(Tổ Quốc) - Xoay quanh chủ đề "Chuyện trường chuyên" đang gây tranh cãi mấy ngày gần đây, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam đã có bày tỏ quan điểm của mình.
GS.TS Phan Thanh Sơn Nam hiện là Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa TP HCM. Anh tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật hóa học – hóa hữu cơ tại ĐH Bách khoa năm 1999; bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật hóa hữu cơ tại ĐH Sheffield (Anh) năm 2004, hoàn tất khóa học thực tập sinh sau tiến sĩ tại Viện công nghệ Georgia (Mỹ) năm 2006. Và từ 2006 đến nay, anh công tác tại khoa Kỹ thuật hóa học tại ĐH Bách khoa TP.HCM.
Năm 2015, anh trở thành giáo sư trẻ nhất Việt Nam khi mới 36 tuổi. Ngoài ra, anh còn nhận thêm các bằng khen của Đại học quốc gia TP.HCM cho Giảng viên đạt thành tích công bố khoa học xuất sắc năm học 2007 – 2008; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Đoàn viên – Thanh niên tiêu biểu khối cán bộ - giảng viên trẻ Đại học quốc gia TP. HCM năm học 2007 – 2008.
Xoay quanh chủ đề "Chuyện trường chuyên" đang gây tranh cãi mấy ngày gần đây, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam đã có bày tỏ quan điểm như sau:
Hôm trước báo đăng những cuốn học bạ toàn điểm 10 của học sinh dự tuyển vào lớp 6 trường chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ams) làm nhiều phụ huynh choáng, rồi một cựu học sinh đưa ra ý kiến nên đóng cửa trường Ams hoặc bán cho tư nhân, và cho tất cả mọi trường chuyên chứ không riêng gì trường Ams.
Đề xuất này kéo theo nhiều ý kiến trái chiều tranh luận rất sôi nổi. Bạn bè mình có nhiều bạn học trường chuyên, học trò mình cũng vậy, thật sự trong đó có nhiều bạn rất giỏi, mình không bằng được họ. Tuy nhiên, nhiều bạn bè hay học trò của mình cũng khá thành công, nhưng không xuất thân từ trường chuyên nào cả. Có lẽ ngày xưa, khi lập ra trường chuyên, người ta muốn tạo ra một tầng lớp tinh hoa để đưa Việt Nam ra biển lớn.
Mình chưa bao giờ có cơ hội học trường chuyên cả, nên chỉ đứng xa xa nhìn thôi chứ không tham gia tranh luận. Có nhiều bài tập Hóa của trường chuyên, ngày xưa mình không giải được, giờ này mình cũng không giải được luôn. Thật ra mình không muốn mất thời gian với những kiểu bài tập như vậy, vì không thực tế với ngành nghề của mình là chemical engineering (kỹ thuật hóa học).
Đã từng là học sinh, sinh viên, được đi đây đi đó, và cũng mười mấy năm tiếp xúc với sinh viên đến từ nhiều nơi khác nhau, mình có một ước muốn nhỏ bé, là nên bỏ hết tất cả các bài tập khó ở chương trình phổ thông ở tất cả các môn, chỉ giữ lại những phần cơ bản nhất, để dành thời gian làm chuyện khác. Thời gian còn lại, xin hãy thiết kế chương trình học để có thể làm những chuyện có ích hơn:
1. Dạy thêm cho các em thật nhiều môn khác là thể dục, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, điền kinh… Các em ấy biết càng nhiều môn thể dục thì càng tốt, không phải chỉ dạy cho biết, mà phải luyện tập thường xuyên. Sống nửa đời người, mình đã thấm thía sức khỏe phải là số một, không có sức khỏe tốt thì công danh sự nghiệp tiếng tăm danh vọng đều trở thành vô nghĩa hết.
2. Dạy thêm cho các em biết cách sử dụng tiếng Anh thật thành thạo. Hiện tại, nhiều gia đình khá giả ở TP.HCM cho con mình học thêm tiếng Anh ở các trung tâm đắt tiền, tuy nhiên, đâu phải ai cũng có điều kiện đó. Cũng cần xem lại chuyện dạy và học tiếng Anh ở bậc phổ thông đi. Mình đã quá thấm thía chuyện trong 3 tháng đầu tiên ở Anh, nghe thầy giảng bài mà chẳng hiểu gì cả.
3. Dạy thêm cho các em biết thương những phận đời dưới đáy xã hội, để rồi các em có thể sống nhân hậu hơn, và không còn vô cảm trước những hoàn cảnh kém may mắn. Những chuyến đi đến nhà dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, trung tâm nuôi dưỡng người tàn tật sẽ giúp thêm các em thấy được bản thân mình còn quá may mắn. Điều này thì môn giáo dục công dân không thể giúp được các em.
4. Dạy thêm cho các em kỹ năng làm việc nhóm, để các em hiểu rằng không thể thành công nếu chỉ làm việc thui thủi một mình. Làm việc nhóm cũng sẽ giúp cho các em nhận ra rằng có những con người thật đáng ghét nhưng mình vẫn phải học cách làm việc chung với người ta, và giúp các em có thêm kỹ năng đối phó với những người nói thật hay nhưng suốt ngày đùn đẩy công việc cho mình.
5. Dạy thêm cho các em một số kỹ năng sống tối thiểu, để lỡ một mai không có ba mẹ đi bên cạnh, các em ấy vẫn đủ bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn thử thách của cuộc đời, mà cuộc đời thì đâu ai biết được ngày mai rồi sẽ ra sao. Nhồi nhét thật nhiều kiến thức chuyên môn, nhưng cuối cùng thì các em vẫn không thể tự lo được cho bản thân mình, thì có phải là quá bi kịch hay không.
Mình nghĩ rằng ở bậc phổ thông, hãy cho các em một chương trình học nhẹ nhàng nhất và cơ bản nhất có thể được, để còn thời gian mà làm 5 cái mục nói trên cho các em. Hiện tại, một thảm họa của việc bắt học trò học quá nhiều và làm quá nhiều những bài tập khó ở bậc phổ thông là học trò không còn kỹ năng tự học nữa.
Muốn có kỹ năng tự học, thì cần thời gian và cần được dạy đúng cách, mà khổ cái là quá nhiều bài tập khó cần phải hoàn thành, nên cứ nhồi nhét cho xong. Hậu quả, lên đại học sẽ lãnh đủ. Đáng ra, học xong phổ thông, vào đại học thì tâm hồn và sức khỏe phải phơi phới, nhưng thực tế là học xong phổ thông, có những bạn đã bắt đầu mệt mỏi với chuyện học hành, đành phải lê lết cho qua ngày đoạn tháng để lấy được tấm bằng đại học.
Mô hình trường chuyên có tốt hay không, chỉ có những người trong cuộc mới có câu trả lời chính xác. Mình không rõ những người ngày xưa dành quá nhiều thời gian vào những bài tập quá khó ở các lớp chuyên, bây giờ nhìn lại, có thấy việc đó thật sự có ý nghĩa cho thành công của họ khi bước ra đời hay không.
Ngay cả bản thân mình, nếu như ngày xưa có điều kiện hơn, nếu mình có cơ hội được học trường chuyên như nhiều bạn bè cùng trang lứa, thì cũng không biết mình có thành công hơn mình của hiện tại chút nào không nữa.
Sống nửa đời người, mình chỉ tiếc nuối một điều thôi, nếu ngày xưa có điều kiện hơn, chắc chắn mình sẽ giỏi tiếng Anh hơn, chắc chắn sức khỏe mình sẽ tốt hơn, chỉ cần vậy thôi là mình sẽ làm được nhiều việc hơn nữa.
Minh Hà