(Tổ Quốc) - Nếu bạn đang mơ mộng một chuyện tình yêu lãng mạn ở giảng đường thì tốt nhất nên cân nhắc lại chuyện theo học ngành công nghệ thông tin.
Công nghệ thông tin hiện là một trong những ngành nghề hot nhất hiện nay. Theo nhiều chuyên gia trong ngành thì mức lương trung bình của 1 lập trình viên những năm gần đây rất cao. Lương có thể lên đến gần 2.000 USD nếu lập trình viên sở hữu chuyên môn, năng lực vững chắc, cộng thêm khả năng "đón đầu" công nghệ mới.
Tuy nhiên việc theo đuổi ngành nghề công nghệ thông tin (CNTT) không hề dễ dàng. Bạn cần có quá trình học tập chăm chỉ, không ngừng tìm tòi nghiên cứu, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo hết mức có thể. Bởi đây ngành có tốc độ thay đổi chóng mặt. Với những sĩ tử đang băn khoăn có nên chọn ngành học CNTT làm bệ phóng tương lai thì những thông tin dưới đây sẽ vô cùng hữu ích.
1. Ngành công nghệ thông tin là gì?
Hiểu một cách đơn giản, công nghệ thông tin là ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền và thu thập thông tin. Người làm việc trong trong ngành này thường được gọi là IT (Information Technology).
Mục đích của khối khoa học tổng hợp liên ngành này là nhằm phát triển khả năng sửa chữa, tạo mới và sử dụng hệ thống các thiết bị và máy tính bao gồm phần cứng, phần mềm để cung cấp giải pháp xử lý thông tin trên nền công nghệ cá nhân, tổ chức có yêu cầu. Hiện tại các trường đại học đang đào tạo ngành CNTT có thể kể đến như: Đại học Bách khoa – ĐHQG TP.HCM, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân,...
Khi học ngành Công nghệ thông tin sinh viên có thể nghiên cứu chuyên sâu về:
- Khoa học máy tính
- Công nghệ phần mềm
- Kỹ thuật máy tính
- Hệ thống thông tin
- Mạng máy tính và truyền thông
- An toàn thông tin mạng
2. Học công nghệ thông tin xong ra trường làm gì?
Nhu cầu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin ngày càng có chiều hướng gia tăng với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các công ty, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, các tổ chức, hiệp hội,… liên quan đến các lĩnh vực phát triển, sản xuất, lắp ráp, sửa chữa trang thiết bị phần cứng, chuyên thiết kế, triển khai các giải pháp tích hợp về phần cứng và phần mềm và cả những vấn đề về an ninh mạng như virut, hacker,… Một số vị trí việc làm cụ thể như sau:
- Lập trình viên phần mềm
- Kiểm duyệt chất lượng phần mềm
- Chuyên viên phân tích thiết kế hệ thống, quản lý dữ liệu, quản trị mạng, kỹ thuật phần cứng máy tính,...
- Chuyên gia quản lý, điều phối các dự án công nghệ thông tin
3. Mức lương trung bình của ngành công nghệ thông tin là bao nhiêu?
Theo một số thống kê, tính đến quý II/2018, lượng việc làm IT đã tăng đến 74% so với năm 2012 và tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Việt Nam sẽ cần đến 350.000 – 500.000 nhân lực IT đến trước cuối năm 2021. Tình trạng thiếu hụt lập trình viên có năng lực khiến nghề này càng hot, và đẩy mức lương trung bình tăng cao.
Hiện tại, lương trung bình của lập trình viên tại Việt Nam dao động trong khoảng 10 – 25 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, ở phân khúc lập trình web, các lập trình viên có mức lương 8 – 13 triệu đồng cho lập trình viên front-end và 11 – 15 triệu đồng cho lập trình viên back-end. Trong khi đó, các vị trí quản lý có mức lương cao dao động 30 – 66 triệu đồng và xu hướng vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Nếu bạn có chuyên môn cao và khả năng làm việc nhạy bén, không ngừng sáng tạo thì mức lương còn có thể cao hơn nữa.
4. Khả năng "ế" khi học công nghệ thông tin là rất cao?
Nếu bạn đang mơ mộng một chuyện tình yêu lãng mạn ở giảng đường thì tốt nhất nên cân nhắc lại chuyện theo học ngành công nghệ thông tin. Theo một số thống kê thì tỷ lệ nam sinh và nữ sinh theo học ngành này khá chênh lệch. Tỷ lệ nam chiếm đến 89%, trong khi đó nữ chỉ khoảng 11%. Nguyên nhân một phần bởi đây là ngành kỹ thuật cao nên nữ giới sẽ vất vả hơn khi theo học. Một khi đã theo học CNTT, bạn sẽ phải tập quen với việc thức khuya dậy sớm, không ngừng học tập, tìm tòi.
Nhiều nam sinh ngành CNTT cho biết: Bạn sẽ dần dần mất liên hệ với thế giới bên ngoài bởi vì "tự kỷ" với máy tính và những dòng code quá nhiều. Khả năng các sinh viên ngành CNTT "ế" suốt những năm tháng đại học là rất cao.
5. Hiếm khi được tan làm đúng giờ
Theo nhiều người hiện đang làm việc trong ngành công nghệ thông tin, việc tan làm đúng giờ rất hiếm. Và hầu hết mọi người đều phải làm việc ngoài giờ liên tục để kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến nữ giới khó lòng theo đuổi được ngành này.
Bên cạnh đó, ngành công nghệ thông tin vốn có tốc độ thay đổi chóng mặt nên người học luôn phải cập nhật các xu hướng từng ngày từng giờ. Chính vì vậy không có chuyện sinh viên ra trường chỉ cần học hết 1 lần là có thể đi làm, mà còn phải vừa học vừa làm, trau dồi liên tục.
Ngoài ra, không có chuyện sinh viên học ngành gì sẽ đi làm ngành đấy. Điều này được quyết định bởi việc khách hàng cần công nghệ gì. Nếu bạn chỉ làm được những gì đã học ở trường thì sẽ không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng và sớm bị đào thải trong môi trường làm việc khắc nghiệt, luôn đòi hỏi sự sáng tạo, năng động.
Thanh Hương