(Tổ Quốc) - Mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh một lớp học có 36 học sinh thì 35 em được nhận giấy khen. Duy nhất 1 em ngồi tiu nghỉu khiến bản thân tôi cũng như dư luận một lần nữa suy nghĩ về vấn đề bệnh thành tích hiện nay.
Người xem bức hình đều thấy rõ cậu bé duy nhất trong lớp học không được nhận giấy khen quay mặt đi, tránh nhìn vào ống kính. Em học sinh này như trở nên lạc lõng, khác biệt ngay trong chính lớp học của mình.
Tôi băn khoăn tự hỏi, khi người giáo viên chụp lại tấm hình này và đưa lên mạng xã hội, họ có thấy một điều gì đó hơi bất nhẫn với em học sinh đang quay mặt đi đó hay không và khiến cho em học sinh đó cũng như phụ huynh của em cảm thấy bị tổn thương, chế giễu.
Nhìn hình ảnh này, bản thân tôi nếu là cha mẹ của cậu bé sẽ rất buồn. Người chụp có thể chụp để lưu lại hình ảnh làm kỷ niệm, nhưng có nhất thiết phải có loạt giấy khen giơ cao như vậy và càng có cần thiết đăng lên mạng xã hội cho tất cả cùng thấy hay không?
Những năm gần đây, chúng ta đều nhìn rất rõ "căn bệnh thành tích" ngày càng trầm trọng, đặc biệt ở các cấp học. Trước đây, một lớp học hay cả một khối học chỉ một số ít học sinh được nhận giấy khen, được tuyên dương. Tôi vẫn nhớ khi được nhận giấy khen như vậy, niềm vui thực sự có giá trị, ý nghĩa và là động lực để học sinh cố gắng hơn. Trong một lớp học, có sự phân biệt về xếp loại từng em từ yếu kém đến xuất sắc rất rõ ràng và việc kiểm tra, thi cử đến chấm điểm cũng được thực hiện chặt chẽ.
Còn bây giờ, lớp học gần như em nào cũng được nhận giấy khen, dễ dẫn đến việc "cào bằng" năng lực cũng như thành tích của học sinh. Chính điều này gây hiệu ứng ngược trong tâm lý, giấy khen là thứ dễ dàng đạt được. Nó không còn trở nên đáng quý trọng và sẽ không khiến cho các em học sinh nỗ lực phấn đấu để đạt được. Bản thân mỗi đứa trẻ sẽ không thể có cảm giác thích thú như một người chiến thắng trong một cuộc đua khi có điểm cao, được khen thưởng bởi vì các bạn đều điểm cao và được tặng giấy khen như nhau.
Nhiều gia đình vì muốn con em mình cuối năm học phải được nhận giấy khen, được danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc… để "mở mày mở mặt". Họ không cần biết thực chất khả năng học tập của con em mình như thế nào, đã xứng đáng hay chưa nên vấn nạn chạy theo thành tích càng lan rộng hơn. Nhiều đứa trẻ đã bị đánh mắng, chê bai và bị so sánh với nhiều đứa trẻ khác chỉ vì không được khen thưởng cuối năm, trong khi các bạn đều được, dẫn đến trẻ mang tâm lý sợ hãi, khép mình, mất tự tin…
Bệnh thành tích có lẽ đã trở thành một vấn nạn. Vấn nạn này có thể đã trở thành thói quen, là điều bình thường và hiển nhiên ở cuối mỗi đợt tổng kết năm học nên mới có việc giáo viên chụp hình, post lên mạng xã hội một cách rất vô cảm, mà không cần xét xem bức hình đó có thực sự đẹp và nhân văn hay không. Và, càng đáng suy ngẫm hơn, một nền giáo dục đang lấy học sinh – con người là trung tâm hay lấy thành tích làm mục tiêu của sự phát triển? Có tất cả vì học sinh thân yêu hay không và mỗi đứa trẻ đến trường mỗi ngày là một ngày vui hay không?
Giáo dục trọng giấy khen, bằng cấp, sẽ tạo ra những cỗ máy, những kết quả giống nhau; kìm hãm sự sáng tạo, phát triển cá nhân. Thực tế xã hội đã cho thấy, việc học Đại học hay có bằng cấp cao không còn là quá khó, sinh viên ra trường đều đa số đạt bằng tốt, nhưng tại sao tỉ lệ thất nghiệp vẫn khá cao và thiếu kỹ năng thực tiễn? Trong khi có nhiều người không có bằng cấp cao, thậm chí không tốt nghiệp đại học lại rất thành công. Câu trả lời chắc chắn vẫn còn bỏ ngỏ.
Chỉ một tấm hình nhưng lại gieo vào lòng con người nhiều ám ảnh, tấm hình không lời mà như nói lên được nhiều điều nhức nhối hiện nay. Đến khi nào thực trạng chạy theo thành tích mới được xoa dịu và việc học tập cũng như đánh giá lực học của người học thiết thực hơn và những chiếc giấy khen được trở về với giá trị thực sự của chúng.
Trần Huệ