiến độ dạy để ôn thi sớm cho học sinh. Chưa kể là ở nhà, các con cũng được bố mẹ rèn thêm rất rất nhiều. Chính vì vậy, trẻ cấp 1 được điểm cao là dễ hiểu. Nhưng để được mức ĐIỂM HOÀN HẢO lại là điều khác. Đây là 2 phạm trù khác hẳn nhau!

Tiến sĩ Hương lấy ví dụ, trong chương trình Toán lớp 3, nổi bật nhất là bài cộng trừ nhân chia, bảng cửu chương. Nếu dạng bài đó được giáo viên rèn đi rèn lại thì dù học sinh có năng lực tầm trung cũng có thể làm "hoàn hảo". Nhưng khi mất quá nhiều thời gian để rèn dạng bài đó thì các em sẽ thiếu hụt thời gian hơn cho các dạng bài khác.

Học bạ tiểu học kín điểm 10, Tiến sĩ giáo dục chỉ ra sự bất thường: Trẻ chỉ có 24h/ngày, sao làm được điều đó? - Ảnh 7.

Mở rộng hơn, nếu muốn đạt điểm hoàn hảo cho môn Toán thì học sinh sẽ phải hy sinh thời gian của các tiết học khác như Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Kỹ năng sống,... để chỉ chú tâm vào Toán. Thực tế có chuyện nhiều giáo viên môn chính xin tiết các môn phụ để rèn môn chính cho học sinh. 

Khi ngày càng nhiều "học bạ hoàn hảo" xuất hiện, Tiến sĩ Hương đặt ra câu hỏi: "Để đạt được mức điểm hoàn hảo, chắc chắn trẻ đã phải hy sinh nhiều thứ. Nếu học sinh toàn được điểm 10, một thành tích quá hoàn hảo như vậy thì liệu rằng tất cả các mục tiêu trong giáo dục tiểu học đã đạt đến mức hoàn hảo? Hay là một số mục tiêu không bao giờ được động tới để dành thời gian rèn luyện những nội dung có ở trong các bài thi, để học sinh lấy được điểm 10 hoàn hảo?".

Theo Tiến sĩ Hương, trẻ cấp 1 ở nhà ngoài ôn lại bài vở thì còn phải học thêm nhiều kỹ năng mềm khác như dọn dẹp, rửa bát,... hay tham gia hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe. Vậy thời gian cho những hoạt động đó ở đâu, khi mà mọi phút giây đều đã dành cho việc rèn luyện điểm 10? Chắc chắn sẽ có những thứ được thiên vị và những thứ bị "bỏ xó"...

"Liệu những trường chất lượng cao như Ams đã chọn được đúng những học sinh giỏi? Hay chỉ là những học sinh có điểm hoàn hảo ở một số lĩnh vực, một số nội dung trong giáo dục tiểu học? Như vậy, lựa chọn của các trường này đã chính xác?", Tiến sĩ Hương đặt ra câu hỏi. Cũng theo nữ Tiến sĩ, để đạt được mức học bạ hoàn hảo kín 10 thì cả trường may ra chỉ được 1,2 em. Khi có cả nghìn hồ sơ thì tất nhiên đó là điều bất thường.

"Những điểm 10 hoàn hảo dày đặc không thể hiện sự thành công của giáo dục tiểu học mà đang chỉ ra sự bất ổn, mất cân bằng thì đúng hơn", nữ Tiến sĩ nhận định.

Cách đánh giá học sinh tiểu học áp dụng từ năm 2020-2021: "Bình mới rượu cũ"?

Theo Thông tư 27 – Ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 4/9/2020 và áp dụng từ năm học 2020-2021, giáo viên sẽ đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo bốn mức: Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, đây là cách đánh giá mang tính chất "bình mới rượu cũ". "Trước đây có danh hiệu Học sinh tiên tiến, thì giờ gọi là "Hoàn thành", rồi trước là Học sinh giỏi thì giờ là "Hoàn thành xuất sắc". Đây không phải sự tiến bộ trong cách đánh giá mà chỉ lặp lại những câu chuyện từ trước đến nay trong giáo dục tiểu học.

Thay vì chiến đấu để cho con được Học sinh giỏi thì giờ cha mẹ chiến đấu để cho con "Hoàn thành xuất sắc", nữ Tiến sĩ nhận định. Chị cho rằng, nếu đã đổi mới giáo dục, sẽ không có khái niệm "Xuất sắc" mà chỉ có "Hoàn thành" và "Chưa hoàn thành". Như vậy, phụ huynh mới bớt áp lực con phải hơn bạn, phải "Hoàn thành xuất sắc".

Thanh Hương

Tin mới