(Tổ Quốc) - Chiếc nồi đất vỡ làm đôi khiến “khổ chủ” đứng hình không biết vì sao và giờ nên xử lí như thế nào.
Mới đây, trên mạng xã hội Tiktok xuất hiện video ghi lại tình huống dở khóc dở cười của một cô gái. Cụ thể, khi đang nấu ăn cho cả gia đình, cô có đặt 1 niêu đất bên trong có gà lên bếp đun.
Không rõ tại sao, khi chuẩn bị nhấc niêu ra khỏi bếp thì phát hiện chiếc niêu đã bị nứt vỡ, khiến cho phần thân và đáy niêu tách ra làm đôi. Nếu muốn nhấc ra khỏi bếp, chỉ có thể nhấc phần thân, còn phần đáy cùng với thức ăn thì… không biết nên xử lí như thế nào.
Tình huống trớ trêu khi chiếc nồi đất vỡ làm đôi. (Video Tiktok Kelly Le)
Video nhanh chóng thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Bên dưới phần bình luận, đa số người xem đều phải ôm bụng cười vì tình huống của cô gái, một số người dùng cũng chia sẻ họ đã từng gặp phải tình huống trớ trêu như trên.
“Gà kho này lạ lắm”
“Gà vẫn ăn được chỉ là phí cái nồi thôi”
“Trước mình cũng từng bị y chang với cái nồi cá, sau đun mấy đồ sứ hay đất như này phải xem kĩ lắm luôn.”
Trên thực tế, việc sử dụng các loại nồi, niêu bằng các chất liệu đặc biệt như đất, sứ… trong nấu nướng không còn mấy xa lạ. Chúng giúp món ăn được dậy mùi, thơm ngon hơn nhờ vào nguyên liệu đất sét, cân bằng độ pH có trong món ăn. Thịt nấu trong nồi đất sẽ mềm chứ không bị khô.
Thêm vào đó, việc nấu ăn bằng nồi đất còn giúp món ăn giữ được nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe hơn. Các món ăn nấu trong nồi đất sẽ giàu các loại khoáng chất như sắt, phốt pho, canxi, magiê… hơn khi nấu bằng các loại nồi khác.
Nấu ăn bằng nồi đất vừa giúp thức ăn thơm ngon lại tốt cho sức khỏe hơn. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, cũng chính vì được làm bằng đất sét, nên nồi, niêu đất thường thích nghi nhiệt độ không tốt nếu thay đổi mức bếp đột ngột, dẫn đến rò rỉ, nứt thậm chí là vỡ nồi như trường hợp của khổ chủ bên trên.
Các chuyên gia về dụng cụ bếp chỉ ra, để đảm bảo nồi đất dùng được lâu bền nhất, tránh các sự cố trong quá trình sử dụng, người mua nên lưu ý bảo quản và dùng đúng cách ngay từ khi mới mua nồi về.
Trước khi sử dụng
Cũng theo các chuyên gia về dụng cụ bếp cũng như các đơn vị chuyên phân phối nồi, niêu đất, ngay khi mua về, điều đầu tiên cần làm đó là đừng nên sử dụng ngay mà hãy ngâm cả nồi và nắp trong nước lạnh từ 10 - 15 phút. Sau đó lấy ra lau khô hoặc để khô tự nhiên dưới ánh sáng mặt trời.
Ngâm nước trong nước lạnh từ 10 - 15 phút khi mua về. (Ảnh minh họa)
Ở vài lần đầu tiên đun nấu, hãy cho nồi lên bếp rồi vặn lửa từ từ để nồi không bị sốc nhiệt, dẫn đến nứt vỡ, cũng không nên tăng giảm nhiệt độ bếp đột ngột. Nếu bạn lấy nồi từ trong tủ lạnh ra, đừng vội đun nấu ngày mà hãy để một lúc bên ngoài, cho nhiệt độ của nồi được cân bằng với nhiệt độ phòng lúc ấy.
Trong khi sử dụng
Một số loại nguyên liệu, thực phẩm được khuyến cáo hạn chế sử dụng với nồi đất có thể kể tới như hành, tỏi phi trực tiếp hay lượng lớn dầu ăn. Các loại này sẽ khiến lớp men tráng bên trong nồi dần bị bong tróc, ảnh hưởng tới độ bền đẹp của nồi.
Thêm vào đó, trong quá trình đun nấu, cũng không nên thay đổi nhiệt độ bếp đột ngột, nồi đang được đun nóng không nên đổ nước lạnh vào bất ngờ.
Nồi đất phù hợp với những món ăn dùng lửa không quá lớn như kho, hầm. (Ảnh minh họa)
Nhiệt độ lý tưởng được khuyên dùng với nồi đất là khoảng 190 - 250 độ, thấp hơn khi đun với các loại nồi khác nên đun nồi đất thời gian làm chín thức ăn sẽ lâu hơn. Chính vì vậy, nó cũng đặc biệt phù hợp với các món ăn nấu ở lửa nhỏ như kho, hầm…
Sau khi sử dụng
Việc xử lí nồi đất sau khi đun nấu xong cũng ảnh hưởng không nhỏ đến độ bền của nồi.
Vì đặc điểm của nguyên liệu đất sét làm nên nồi giữ nhiệt tốt, nên sau khi tắt bếp, nồi vẫn còn rất nóng, đừng vội vàng cho chúng vào chậu rửa nước lạnh ngay mà hãy để cho nguội bớt.
Cũng không nên đặt trực tiếp nồi lên mặt bếp đặc biệt là mặt bếp đá, độ nóng từ nồi có thể gây tác động tới mặt phẳng mà đặt nồi lên. Hãy sử dụng miếng vải dày, giá hay đế bất kì để lót đáy nồi.
Sử dụng miếng lót đáy nồi rồi mới đặt lên bàn, bàn bếp. (Ảnh minh họa)
Vệ sinh, rửa sạch nồi đất cũng cần tránh các chất tẩy rửa nặng hóa học và kì rửa quá mạnh. Để làm sạch các vết bẩn thông thường trên nồi như dầu mỡ, vụn đồ ăn, hãy dùng nước nóng để tráng nồi sau đó dùng giẻ rửa bát cọ xát thật nhẹ nhàng.
Nếu vết bẩn cứng đầu cọ vài lần chưa sạch ngay, hãy ngâm chúng trong nước thêm vài giờ đồng hô hoặc sử dụng baking soda để xử lí.
Thu Phương