(Tổ Quốc) - Nhiều phụ huynh vẫn nghĩ đơn giản Giáo dục công dân là dạy đạo đức đơn thuần chứ không nghĩ các con lại học phức tạp đến vậy. Nhưng cũng có nhiều cha mẹ nghĩ khác...
Dù kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đã kết thúc, nhưng đến hôm nay đề Giáo dục công dân (GDCD) vẫn đang gây tranh cãi, khi có nhiều ý kiến cho rằng có nhiều tình tiết "dã man, phản cảm" không phù hợp với học sinh.
Cụ thể là 1 tình huống như sau: "Anh C là chi cục trưởng chi cục X chở chị S là nhân viên đi công tác bằng xe mô tô..." và câu hỏi "thôn Y có ông A; vợ chồng anh G, chị P; vợ chồng chị M, anh N và con gái là cháu C cùng sinh sống. Vốn có định kiến từ trước nên khi thấy chị P vào nhà mình, chị M cho rằng chị P có mục đích xấu nên đã tri hô và hỗ trợ anh N đánh đuổi chị P...".
Và những hành động sau được nhắc đến: đánh đuổi, giam, bắt cóc, dọa giết, ngất xỉu, bị bỏ đói... và nhiều người cho rằng phản cảm, không phù hợp với môi trường học đường.
Tuy có nhiều người cho rằng "đề khó hiểu, phức tạp, xoắn não vì phải đọc đi đọc lại mới hiểu nội dung nhưng phần đông lại cho rằng cách ra đề như vậy không có gì là phản cảm. Cuộc sống thực tế phức tạp như vậy và các con ở tuổi 18 nhận thức về những hành động này là rất bình thường".
Vũ Thanh, 41 tuổi (Phụ huynh học sinh lớp 7): Tôi thấy rất mừng khi các con đã được học đến như thế này!
Tôi phải đọc mất 1 lúc mới hiểu đề, nhưng có lẽ các con sẽ hiểu nhanh hơn chăng? Tôi vốn vẫn nghĩ môn Giáo dục công dân là dạy đạo đức, với các em cấp 3 thì tầm cao hơn nhưng vẫn là những bài học về cuộc sống. Nhưng hóa ra các con đã được học về luật pháp, quyền bất khả xâm phạm về thân thể... và tôi thấy rất mừng.
Dù có hơi khó hiểu hoặc phải đọc lâu mới hiểu nhưng tôi thấy đây cũng là đề có tình huống hay. Ai đó có bảo đề "dã man, phản cảm" nhưng tôi thì không cho rằng như vậy. Không cho các con học thì cuộc sống còn nhiều tình huống có thể xảy ra dã man hơn và chúng biết phải làm sao đây?
Điều duy nhất tôi thấy bất ngờ là môn GDCD hiện nay các con đã được học đến tầm phức tạp thế này rồi sao? Và với tôi đó là điều rất đáng mừng.
Các con giờ đã được tiếp xúc với MXH là bao nhiêu thứ kinh khủng được xem, được thấy, chúng không phải là tờ giấy trắng như thời ngày xưa của bố mẹ chúng nữa, nên nếu chúng không sáng suốt, không được tiếp cận những hoàn cảnh này dù chỉ là trên giấy thì có lẽ cũng còn tệ hơn nữa.
Phạm Thái Bình, 46 tuổi (Phụ huynh học sinh vừa thi tốt nghiệp THPT năm 2021): 18 tuổi đủ để giáo dục rồi!
Tôi nghĩ đề thi này không có vấn đề gì, đó là một tình huống thực tế trong cuộc sống và đáng để các con học hỏi suy ngẫm. 18 tuổi đủ để giáo dục rồi. Các bạn nên học để hiểu bảo vệ bản thân và không vi phạm luật pháp.
Các tình huống đưa ra là thực tế. Nhiều bạn ở Hà Nội và các tỉnh có thể có những hàng động xấu tương tự nhưng lại chưa nhận thức được việc làm của mình là sai. Nên việc cho các bạn nhận thức rõ ràng tình huống để một số bạn giác ngộ và tránh không vi phạm hoặc biết khi người khác vi phạm thì mình hành động sao cho đúng pháp luật là cần thiết.
Nguyễn Thu Hiền, 35 tuổi (Phụ huynh học sinh lớp 3): Hành động này nên để trường đời dạy chứ ai lại lôi vào trường học thế?
Mình thấy đề thi này đọc khá xoắn não. Thời mình học GDCD là học làm sao để làm người tốt, chứ chưa đến mức phải phân loại hành động xấu như thế này.
Lúc mới đọc cũng thấy gai gai 1 chút vì kiểu ồ xã hội loạn lạc đến thế này rồi ư?
Nhưng mà có lẽ cuộc sống giờ cũng phức tạp và lắm hoàn cảnh bất ngờ xảy ra thật nên biết trước để gặp thật ngoài đời đỡ sốc mà biết phân tích, biết bảo vệ mình, biết không làm hành vi sai trái thì cũng đúng.
Ngoài những tình tiết có vẻ dã man không bàn thì mình thấy ý này lại là không nên này. Kiểu lấy thù riêng đưa vào việc chung, xong rồi bắt cóc trẻ con, xong ăn miếng trả miếng thì nên là để trường đời dạy chứ ai lại lôi vào trường học thế. Theo ý kiến của mình thì không nên giáo dục kiểu này hơn.
Tuy nhiên, đứng ở 1 góc độ nào đó thì đề cũng có phần mang tính hữu ích.
ĐX