(Tổ Quốc) - Em "bóc phốt" bạn một cách thật thà thẳng thắn thế này thì bạn biết chui vào đâu cho đỡ ngượng hả em?
Kể sao cho hết những tác phẩm tấu hài của lũ trẻ khi được giao nhiệm vụ làm văn tả người này người kia hay kể một câu chuyện nhỏ. Chắc hẳn bạn đã từng cười ngất lên ngất xuống khi đọc những dòng tả người thân như thế này: "Bố em có dáng người thấp đậm, với cái bụng to khác bố người ta bụng thon 6 múi", hay "Mẹ không xinh lắm nhưng bác bán thịt lợn đầu ngõ vẫn phải ngước nhìn". Những thước văn "chân thực" đến phũ phàng quả thực khiến các "nạn nhân" cạn lời.
Nhưng có lẽ dù bá đạo đến đâu thì cũng chào thua "nhân vật số 1" sau đây. Được cô giáo ra yêu cầu Viết đoạn văn (từ 4 đến 5 câu) giới thiệu về người bạn ngồi cùng bàn với em, học sinh này thật thà viết: "Người bạn ngồi cùng bàn với em tên là N.M. Bạn 7 tuổi. Bạn có bệnh nói ngọng. Bạn đi vệ sinh trong lớp hơi nhiều".
Đoạn văn vỏn vẹn có 4 câu ngắn với 28 từ nhưng khiến ai nấy cười rũ rượi. Bạn đã nói ngọng còn đi vệ sinh hơi nhiều. Tả chân thật đến thế này bạn đọc được chắc mắc cỡ không biết chui vào đâu luôn quá. Ngoài việc được một phen xả stress hiệu quả vì sự ngây thơ, chân thật của chủ nhân bài văn, nhiều người cũng nhận định, học sinh 7 tuổi nhưng vẫn đi vệ sinh trong lớp thì bố mẹ cần phải chấn chỉnh ngay mới được.
Trên thực tế, ngay từ lúc học mẫu giáo, trẻ đã cần phải nắm bắt các kỹ năng cần thiết cho việc vệ sinh thân thể. Không chỉ biết cách lau chùi sau khi đi toilet, mà còn phải biết rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước và sau mỗi bữa ăn... Đặc biệt ở tiểu học, khác với môi trường mầm non, giáo viên ở trường công việc chính là đứng lớp giảng dạy, việc vệ sinh cá nhân các con phải tự làm, giáo viên khó có thể theo và giám sát các con được.
Chỉ khi trẻ thành thục những kỹ năng cơ bản này, cha mẹ mới yên tâm hơn và bản thân trẻ cũng tự tin dễ thích nghi hơn khi tới lớp.
Hiểu Đan