(Tổ Quốc) - Trong cuộc sống, chúng ta vì thế không nên tạo áp lực cho con cái một cách mù quáng, chỉ cần dạy cho con tính tự lập và tự hoàn thiện bản thân là được.
Người ta thường nói rằng "nghèo nuôi con trai, giàu nuôi con gái". Ý nghĩa quan trọng của "nghèo" nuôi con trai là thông qua cảm nhận sự nghèo khó và gian khổ của bản thân mà từ đó rèn luyện và bồi dưỡng phẩm chất, ý chí cho con. Điều này có nghĩa, khi giáo dục con trai nên nghiêm khắc hơn, đặc biệt đối với vật chất.
Đây là quy luật của thế hệ xưa để lại, và nó vẫn được các bậc cha mẹ đương thời coi là "bậc nhất" của nền giáo dục. Nhưng trên thực tế, việc cha mẹ tước đoạt quyền lợi của con một cách cực đoan có thể sẽ giáng một đòn vào lòng tự trọng với những đứa trẻ đang tuổi lớn. Đây là lý do tại sao có nhiều bé trai mặc cảm hơn các bé gái. Trẻ không biết "ý định tốt" của cha mẹ, chúng chỉ biết rằng chúng không đạt được những gì mình muốn.
Nhiều học sinh không dám bộc lộ bản thân sau khi bị bắt nạt bên ngoài vì lo bị bố mẹ mắng vì chuyện này, hoặc một số đứa trẻ "nhạy cảm" không muốn bố mẹ tốn thêm tiền nên đã từ chối mọi thứ.
Một câu chuyện tại Trung Quốc mới đây được chia sẻ thu hút sự chú ý của các bậc cha mẹ. Một phụ huynh dẫn con đi mua ít trái cây. Đứa trẻ vốn rất thích ăn dâu tây. Khi chỉ vào 1 hộp dâu trên quầy, chủ quầy hoa quả nói: 28 tệ một cân, hộp này chắc khoảng 30 tệ (khoảng hơn 100 ngàn đồng).
Lúc này, cậu bé bất ngờ để dâu tây xuống và nói: "Ăn một hộp dâu tây có thể mất mấy giờ làm của bố mẹ. Thôi để lần sau con ăn vậy".
Nhìn dáng vẻ yếu ớt của con, người mẹ trong lòng có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Trên thực tế, gia đình chị cũng không nghèo khó đến nỗi không mua được cho con 1 hộp dâu tây. Chị cũng không bao giờ nghĩ rằng đứa trẻ nhỏ tuổi lại có thể suy nghĩ như vậy
Sau khi sự việc này được đăng tải trên mạng, rất nhiều cư dân mạng tỏ ra đồng cảm, một số người cho rằng nhà mình từ nhỏ đã không có tiền, hoặc có tiền nhưng sợ bố mẹ nên mua cái gì đắt tiền cũng có cảm giác tội lỗi. Rõ ràng không tự nhiên mà đứa trẻ phân vân so sánh khi mua dâu tây. Hẳn rằng trong cuộc sống thường ngày, trẻ đã được bố mẹ nhắc nhở những điều tương tự.
Những đứa trẻ "biết nghĩ" như vậy được coi là ngoan ngoãn trong mắt cha mẹ nhưng khi lớn lên và thấy đồ của người khác đắt hơn đồ của mình, các em sẽ cảm thấy rất tự ti, thậm chí còn đố kỵ và ghen ghét, dần dần cảm thấy mình không theo kịp người khác, chỉ biết sống trong tăm tối. Một số em thậm chí còn tiêu xài phung phí sau giờ làm việc để bù đắp cho những gì họ không có trước đây.
Cha mẹ thực sự vì lợi ích của con và muốn cho con mình biết rằng tiền bạc là khó kiếm, muốn con chịu khổ để tự lập, nhưng hãy nghĩ xem, nếu cha mẹ cứ nói với con cái họ đã tiêu bao nhiêu và đã trả bao nhiêu trước mặt con cái thì điều này thực sự không tốt cho trẻ, cũng không có ích gì cho việc giáo dục. Hành vi này của cha mẹ sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy rất tội lỗi.
Thực ra, không có nghĩa là bố mẹ không cho trẻ nhận thức cơ bản về tiền và cho con biết rằng đồng tiền khó kiếm được. Nhưng nếu bạn luôn nhắc đi nhắc lại những chủ đề này sẽ không giúp ích được gì mà chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.
Làm như vậy có thể khiến trẻ cảm thấy rằng chúng nợ bố mẹ rất nhiều và trở nên rất tự ti, cảm xúc với cha mẹ cũng sẽ thay đổi. Đa số những đứa trẻ này sẽ cảm tính thái quá, đồng thời cũng khó sống vui vẻ hạnh phúc. Trong cuộc sống, chúng ta vì thế không nên tạo áp lực cho con cái một cách mù quáng, chỉ cần dạy cho con tính tự lập và tự hoàn thiện bản thân là được.
Hiểu Đan