(Tổ Quốc) - Tác phẩm văn học đi vào cuộc sống giống như một quả pháo bông bắn lên bầu trời. Bản thân nó phải có thuốc pháo và các hợp chất hoá học khác mới tạo nên ánh sáng và màu sắc trên nền trời...
Mới đây, một đề thi Ngữ Văn nghị luận xã hội được chia sẻ trên Facebook và nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Chỉ trong vài giờ đăng tải, đề thi này đã nhận về hơn 2,3k lượt like. Hầu hết cư dân mạng đều tỏ ra thích thú trước vấn đề mà đề bài đưa ra, cũng như sự "xoắn não" của đề. Bên cạnh đó, không nhiều bạn trẻ tự tin đạt được điểm cao với đề Văn này.
Cụ thể, nội dung câu nghị luận xã hội này như sau:
Bàn về tác phẩm văn học, Huỳnh Như Phương cho rằng:
Tác phẩm văn học đi vào cuộc sống giống như một quả pháo bông bắn lên bầu trời. Bản thân nó phải có thuốc pháo và các hợp chất hoá học khác mới tạo nên ánh sáng và màu sắc trên nền trời. Nhưng vẻ đẹp đó còn phụ thuộc vào chính không gian bầu trời: trong sáng hay u ám, có ánh trăng hay không có ánh trăng, có sương mù hay không có sương mù…
(Dẫn theo Lí luận văn học – vấn đề và suy nghĩ,
Tái bản lần thứ 2, NXB Giáo dục, 1999, tr.153)
Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
Được biết, đây thực chất là câu nghị luận xã hội nằm trong đề thi chọn đội tuyển Học sinh giỏi cấp tỉnh THPT năm học 2018-2019 của Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên. Đề còn có câu hỏi 1 với nội dung như sau: "Nếu không có đắng cay, liệu con người có tìm được chính mình?".
Nhìn chung, cả 2 câu hỏi đều có tính gợi mở rất cao, yêu cầu học sinh phải thực sự có năng lực học tập môn Văn tốt, cùng kiến thức xã hội thì mới có thể đạt được điểm cao.
Dưới đây là dàn bài gợi ý cho cả 2 câu hỏi:
Câu 1:
Yêu cầu về kĩ năng
– Xây dựng một bài văn nghị luận xã hội chặt chẽ, hợp lí bằng các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận…
– Bố cục bài viết rõ ràng, lập luận chặt chẽ, mạch lạc, dẫn chứng phong phú, tiêu biểu, hành văn trong sáng, có cảm xúc, thuyết phục, có nét riêng. Không mắc lỗi diễn đạt về các mặt chính tả, dùng từ, đặt câu.
b) Yêu cầu về kiến thức
Đây là đề văn mở, học sinh có thể kết cấu bài làm theo nhiều cách khác nhau miễn là các ý đưa ra lập luận chặt chẽ, có cơ sở và có sức thuyết phục người đọc. Sau đây là một số định hướng, không áp đặt đối với những bài làm có cách hiểu khác với định hướng nhưng hay và thuyết phục.
– Giải thích:
Đắng cay: được hiểu là những khó khăn, thử thách, trở ngại, mất mát, buồn đau… trong cuộc sống.
Tìm lại được chính mình: sống đúng với bản ngã, in đậm cá tính, dấu ấn tâm hồn với những giá trị tích cực, tốt đẹp của bản thân.
Những khó khăn, trở ngại thậm chí cả thất bại, buồn đau trong cuộc sống sẽ trở thành những thử thách, trui rèn ý chí, bản lĩnh cá nhân; giúp bản thân mỗi người phát huy tiềm lực, tài năng, có cơ hội bồi đắp hoàn thiện chính mình; được sống thực, chính danh với mình để vươn tới những giá trị tốt đẹp, những thành công rực rỡ.
– Bàn luận:
Cuộc sống hiện hữu luôn phong phú, đa chiều, tồn tại trong nhau và vì nhau nhiều mâu thuẫn đối lập; thôi thúc, mời gọi con người khát khao khám phá, lí giải.
Để giải quyết hài hòa những mối quan hệ ấy, bản thân mỗi người không chỉ biết tận dụng, phát huy những lợi thế, tốt đẹp mà còn phải biết hóa giải những khó khăn, trở ngại; xem đó như một đòn bẩy, một cơ hội để thể hiện bản ngã, khẳng định cá tính, tâm hồn.
Cuộc sống nếu chỉ có may mắn, hạnh phúc sẽ trở nên vô vị, nhàm chán; khiến con người dễ ích kỉ, hẹp hòi, gục ngã khi vấp phải thách thức, khó khăn. Hạnh phúc của mỗi người là khi được sống thực với con người mình, trải nghiệm và đón nhận cả niềm vui – nỗi buồn, đoàn viên – li biệt, hạnh phúc – khổ đau… như một phần tất yếu của cuộc sống.
Phê phán những người sống bi quan, nhút nhát, đớn hèn, hễ gặp khó khăn, trở ngại thì thở than, sợ hãi, né tránh hoặc gục ngã buông xuôi, đánh mất giá trị bản thân.
Bài học nhận thức và hành động: có ý thức xây dựng thái độ sống đúng đắn, tích cực, lạc quan để lựa chọn cho mình một cách sống phù hợp khi gặp những khó khăn, gian khổ, thử thách, trở ngại trong cuộc đời.
Câu 2:
a) Yêu cầu về kĩ năng
– Đây là dạng đề nghị luận về một ý kiến bàn về một vấn đề văn học. Học sinh cần vận dụng kiến thức về lí luận văn học; vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận, các phương thức biểu đạt để làm sáng tỏ một vấn đề lí luận văn học.
– Bố cục rõ ràng chặt chẽ. Diễn đạt lưu loát, văn giàu hình ảnh, cảm xúc chân thực. Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
b) Yêu cầu về kiến thức: học sinh có thể kết cấu bài làm theo nhiều cách khác nhau miễn là làm sáng tỏ vấn đề, thuyết phục người đọc. Dưới đây là một số gợi ý chính:
– Giải thích:
Tác phẩm văn học đi vào đời sống giống như một quả pháo bông bắn lên bầu trời. Bản thân nó phải có thuốc pháo và các hợp chất hoá học khác mới tạo nên ánh sáng và màu sắc trên nền trời: Ý nghĩa, vẻ đẹp thẩm mĩ được tạo ra của một tác phẩm văn học là nhờ vào cấu trúc thẩm mĩ nội tại của nó với một kiểu tổ chức độc đáo, bao gồm các yếu tố thuộc về ngôn từ, hình tượng, kết cấu – thể loại, tư tưởng.
Nhưng vẻ đẹp đó còn phụ thuộc vào chính không gian bầu trời: trong sáng hay u ám, có ánh trăng hay không có ánh trăng, có sương mù hay không có sương mù…: Vẻ đẹp của tác phẩm văn học khi đi vào đời sống còn phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài tác phẩm như người đọc, thời gian, không gian, bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội…
Nhấn mạnh mối quan hệ giữa tác phẩm văn học và người đọc: số phận, vẻ đẹp, ý nghĩa của tác phẩm văn học không phải vĩnh hằng, phi thời gian mà được hình thành trong tiến trình lịch sử. Khi điều kiện lịch sử và xã hội của sự tiếp nhận biến đổi thì ý nghĩa của tác phẩm văn học cũng thay đổi theo.
Phân tích, chứng minh:
Bản thân mỗi tác phẩm văn học là một kết cấu vẫy gọi, một cấu trúc nghệ thuật đa trị và đa nghĩa, chứa đựng những khả năng lí giải khác nhau, có khả năng tạo nên sự đa dạng trong tiếp nhận văn học (dẫn chứng).
Qua lăng kính của sự tiếp nhận, số phận lịch sử, vẻ đẹp, ý nghĩa của tác phẩm không vĩnh hằng, bất biến mà có thể thay đổi, biến động tùy thuộc vào không gian, thời gian, độc giả (lớp công chúng, thế hệ người đọc, kinh nghiệm sống, vốn văn hóa, trạng thái tâm lí…); vượt ra ngoài tầm chi phối của tác giả – người sáng tạo ra nó (dẫn chứng).
Mở rộng, nâng cao:
Tính đa dạng, không thống nhất về vẻ đẹp, ý nghĩa của tác phẩm văn học khi đi vào đời sống vừa là một đặc trưng của nghệ thuật, vừa thể hiện khả năng đồng sáng tạo của người đọc trong tiếp nhận văn học. Thừa nhận sự đa dạng về ý nghĩa của tác phẩm và khả năng đồng sáng tạo của độc giả trong tiếp nhận văn học góp phần thể hiện cái nhìn dân chủ, tiến bộ; tránh được những sai lầm trong đánh giá tác phẩm văn học; góp phần thúc đẩy quá trình sáng tạo của nhà văn (dẫn chứng).
Để tìm hiểu ý nghĩa, vẻ đẹp của tác phẩm văn học, người đọc cũng cần chú ý đến mối quan hệ giữa tác phẩm – cấu trúc thẩm mĩ với nhà văn – chủ thể sáng tạo và môi trường sinh thành của nó.
Tổng hợp
Thanh Hương