(Tổ Quốc) - Một bảng nội quy thoạt nhìn thì đơn giản nhưng chứa đựng nhiều điều đáng lo nghĩ sau đó.
"Đây là quả nội quy tự đặt ra cho chính mình của cô em lớp 3, sau nhiều ngày bị mẫu thân luyện võ mồm. Vừa thương vừa thấy muốn cười", bạn M.A, người chị của cô bé chia sẻ trên một hội nhóm. Theo M.A, em gái trong cơn giận hờn vì bị mẹ mắng đã vừa khóc vừa ngồi viết bảng nội quy này, sau đó dán lên cửa ra vào để đọc nhiều lần cho nhớ.
Bảng nội quy được cô bé chia rõ thành 17 điều:
1. Không cằn nhằn khuôn mặt
2. Nhanh nhẹn trong công việc
3. Không được nói tục với anh chị em và cha mẹ
4. Không được nhác làm
5. Phải gọn gàng khi ở nhà
6. Không được nói dối
7. Không được học kém
8. Không được ăn trộm tiền
9. Phải giúp cha mẹ
10. Ăn xong thì phải dọn
11. Không được xem ti vi nhiều
12. Không được ăn kẹo "rờ rờ"
13. Mẹ nói gì nghe đó
14. Không được chỉ tay vào người lớn
15. Về nhà phải cất xe gọn gàng
16. Phơi đồ rồi thì phải gấp đồ
17. Bị ốm cũng phải đi học đầy đủ
Bảng nội quy "dài ngoằng", lại chi tiết, rõ ràng từ một cô bé mới 9 tuổi làm cư dân mạng ai nấy thấy thích thú và nhớ lại tuổi thơ dữ dội bị mẹ mắng, đánh đòn. Và những lỗi mà cô bé mắc phải như ăn xong không dọn, phơi đồ quên gấp đồ, xem ti vi nhiều chắc hẳn ai cũng đã từng một vài lần bị nhắc nhở.
Tuy nhiên, "định thần" lại, nhiều người nhận ra bảng nội quy này có những điều đọc thấy "sai sai". Đành rằng tất cả yêu cầu của bố mẹ đều là muốn tốt cho con, tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng, bắt buộc con "Không được học kém; "Mẹ nói gì nghe đó"; "Bị ốm cũng phải đi học đầy đủ" là quá áp đặt với một đứa trẻ. Luồng ý kiến này cho rằng nếu căng quá sẽ tác dụng ngược vì tuổi này khá nhạy cảm.
"Nhìn áp lực quá. Người lớn mình nhiều khi còn không làm được hết như vậy, học sinh lớp 3 thôi sao khó quá đi. Mình cảm thấy bé đang không ổn. Nếu có thể bạn hãy lắng nghe và quan tâm em bạn nhiều hơn. Cứ lắng nghe, xin đừng phán xét nó, đừng áp đặt cái gì đúng, cái gì sai vào em cả. Có thể hướng luôn vào việc tích cực. Ví dụ: Không được nói tục với anh, mẹ thì sẽ là nói lời yêu thương với anh, mẹ nhiều hơn. Thay vì nói không được ăn kẹo thì nói ăn nhiều rau, củ, quả tốt hơn"...., một bạn nêu ý kiến.
Chính người chị cũng chia sẻ: "Thực ra mọi quy định bạn nhỏ nhà mình đặt ra cho bản thân, không hẳn là vì trước đó phạm lỗi hoặc chưa làm được. Chẳng hạn không ăn trộm tiền nó cũng chưa bao giờ làm. Có điều mẹ mình hơi nóng tính nên cách giáo dục cũng có phần bạo lực, bạn nhỏ thì lại cực nghe lời mẹ. Mình cảm nhận rõ điều này nên quyết định đăng bài để xem ý kiến mọi người như thế nào. Mình cũng thấy có một số vấn đề khá tiêu cực ở đây. Thật ra dù hơi nan giải nhưng gia đình mình cũng đang tìm cách để khắc phục".
Trên thực tế, chúng ta không thể bắt con cá leo cây. Mỗi đứa trẻ được sinh ra là duy nhất, tùy theo từng hoàn cảnh, cũng như gen di truyền mà sẽ có những tố chất và sự phát triển khác nhau, không ai giống ai. Có đứa học giỏi giang, có đứa chỉ lẹt đẹt trung bình khá. Có đứa thích học, có đứa thích âm nhạc, vẽ vời. Đồng thời, dù là trẻ con nhưng chúng cũng có chính kiến. Chuyện bắt con phải nhất nhất nghe lời phụ huynh có thể triệt tiêu tính phản biện, sáng tạo của trẻ, từ đó khiến trẻ thụ động, tự ti.
Nhiệm vụ của chúng ta là đồng hành giúp các con phát triển và có được kinh nghiệm của riêng con từ những thất bại hay thành công. Hãy để con phát triển theo đúng sở trường của con thì con sẽ tự tin và hòa nhập với bạn bè, cộng đồng xã hội, tương lai con cũng sẽ là một đứa trẻ thành công trong cuộc sống dù ở bất cứ ngành nghề nào.
Hiểu Đan