(Tổ Quốc) - Nghe câu nói người phụ nữ hét lên vào mặt cảnh sát, mọi người xung quanh không giấu được sự ngạc nhiên.
Trẻ con đôi khi xích mích là chuyện bình thường, nhưng một số phụ huynh thường có cách cư xử thiếu tệ nhị khi nghĩ con mình bị bắt nạt. Mới đây, ngay lối vào một trường mẫu giáo tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), khi một vài đứa trẻ đang chơi đùa, có hai bé gái đã vấp phải nhau và cùng ngã xuống đất.
Ban đầu mọi chuyện không có gì to tát nhưng một người phụ nữ bất ngờ xuất hiện và đá vào người đứa trẻ mặc áo đỏ. Thấy con gái bị đánh, mẹ của bé gái mặc váy đỏ đã ôm con và đạp vào đứa trẻ mặc váy hồng. Sau đó hai bà mẹ lao vào đánh nhau túi bụi.
Không thể can ngăn, các phụ huynh khác đã gọi điện báo cảnh sát. Tuy nhiên, cô Lưu, mẹ của một trong hai bé gái không những không hợp tác mà còn tát thẳng vào mặt nữ cảnh sát khi cô này tìm hiểu sự việc.
Khi bị cảnh sát khống chế và đè xuống đất, người phụ nữ hét lên: Tao vừa ra khỏi trại giam, có dám bắt lại không? Cuối cùng, người phụ nữ bị giao cho đồn cảnh sát gần đó vì tình nghi hành hung người thi hành công vụ.
Trên thực tế, việc trẻ bị va chạm nhỏ hoặc ngã xuống đất khi chơi chung là chuyện bình thường, nhiều bậc cha mẹ sẽ đỡ con dậy, hỏi rõ ngọn ngành rồi yêu cầu con xin lỗi hoặc rời đi để tránh xảy ra mâu thuẫn.
Hành vi đánh con gái của người khác của người phụ nữ họ Lưu bị cư dân mạng phản ứng dữ dội. Họ cho rằng với bản tính côn đồ này, người mẹ sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển nhân cách của đứa trẻ: "Vừa ra tù không có nghĩa là sẽ không bị vào tù lại"; "Bé gái nên được cách ly khỏi người mẹ như thế này"...
Xử lý như thế nào khi con đánh nhau?
1. Lập tức can thiệp
Tách hai đứa trẻ đánh nhau và nói với chúng rằng "cả 2 đều sai khi đánh nhau". Lúc này, bạn đưa con đi nơi khác và nói rằng con chỉ được quay lại khi đã kiểm soát được cơn tức giận của mình.
2. Cố gắng giữ bình tĩnh
Hãy kiềm chế cơn nóng giận để tránh việc la mắng bé, bởi điều này chỉ làm cơn giận của con trở nên dữ dội hơn. Hãy giữ bình tĩnh và dạy cho con cách kiểm soát cơn tức giận của mình như hít sâu, quay mặt đi hướng khác, đếm ngược... Khuyến khích trẻ thể hiện sự tức giận bằng ngôn ngữ, cho trẻ biết rằng sự tức giận có thể được cho phép, nhưng đánh đập là sai. Điều này có thể khiến tâm trạng trẻ dễ chịu hơn nhưng không bị ức chế vì phải kìm nén cảm xúc.
3. Dạy con bảo vệ bản thân khi bị bạn đánh
Khi bạn đánh con thì con cần giữ tay bạn lại và không cho phép bạn làm đau con. Bố mẹ có thể đóng vai để giúp con biết cách giữ tay người đánh. Làm lại vài lần cho tới khi con học được kỹ năng ấy hoặc cho đến khi con còn hứng thú.
Nói với con sử dụng bạo lực là sai, nhưng hãy để trẻ biết rằng bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi chúng tức giận hoặc cần giúp đỡ, bố mẹ sẽ sẵn sàng ở bên cạnh mọi lúc để trẻ không cảm thấy mình bị cô lập hay bất lực.
Bên cạnh đó, muốn trẻ không bạo lực và đánh người thì cha mẹ ở nhà phải là tấm gương tốt. Đừng lấy danh nghĩa người lớn để bạo hành, đàn áp trẻ. Điều này khiến trẻ em học cách sử dụng bạo lực để đối xử với những người khác xung quanh và với chính cha mẹ của chúng.
Hiểu Đan