(Tổ Quốc) - Những đứa trẻ thường được bố mẹ bao bọc nhưng khi không có ai xung quanh, các em cần có khả năng tự lực nhất định.
Nhiều cha mẹ thường ít chú trọng đến ý thức an toàn và dạy con kỹ năng tự cứu mình trong trường hợp khẩn cấp, trong khi đây thực sự là điều đáng lưu ý. Câu chuyện mới đây được một phụ huynh chia sẻ trên một hội nhóm nhận về nhiều sự chú ý.
Cụ thể, phụ huynh này gặp một em bé 6 tuổi ở sân bay bị lạc người thân, lưng đeo balo nhưng trên người không có bất cứ thông tin cá nhân gì, hỏi số điện thoại cha mẹ không nhớ. Hỏi con đi với ai, trả lời "con đi với bà", hỏi bà con tên là gì, trả lời: "Bà con tên bà nội". "Phỏng vấn em ấy mà hoang mang style quá ạ", người chia sẻ câu chuyện cảm thán.
Phụ huynh này cũng cảnh báo: Học là một phần, trang bị kỹ năng chắc các mẹ làm nhiều rồi nhưng thỉnh thoảng phải kiểm tra. Bởi rất nhiều cháu thuộc lòng số điện thoại của cha mẹ nhưng đến lúc lạc, khóc nhiều quá, sợ quá nên chẳng nhớ gì cả.
Câu chuyện của phụ huynh này nhận về gần 1 ngàn lượt thích cùng hàng trăm bình luận và chia sẻ. Nhiều bậc cha mẹ "giật mình" vì từ trước tới nay mình cũng lơ là trong việc dạy con kỹ năng ứng phó khi đi lạc. Bên cạnh đó, một số phụ huynh cũng cho biết, họ chú trọng việc giáo dục con về vấn đề này ngay từ khi còn rất nhỏ:
- Ngay từ 2 tuổi mình đã dạy bé thuộc số điện thoại, địa chỉ nhà rồi và luôn hỏi lặp lại mỗi khi đi chơi cùng con cho nhớ. Có lần đi lạc mẹ trong khu trung tâm thương mại, con lúc ý 3,5 tuổi cũng biết ra nhờ chú bảo vệ gọi điện cho mẹ và ngồi chờ mẹ ra đón.
- Bạn nào tự tin là con nhớ số điện thoại bố mẹ rồi, nhớ thông tin rồi thì hãy thử đưa con ra siêu thị hay nơi đông người rồi thử tình huống con lạc xem có nhớ được số điện thoại lúc con hoảng loạn không? Nếu vẫn bình tĩnh nhớ được thì coi như tốt nghiệp.
- Bạn nhà mình năm 6 tuổi cho lên Bờ Hồ chơi, quay đi quay lại không thấy bạn ý đâu. Mẹ và dì nháo nhác đi tìm, một lúc thì thấy bạn đang đứng cạnh chú bảo về đợi chú gọi điện thoại cho mẹ. Cái hay là máy mà con nhớ số hôm đó mẹ sạc pin để quên ở nhà. Ngoài việc dặn con nhớ số điện thoại và địa chỉ nhà thì bố/mẹ cũng nên sạc pin đầy và cầm theo khi đi ra ngoài.
Bố mẹ cần làm gì để dạy con các kỹ năng an toàn khi ra ngoài?
Những đứa trẻ thường được bố mẹ bao bọc nhưng khi không có ai xung quanh, các em cần có khả năng tự lực nhất định. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phụ huynh chủ quan không lường trước được những tình huống bất ngờ xảy ra, không dạy con trước một số kỹ năng nên lúc nguy cấp thực sự trẻ không biết cách xử lý như thế nào cho hợp lý.
1. Để trẻ ghi nhớ một số thông tin cần thiết
Sau khi trẻ lên 3 tuổi, trẻ có thể học được rất nhiều điều và ghi nhớ tốt. Lúc này, bạn có thể dạy trẻ một số thông tin về gia đình như tên, số điện thoại di động của bố mẹ, địa chỉ nhà. Biết đâu một ngày nào đó, con cái có thể sử dụng những thông tin quan trọng này để nhờ người khác giúp liên hệ với gia đình.
Tuy nhiên, vì trí nhớ của trẻ nhỏ chưa được tốt nên bạn hãy cài vào ba lô, túi áo của con mảnh giấy ghi tên, địa chỉ, điện thoại của mình. Dặn trẻ giữ mảnh giấy này cẩn thận và hãy đưa cho người lớn để liên lạc gọi ba mẹ đến đón trẻ sớm. Ở nhà, bố mẹ có thể cùng con tập đi tập lại các tình huống giả định để giúp cho trẻ biết cách phản ứng và hành động đúng nhất. Hoặc có thể tranh thủ những lúc đi đến nơi công cộng để "ôn bài" phòng lúc cần dùng đến con lại không nhớ.
2. Xác định người an toàn để xin giúp đỡ
Bố mẹ hãy dạy cho con biết những ai là người an toàn, có thể tin cậy nhờ giúp đỡ. Nếu con đi lạc ở nơi công cộng như siêu thị, rạp hát, công viên thì nên tìm đến những ông bố, bà mẹ có con nhỏ đi cùng hoặc những nhân viên mặc đồng phục.
Nếu ở ngoài đường phố, con có thể tìm đến các chú công an hoặc ghé vào nhà dân, một cơ quan ngay gần đó như ủy ban, ngân hàng để nhờ liên lạc với gia đình. Bố mẹ hãy dặn con tuyệt đối không nhận quà của người lạ, không cho người lạ đụng chạm vào cơ thể. Con phải tránh xa các đối tượng tỏ vẻ tốt bụng quá mức như cho tiền, cho quà bánh hoặc đồ chơi để dụ dỗ đi cùng.
3. Lập mật mã gia đình
Nếu ai đó nói với trẻ: "Đi theo cô/chú. Cô/chú sẽ dẫn cháu đến chỗ bố mẹ", điều đầu tiên mà trẻ nên làm là hỏi lại người lạ: "Tên bố mẹ cháu là gì? Mật khẩu gia đình cháu là gì?". Bạn nên lập ra một câu có vai trò như mật khẩu dùng trong các tình huống khẩn cấp. Sử dụng cụm từ ít ai nghĩ tới sẽ gây khó khăn cho người lạ có thể đoán ra, như "Cam Bông" chẳng hạn.
Hiểu Đan