(Tổ Quốc) - Tưởng rằng những quả bóng này là chất thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng sự thật sẽ khiến mọi người phải nể phục ý tưởng sáng tạo.
Mùa hè nắng nóng khiến tình trạng hạn hán, thiếu nước diễn ra ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Các nhà chức trách cũng phải đau đầu tìm cách đối phó để đảm bảo đủ nguồn nước dự trữ phục vụ cho cuộc sống của người dân.
Năm 2015, chính quyền thành phố Los Angeles, bang California (Mỹ) đã có biện pháp đối phó với đợt nắng nóng kinh hoàng khiến cả thế giới phải nể phục và học theo.
Theo đó, các nhà chức trách đã cho thả 96 triệu quả bóng xuống hồ chứa nước Reservoir
ở Los Angeles, với tổng diện tích bề mặt rộng hơn 30.000 mét vuông, để chống hạn hán. Đây là nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm giữ lại lượng nước bốc hơi khỏi hồ, ước tính hơn 1 triệu mét khối mỗi năm - lượng nước đủ cho 8.100 người dùng trong vòng một năm.
Những quả bóng đen được thiết kế đặc biệt, thả trên mặt hồ nhằm giúp ngăn tia nắng mặt trời tiếp xúc làm bay hơi nước. Ngoài ra, những trái bóng này còn tạo thành một lớp bảo vệ bề mặt nước khỏi các loài động vật và ngăn chặn sự sinh sôi của tảo - những yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước.
Những quả bóng cũng góp phần ngăn chặn phản ứng hóa học tạo ra hợp chất bromate gây ung thư. Đây là hợp chất được tạo bởi brom và clo dưới mặt hồ, dưới chất xúc tác là ánh nắng Mặt trời. Một số người khi hấp thụ một lượng lớn bromate có thể gặp triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng.
Bóng cũng tạo hàng rào trên mặt nước ngăn chim chóc, động vật và các chất bẩn xâm nhập vào.
Tiến sĩ sinh vật học Brian White, cựu nhân viên Cục Thủy lợi và Năng lượng Los Angeles (LADWP) chính là cha đẻ của sáng kiến sử dụng bóng nhựa để bảo vệ nước. Ý tưởng này của ông đã từng được sử dụng để bảo vệ bộ hồ chứa của LADWP từ năm 2008.
Đây được đánh giá là giải pháp hiệu quả và kinh tế. Những quả bóng có kích thước tương đương một quả táo lớn, giá 36 cent/quả (khoảng 8.000 đồng), và có khả năng giảm sự bốc hơi hồ chứa từ 85% đến 90%. Tổng chi phí dự án là 34.5 triệu USD (tương đương 800 tỷ đồng).
Thi trưởng thành phố Los Angeles khi đó là ông Eric Garcetti cho biết sáng kiến này giúp tiết kiệm tới 250 triệu USD (hơn 5 nghìn tỉ đồng) so với các phương pháp tương tự, như tách hồ chứa vào cách xây đập chia cắt, hoặc che kín mặt hồ bằng một lớp vải có thể tốn hơn 300 triệu USD (hơn 6.960 tỷ đồng).
Tại sao lại phải là bóng màu đen?
Những quả bóng này được phủ đen bằng một lớp carbon đen, an toàn khi tiếp xúc với nước uống và khả năng phản xạ ánh sáng gần như bằng 0. Vậy nên tác dụng của màu đen trong trường hợp này là để cung cấp bóng râm.
Những quả bóng này sẽ tạo ra bóng râm và ngăn chặn ánh nắng Mặt trời, do vậy tia cực tím không thể tạo ra phản ứng xúc tác hóa học nguy hiểm.
Carbon đen là carbon gần như tinh khiết, sản xuất bằng cách đốt hydrocarbon trong môi trường kém khí. Nó chủ yếu được sử dụng trong chế tạo cao su (ví dụ như lốp xe) nhưng chỉ 9% được sử dụng làm thuốc nhuộm trong công nghiệp và mỹ thuật. Carbon đen có thể gây hại cho sức khỏe khi hít vào dưới dạng bột nhưng khi làm thuốc nhuộm thì lại rất an toàn. Vì vậy, màu đen trên những quả bóng này hoàn toàn không gây hại gì cho nguồn nước.
Màu đen còn giúp quả bóng tồn tại lâu hơn. Tia cực tím, thành phần trong ánh nắng Mặt trời có thể khiến chúng ta bị cháy nắng còn có một tác dụng khác: Phá hủy nhựa. Đây là vấn đề quan trọng vì tuổi thọ của quả bóng càng giảm thì chi phí thay thế sẽ gia tăng. Carbon đen phủ trên quả bóng sẽ ngăn tốc độ phá hủy của tia cực tím, gia tăng tuổi thọ cho chúng.
(Nguồn: Daily Mail)
L.T