(Tổ Quốc) - Một ngày của 1 du học sinh vừa học vừa làm, tự trả học phí và sinh hoạt phí khổ đến mức nào? Có đáng không?
"Các tấm chiếu mới" thường có câu này "em muốn đi châu Âu", "budget nhà em khoảng 200 - 300 triệu", "em không ngại đi làm thêm để…". Rất nhiều trung tâm du học cũng quảng cáo về việc các bạn chỉ cần đi làm thêm là sẽ đủ trang trải được tiền học, tiền sinh hoạt và thậm chí là gửi về nhà. Nhưng liệu một ngày của 1 du học sinh vừa học vừa làm, tự trả học phí và sinh hoạt phí khổ đến mức nào? Có đáng không?
Nguyễn Thị Kiều Mây hiện là sinh viên năm nhất Đại học Quốc tế Tokyo - ngôi trường xếp hạng thứ 3 trong tốp các trường đại học tốt nhất tại Nhật Bản. Bằng những trải nghiệm của chính bản thân và bạn bè xung quanh, cô cho rằng, du học sinh đi làm thêm có 2 loại: Đi làm cho có kinh nghiệm và Đi làm để tự chi trả mọi thứ. "Đây là xuất khẩu trá hình, chả học hành được gì và tất nhiên không đáng để đánh đổi".
Thỉnh thoảng mình nhận tin nhắn: "Chị ơi, em có nhắn tin với chị này trong nhóm du học Phần Lan, chị ấy bảo đi làm thêm thì thoải mái. (kèm ảnh chụp màn hình). Đó là kiểu nhắn tin đầy mùi pha-ke của các trung tâm du học đi lùa gà. Mình có quen vài bạn đi Phần Lan và đã inbox các bạn đó luôn, các bạn nói rằng đi làm thêm trang trải mọi thứ nghe hơi bất khả thi, có thể có nhưng chắc vài trường hợp thôi", Mây chia sẻ.
1. Câu chuyện thứ nhất
Bạn của Mây đang học 1 trường đại học tại Osaka, học phí là 240 triệu VND 1 năm (học phí trường này khá cao). Bạn ấy dồn tín chỉ vào 2 ngày, còn 5 ngày thì đi làm. Bạn làm ở 3 chỗ: Cửa hàng tiện lợi, quán cơm, và xưởng mỳ của 1 công ty gia đình. Đây là thời gian biểu 1 ngày:
7h: Thức dậy
9h - 13h: Cửa hàng tiện lợi
14h - 18h: Quán cơm
19h - 22h/23h: Xưởng mỳ (tuỳ khối lượng công việc)
24h: Về đến nhà
2h sáng: Đi ngủ
1 tuần, bạn nghỉ 2 ngày để học, thêm tối chủ nhật do xưởng mỳ đóng cửa. Về nội dung công việc: Lúc nào ít khách thì nhàn, nhiều khách thì chạy nhiều, làm xưởng mỳ thì phải đứng 1 chỗ. Thu nhập hàng tháng của bạn ấy khoảng 45 triệu VND. Sinh hoạt phí hàng tháng là 15 triệu VND, còn chưa kể các thể loại chi phí phát sinh.
Đây cũng là câu chuyện của rất nhiều bạn khác. Ở Nhật 10 bạn thì phải có 4-5 bạn như vậy.
Câu chuyện 2: "Nhiều người làm nhiều vẫn xin được việc đấy thôi"
Có bạn phản bác: "Nếu chị nói các bạn làm nhiều quá, không có thời gian học tập, kết quả học tập sẽ kém. Nhưng em thấy nhiều bạn vẫn xin được việc mà".
"Xin được việc" là xin việc gì? Mình có quen 1 chị học sư phạm Huế, sang Nhật học 2 năm tiếng Nhật, 2 năm biên phiên dịch, hiện tại đang làm tại công ty kim chi, làm trong phân xưởng, đứng quấn/đóng gói hàng. Còn 1 chị nữa, tốt nghiệp đại học ở Canada và hiện tại làm nhân viên quán bánh mỳ. Cái này được tính là "xin được việc" không? Người không biết thì nghe cụm từ "xin được việc" tưởng oai, chứ biết rồi sẽ có suy nghĩ khác.
2. Vòng luẩn quẩn của du học sinh làm thêm
Đó chính là: Làm nhiều -> không có thời gian học -> học kém -> trường tư -> học phí cao -> làm nhiều.
Với trường hợp trên, dù học phí 240 triệu rẻ hơn khá nhiều so với nhiều trường ở châu Âu hay 1 số nước nói tiếng Anh nhưng bạn du học sinh vẫn phải làm quần quật mới đủ chi trả. Nếu các ban sống ở 1 đất nước đắt đỏ hơn, hoặc chỉ có học bổng bán phần, các bạn định làm gì? Nếu không có việc làm thêm thì sao?
Người Việt Nam mình có câu "có sức khỏe là có tất cả, không sức khoẻ là không có gì". Làm khuya, thức khuya chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, không phải bây giờ thì sau này. Số lượng du học sinh chết do lao lực cũng không ít, báo đài đưa tin nhan nhản.
Làm nhiều thì lấy đâu ra thời gian mà học. Nhiều bạn đến lúc tốt nghiệp vẫn không có kiến thức chuyên ngành, chỉ bập bẹ được dăm ba câu giao tiếp, có tí gọi là "ngoại ngữ". Một cái đầu trống rỗng, 1 bộ não phẳng không đáng với công sức, thời gian, và tiền bạc mà các bạn đã bỏ ra.
3. Vậy có nghĩa đi du học thì không nên làm thêm?
Khi các bạn quyết định du học thì cần phải tìm hiểu và chọn lọc các thông tin, tránh tin vào những lời quảng cáo quá đà của các trung tâm tư vấn du học. Đã quyết định cho bạn đi du học, thì gia đình bạn cũng cần có nguồn lực tài chính nhất định để hỗ trợ.
Tuy nhiên, chắc chắn là các bạn vẫn nên đi làm thêm để lấy kinh nghiệm và học hỏi 1 số thứ: sức chịu đựng, nhẫn nại, tinh thần trách nhiệm,... Tuy nhiên nên làm thêm ở mức độ vừa phải. Về số làm thêm mỗi quốc gia lại có 1 quy định khác nhau: Ở Nhật được làm 28 tiếng/1 tuần, Ở Úc, Hàn thì được 20 tiếng/tuần. Vẫn có 1 số nước cấm đi làm thêm: Singapore, Hong Kong.
Nếu tài chính có hạn, Mây khuyên, trước tiên các bạn phải có định hướng rõ ràng: Học ở nhà hay vẫn muốn đi du học. Sau đó, đến khâu chọn quốc gia, và chọn trường. Đối với kinh phí thấp thì các bạn có thể nhắm đến 1 số nước châu Á như Nhật - Hàn, hoặc 1 số nước châu Âu có chương trình miễn học phí cho các đại học công lập.
Tiếp đến, các bạn phải tự tìm hiểu xem đất nước đó có được phép đi làm thêm hay không. "Các tốt nhất là các bạn nên liên lạc với các anh chị đi trước để hỏi tình hình. Có 1 số nước về lý thuyết, họ vẫn cho đi làm thêm, nhưng trên thực tế họ lại cấm. Ví dụ như Hong Kong hay Mỹ chẳng hạn. Chính phủ chỉ chấp nhận trong trường hợp các bạn làm thêm trong campus (trợ giảng).
Bạn nên tìm việc vừa sức, phù hợp với khả năng và luôn sẵn sàng rời xa các công việc này khi chúng có tốn quá nhiều thời gian và có dấu hiệu làm quá tải cuộc sống của bạn.
Những công việc bán thời gian có thể đem lại lợi ích trước mắt nhưng cũng kéo theo nhiều phiền toái khi bạn phải cân bằng giữa chuyện làm và việc học. Việc làm thêm cũng cần thiết, nhưng hãy luôn đề cao việc học vì đó mới là mục đích chính của việc du học", Mây nói.
Hiểu Đan