(Tổ Quốc) - Thi đỗ hay thi trượt là chuyện hết sức bình thường. Mỗi người sẽ có riêng một con đường cho chính mình.
Thời gian trước, sĩ tử 2k3 trên cả nước vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Những ngày này, phụ huynh và học sinh đều đang xôn xao, chờ đợi kết quả trúng tuyển đại học. Bằng phương thức xét tuyển này hoặc phương thức xét tuyển kia, nhiều em đã biết được mình đỗ. Tất nhiên gia đình nào cũng tự hào, hãnh diện khi tên con mình có trong "danh sách vàng".
Vậy những đứa trẻ không đậu đại học thì sao?
Nhiều bạn trẻ sau khi thi rớt thì thất vọng về bản thân đến cùng cực. Nhìn bạn bè tung tăng nhập học còn mình thì lỡ dở, phải chờ thêm 1 năm nữa thì trở nên buông xuôi, chẳng còn tha thiết gì. Thế rồi, có em sa đà vào những cuộc chơi để tự giải phóng tinh thần, quên đi nỗi xấu hổ không bằng bạn, bằng bè. Đến khi bừng tỉnh, các em mới hốt hoảng nhận ra mình đã sống buông thả quá mức, thậm chí gây ra hậu quả nặng nề.
Xét cho cùng, trượt đại học cũng chẳng đáng sợ như ngày tận thế. Không đỗ đại học thì ta nộp đơn vào cao đẳng, trung cấp, học trung cấp nghề,... Trường nào cũng được, miễn sao trường đó phù hợp với bản thân, cho ta một hướng đi rõ ràng.
Có một câu nói rất quen thuộc: "Nhìn lên không bằng ai, nhưng nhìn xuống chẳng ai bằng mình". Tại sao cứ phải nhìn lên nhìn xuống, nhìn qua nhìn lại. Hãy cứ nhìn thẳng mà bước, đường của mình thì mình đi. Sao cứ phải cố làm hài lòng, vừa vặn tất cả? Công thức của sự thất bại là cố làm hài lòng tất cả mọi người.
Thực tế, việc thi đỗ hay không còn kèm yếu tố may mắn. Chẳng hạn như một bạn học tập rất giỏi, nộp hồ sơ vào trường top đầu và chỉ thiếu 0,25 điểm. Nhưng có thí sinh khác thành tích học tập hàng ngày kém hơn nhưng vẫn thi đỗ đại học nhờ chọn một trường có mức điểm chuẩn trung bình.
Năng lực học tập của bạn ra sao, chỉ bản thân bạn mới biết. Đừng vì một lần thất bại mà đã nhụt chí.
Về phía bố mẹ, đừng luôn áp đặt kỳ vọng, sở thích của mình lên con. Con phải là kỹ sư, con phải làm bác sĩ, giám đốc, doanh nhân này nọ,... Những nghề nghiệp khác dù không được mức lương quá cao như kỳ vọng nhưng cũng đâu tầm thường? Chẳng có nghề nào là tầm thường và đáng khinh.
Chỉ cần kiếm ra đồng tiền chân chính, dựa trên chính sức lao động của mình thì mọi nghề nghiệp đều cao quý. Thực tế, nhiều người chỉ học trung cấp nghề nhưng vẫn kiếm được tiền tỉ nhờ thạo việc.
Nhưng lựa chọn nghề nghiệp như nào mới đúng?
Một thầy giáo chủ nhiệm từng định hướng tương lai cho học trò: Có em nói muốn học nấu ăn, thầy bảo phải là bếp trưởng của khách sạn năm sao. Có em nói muốn học quản trị, thầy kêu phải giám đốc nhân sự của công ty này, tập đoàn kia,... Đặt mục tiêu cao để học trò phấn đấu là không sai. Nhưng giấc mơ cao quá cũng dễ là giấc mơ hão huyền.
Khi nhận những liều thuốc kích thích mạnh như vậy, học trò sẽ cảm thấy hừng hực khí thế. Nhưng khi nội hàm chưa đủ, bạn sẽ bẹp xuống như một quả bóng bay. Khi bạn cứ nằm đó mỗi ngày mà vẽ những giấc mơ viễn vông, thì bạn vẫn mãi là con số không ngơ ngác giữa cuộc đời.
Đời người đâu chỉ có một kì thi, và cũng đâu phải vì không đảm bảo các tiêu chí của kì thi ấy mà mọi con đường đến tương lai đều dừng lại. Chọn cho mình một công việc đúng với đam mê, bạn sẽ có nhiều động lực để cố gắng.
Không có con đường nào dành cho bạn là bằng phẳng. Chỉ có chính bạn trải nghiệm, vấp ngã rồi tự bản thân đứng dậy. Bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn và có những bài học giá trị cho chính mình.
Đam mê khi ấy sẽ là chiếc phao giúp bạn vững tin đi qua sóng gió. Đâu có công việc nào là nhỏ bé, cũng đâu có việc nào là lớn lao. Tất cả những điều đó là do quan điểm của mỗi người mà thôi.
Thi đỗ hay thi trượt là chuyện hết sức bình thường. Mỗi người sẽ có riêng một con đường cho chính mình. Vấp ngã thì đứng lên, sai thì ta làm lại cho đúng. Không có gì phải dằn vặt hay day dứt khi bản thân đã cố gắng. Chỉ cần ta sống đúng và sống tốt là đã thật sự thành công! CỐ LÊN BẠN NHÉ!
Thành Ngọc